Sunday, June 2, 2019

👘👘...GIỮ NẾP NHÀ -CHỜ TỤI NHỎ KHÔN LỚN



Ba mẹ tôi có phương pháp dạy con đơn giản, bằng cách kể đi kể lại các tấm gương của những người họ quen biết trong cuộc đời. Gương tốt có, gương xấu có. Con cái hãy tự soi và chọn cho mình tấm gương nên theo, tấm gương nên tránh.

Phương pháp này, dân gian có tên gọi hẳn hoi. Đó là:
💬 “Trông người lại nghĩ tới ta”.

Lại trông sang người Nhật.

Người Nhật luôn học được những thứ hay ho nhất của thế giới. Thời cổ đại, họ học từ Trung Hoa. Thời cận đại, họ học từ phương Tây.

Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là, dù học từ bên ngoài nhiều như vậy, nhưng lúc nào họ cũng giữ được nguyên vẹn cá tính Nhật Bản. Ngày nay, rất ít dân tộc trên thế giới giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của mình, trước sự tàn phá của quá trình toàn cầu hóa và internet, như người Nhật.

Tôi hỏi một anh bạn thân người Nhật.
- Thanh niên Nhật có thích xem kịch Nô không?
- Không - Bạn trả lời.

- Họ có thích mặc kimono không?
- Không.

- Họ có thích thưởng thức geisha không?
- Không.

- Thế họ có thích thưởng thức trà đạo, hương đạo… không?
- Không. Họ là Tuổi trẻ và Tuổi trẻ bao giờ cũng chỉ thích cái mới - Anh bạn Nhật khảng định.

- Vậy nước Nhật làm sao bảo tồn được văn hóa truyền thống, nếu Tuổi trẻ - là tương lai của nước Nhật - không thích?
- Đơn giản thôi, khi về già họ sẽ thích.

Hóa ra là thế!

Ở Việt Nam, chúng ta cứ lo lắng, tuổi trẻ bây giờ không thích ca trù, không thích mặc áo tứ thân, không thích áo dài khăn đống… Tuổi trẻ ở đâu cũng thế, tất nhiên chỉ thích cái mới.



/////
.

 CÁI ĐÁNG LO KHÔNG PHẢI LÀ TUỔI TRẺ QUAY LƯNG VỚI TRUYỀN THỐNG, MÀ LÀ NHỮNG NGƯỜI GIÀ CŨNG KHÔNG CÒN MUỐN GIỮ TRUYỀN THỐNG.

Cái đáng lo không phải là Tuổi trẻ quay lưng với truyền thống, mà là những người già cũng không còn muốn giữ truyền thống.

Giữ gìn truyền thống là trách nhiệm của những người lớn tuổi. Thế hệ chứng kiến những truyền thống của tổ tiên lần lượt biến mất không có lỗi. Lỗi thuộc về thế hệ trước đó.

Thế hệ trước phải có trách nhiệm gìn giữ nề nếp tổ tiên cho đến khi thế hệ sau đủ chín, để hiểu được giá trị to lớn của truyền thống. Chỉ khi đó họ mới có thể quý trọng truyền thống, đi theo nó và tiếp tục gìn giữ nó cho các thế hệ sau.

Qua chuyện này, may quá nhận ra, về hưu rồi, vẫn có việc để làm, vẫn còn chỗ hữu dụng: GIỮ NẾP NHÀ - ĐỢI TRẺ CON KHÔN LỚN.

.

TÁC GIẢ : HOANG MINH CHAU