Thursday, May 23, 2019

🐣...QUẠ NUÔI TU HÚ








TU HÚ, NHỮNG ĐIỀU BẠN CHƯA BIẾT
Vừa rồi   rất nhiều bạn lên án về hành vi hất trứng (hoặc chim non khác) của tu hú. Do vậy mình xin chia sẻ thêm một số thông tin về loài chim đặc biệt này để các bạn có thêm góc nhìn đa chiều. Bài viết hơi dài, mặc dù mình đã tóm lược rất nhiều, mong mn thông cảm.

Tu hú là một nhóm các loài chim có tên khoa học Eudynamys gồm khoảng 10 loài phân bố khắp lục địa Á-Âu-Úc. Tu hú thuộc họ chim cu cu, Họ này có tên tiếng Anh là Cuckoo, tên khoa học là Cuculidae, có khoảng 300 loài chim cùng họ này. Tu hú, bìm bịp, phướn...đều thuộc Cuculidae.
Tuy nhiên chỉ vài chục loài trong Họ này có hành vi đẻ trứng nhờ, gọi là Brood parasite (ký sinh đẻ trứng), tu hú là một trong số đó. Chim tu hú trong bài này là mình đang nói tới là nhóm Eudynamys chứ ko riêng gì từng loài cụ thể.

Tới mùa sinh sản, tu hú rình trộm các tổ chim khác, các tổ chim đó gọi là chim vật chủ , và dành nhiều thời gian quan sát chim chủ. Ngay sau khi chim mẹ đẻ 1, 2 trứng thì sẽ lọt vào tầm ngắm của tu hú. Nó đợi chim mẹ bay đi kiếm ăn, tu hú bay đến, chỉ mất tầm vài giây nó đẻ ra một quả trứng giống y hệt về màu sắc và kích cỡ so với trứng chim chủ.

Thông thường chim tu hú sẽ bỏ đi ngay sau khi đẻ, nhưng một số loài tu hú sẽ mổ và ăn quả trứng của vật chủ hoặc hất quả trứng đó khỏi tổ (vì một số loài chim chủ có khả năng biết đếm, nó sẽ nghi ngờ khi thấy số lượng trứng bị thay đổi).

Tổ chim nào mà chưa có trứng, tu hú sẽ không vào đẻ mà nằm yên chờ đợi, nếu nó đẻ vào cái tổ trống trơn hẳn sẽ bị bọn cư dân mạng chửi ngu sml, chim bố mẹ sẽ biết mà hất trứng đi ngay (hoặc bỏ tổ).

Tạo hóa sinh ra tu hú và giúp nó tiến hóa một cách tuyệt vời. Mỗi loài tu hú suốt đời chỉ chọn một vài vật chủ để nó đẻ trứng ký sinh. Và trứng của nó có nhiều màu sắc và kích thước giống với trứng vật chủ mà nó nhắm tới. Vì sao? Vì mỗi loài chỉ tiến hóa theo một hướng để khi đẻ quả trứng ra nó phải giống hệt với trứng vật chủ. 

Nếu sau khi đi xem Endgame về mà bố mẹ chim thấy một quả trứng lạ lẫm trong tổ (khác biệt về màu sắc và kích thước hình dạng) thì tụi nó ko ngần ngại mà làm ngay món ốp la cho ấm bụng. Nhưng nếu chúng thấy tổ có thêm một trứng mà các trứng đều giống nhau thì bọn chúng bỏ qua mà đưa nhau đi ngủ. Học toán ngu thì ráng chịu vậy.

Thông thường trứng tu hú sẽ nở sớm hơn trứng chim chủ. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng tu hú có khả năng nín đẻ, hay nói chính xác hơn trứng dc giữ trong cơ thể chúng lên tới 24h, chỉ nhằm mục đích duy nhất đợi thời cơ "vườn không nhà trống" mà thôi. Vi diệu hơn nữa, trứng đang ở giai đoạn "nín" vẫn phát triển bình thường và xem như đang được ấp nhé. Chưa dừng lại đó, ông trời ban tiếp cho phôi thai tu hú một tốc độ phát triển nhanh hơn loài chim vật chủ mà nó định đẻ nhờ. Tổng hợp các combo đó lại, trứng chim tu hú luôn có tỉ lệ nở ra nhanh hơn trứng chim chủ, và đó là mấu chốt cho sự thành công của kế hoạch "ly miêu hoán chúa".

Sau khi trứng tu hú nở, việc làm đầu tiên là chim non sẽ hất các quả trứng và chim non khác ra khỏi tổ để độc chiếm nguồn thức ăn. Đồng thời chim non đc truyền thêm bộ gene từ chim mẹ, đó là nó có khả năng bắt chước tiếng chim con của vật chủ, kiểu như "Đói Đói, Đưa tao đồ ăn".

Giả sử nó mà hét toáng lên "Im hungry, hungry..." thì hẳn bọn chim bố mẹ bảo nhau: "thằng này chắc éo phải con mình, vì nó nói tiếng Lào" , và Alê sút. cút ra khỏi tổ chúng tao nhé"

Không phải chim tu hú non nào cũng hất chim khác ra khỏi tổ ngay sau khi nở. Chúng ta cần hiểu rằng, ko phải điều đó luôn xảy ra. Vì đôi khi do kết cấu tổ nên tu hú non ko thể (hoặc chưa thể) hất chim khác ra được (có thể vách tổ quá cao hoặc con non ko đủ sức làm việc đó), và nó cần phải làm điều đó càng sớm càng tốt trước khi các quả trứng khác kịp nở và chim bố mẹ thấy dc sự khác nhau rõ rệt của đám con.

Ở trên mình có nói, tu hú chỉ chọn một vài loài chim vật chủ để nó đẻ trứng suốt đời. Vì nếu nó đẻ vào một tổ chim khác, chim chủ sẽ hất quả trứng ra ngay vì nó khác biệt với những quả còn lại. Các nhà khoa học đã nghiên cứu suốt 16 năm và kết luận màu sắc của trứng tu hú được di truyền trực tiếp từ chim mẹ, mà ko cần quan tâm bố nó là ai. Màu sắc trứng được tiến hóa theo vật chủ, thành nhiều màu khác nhau: xanh dương, xám tro, hồng nhạt, kết hợp các đốm... miễn sao cho giống trứng vật chủ nhất có thể. Sở dĩ màu sắc trứng chỉ di truyền từ chim mẹ sang chim non, là vì nếu nó kết hợp với cả nhiễm sắc thể từ chim bố, thì hẳn màu sắc trứng sẽ rất loạn, vì ai biết gene bố nó có màu sắc gì chứ. Nhiều lúc muốn đẻ quả trứng màu xanh thì cứ rặn ra quả màu nâu, màu đỏ thì mệt, nên tốt nhất mang gene 1 người để khỏi bị sai bố cục. Cứ hiểu nôm na, tính xấu của phụ nữ luôn truyền từ mẹ sang con gái đi cho nhanh. Tùy mỗi loài vật chủ thì có một loài tu hú đi kèm. Do vậy suốt cuộc đời tu hú vẫn mãi là kẻ lén lút theo dõi nhà người ta trong cô độc và lạnh lẽo.

Chim vật chủ cũng ko phải ngu, nó về tổ mà thấy quả trứng khác lạ sẽ hất bỏ đi vì nó biết đó là trứng ký sinh. Qua thời gian sự tiến hóa giúp chim chủ đẻ trứng ngày càng khác màu (hoặc khác kích thước hình dáng hoặc cả hai) so với các thế hệ tiền sử của nó, và tu hú cũng vậy, nó tiến hóa theo để "có bầu có bạn, vui tri kỷ".

Cuộc chiến sinh tồn giữa tu hú và chim chủ là cuộc chiến dai dẳng ko có hồi kết, một bên luôn tìm cách để phát hiện ra bọn ăn nhờ ở đậu, bên còn lại cũng phải làm sao để bọn chủ nhà ko đuổi mình đi. Cứ thế đôi bạn cùng tiến thôi.

Các nhà khoa học thống kê được rằng có khoảng hơn 100 loài chim là vật chủ của tu hú. Mỗi con tu hú có thể đẻ ra các quả trứng khác nhau về màu sắc, hình dáng và kích thước ứng với các loài mà nó đẻ nhờ. Mỗi mùa sinh sản, chim tu hú có thể đẻ được hơn 50 trứng cho từng ấy tổ chim. Ví dụ loài tu hú phổ biến ở nước ta là loài tu hú châu Á Eudynamys scolopaceus khi đẻ vào tổ chào mào, chim trích thì trứng có màu hồng nhạt lốm đốm giống với bọn này (hình 1). Nhưng khi chúng đẻ vào tổ chim họa mi, khướu thì tu hú mẹ sẽ "làm phép biến hình" ra quả màu xanh dương như các bạn thấy trong hình 2. Tuyệt vời phải ko? Đi mà hỏi ông trời ấy.

Mình xin mở rộng ra thêm một chút về Brood Parasite - Hành vi đẻ trứng ký sinh. Không chỉ xảy ra ở các loài Cuckoo mà còn diễn ra với các loài chim khác, thậm chí các loài côn trùng khác nữa. Có dịp mình sẽ viết thêm về côn trùng.

Trong hình 3 là khả năng đẻ trứng đa hình của loài Anomalospiza imberbis (Họ: Viduidae). Bạn sẽ thấy ở cột bên trái là trứng chim chủ (Host) còn bên phải là trứng của kẻ đè nhờ (parasite, foreign) rất giống phải ko? Đi mà hỏi ông trời ấy

Có nhiều loài chim ký sinh không hất trứng và chim non khác ra khỏi tổ nhưng bọn chúng chơi một trò bẩn gọi là Chiến thuật Mafia (Mafia tactics), thuật ngữ này do Amotz Zahavi của Đại học Tel Aviv đưa ra năm 1979.

Ông ấy quan sát và thực nghiệm thấy rằng một số loài chim đầu nâu Molothrus ater (Họ Icteridae, Bộ: Sẻ) và chim cuckoo đốm lớn Clamator glandarius ko cần phải tiến hóa theo cách đẻ trứng giống với trứng chim chủ, mà nó hoàn toàn có thể đẻ trứng khác biệt. Nhưng sau khi đẻ nó sẽ rình và quan sát, nếu chim chủ mà mổ trứng hoặc hất chim non của nó ra khỏi tổ, nó sẽ đợi chim chủ bay đi và lao tới phá nát tổ chim để trả thù. Một hành động rất đầu gấu theo kiểu mafia. Qua thời gian các loài chim chủ đó tự học được cách thích nghi bằng cách : "Ừ, tao cho con mày ở nhờ đó, dc chưa!! 

Hình 4 là trứng của loài Molothrus ater khác biệt hoàn toàn với trứng vật chủ, nhưng nào nó có ngán. Thử chơi lớn đập vỡ trứng của tao xem, mày sẽ thấy hậu quả

Câu hỏi đặt ra tại sao chim bố mẹ ko đi làm tổ mới? Bởi vì bọn chúng cần một thời gian kiếm mồi vất vả để tích trữ năng lượng làm tổ và đẻ trứng. Do vậy khi bị bọn mafia phá tổ, bọn chim chủ chỉ còn cách chấp nhận chứ ko thể làm tổ mới dc. Ko như loài người chúng ta thích đẻ lúc nào thì đẻ, thậm chí đi làm còn đẻ rơi dc, ăn uống thỏa thích, muốn ở nhà trọ hoặc nhà thuê thì tùy , còn đối với bọn chim, sữa bà bầu của tụi nó là dăm ba con châu chấu què quặt, không được khám thai định kỳ và có thể mất mạng bất kỳ lúc nào trong khi kiếm ăn. Vì thế công sức để làm lại từ đầu tốn kém hơn rất nhiều việc nuôi một kẻ ăn bám. Bọn chim chọn phương án hai là vậy.
Mặc dù phát hiện về hành vi mafia còn gây tranh cãi nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm dc cách giải thích tốt hơn và vẫn chấp nhận hành vi này cho tới tận ngày nay.

Ở một nghiên cứu khác dc công bố trên tạp chí Science, một nhóm nhà khoa học đã phát hiện được một mối quan hệ cộng sinh của Cuckoo và loài quạ ở Tây Ban Nha. Cụ thể quạ sẽ cho Cuckoo đẻ nhờ và chăm sóc con của nó, chim non Loki sinh ra sẽ hòa thuận với Thor. Đổi lại, Loki tiết ra một loại mùi là sự tổng hợp của các hóa chất như axit, lưu huỳnh... Có tác dụng đuổi được một số kẻ địch như diều hâu, đại bàng, hay thậm chí mèo. Điều đó gia tăng cơ hội sống sót cho loài quạ và thậm chí các loài chim khác. Họ lấy thử con cuckoo non đó mang ra khu vực khác (vẫn là khu rừng quạ sống nhưng ko có chim cuckoo vào đẻ) thì tỉ lệ chim quạ non sống sót ở nơi đó cho đến khi trưởng thành tăng lên 40%.
Đây quả là một sự bắt tay đầy hoàn hảo. Đâu phải lúc nào cũng một màu u ám đúng ko?

Về Tu Hú và Họ Cuckoo nói riêng, về Hành vi đẻ trứng ký sinh nói chung của các loài vật còn chứa nhiều bí ẩn, nhưng rõ ràng chúng là loài vật thông minh và rất thú vị. Vẫn đang là đối tượng nghiên của các nhà điểu học.

Và xin nói rõ hơn cũng ko có bằng chứng nào nói rằng tu hú đẻ nhờ là vì nó ăn sâu độc, ko thể nuôi con. Sâu độc chỉ là món tráng miệng như kiểu trà sữa của chúng thôi, ko phải thức ăn chính, mặt khác như đã nói nhiều loài trong Họ Cuckoo và các Họ chim khác cũng đẻ nhờ và chúng ko hề yêu thích món trà sữa nhé, nên giả thuyết trên ko đứng vững. Và chúng còn nhiều bí ẩn chờ dc khám phá.

Nếu bạn thấy một tổ chim bị tu hú ký sinh thì đừng giết hại tu hú non. Việc bạn hất chúng ra khỏi tổ là một hành vi phản tự nhiên, can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Cũng như việc bạn đang ở trong nhà thì bị người ta tới tóm cổ vứt ra đường với lý do gây hại tới môi trường (xả nước thải, vứt túi nylon, xài ống hút nhựa v.v,...) nghe xem có ức chế ko? Bạn được pháp luật bảo hộ và không ai dc phép xâm phạm, gây tổn hại cho bạn, vậy tại sao bạn lại làm tổn thương tới tu hú vốn được tự nhiên bảo hộ hàng ngàn năm qua???

Ở khía cạnh khác, Mặc dù bạn có thể trực tiếp cứu chim non khỏi bị tu hú giết hại nhưng chưa chắc đó là điều tốt. Vì nhiều loài chim, khi có hơi (mùi) của con người phảng phất trong tổ, nó sẽ bỏ cả tổ và chim non, hoặc sẽ bị stress mà phá tổ. Kể cả việc mang chim non về nuôi, chắc chắn bạn ko thể làm tốt hơn bố mẹ chúng.

Nhưng sâu xa hơn bạn đã gián tiếp can thiệp vào quá trình tiến hóa của tự nhiên, cụ thể là của chim vật chủ và chim tu hú nói riêng, các loài động vật nói chung. Biết đâu cả ngàn năm sau, mấy con họa mi, khướu, chào mào...và tu hú lại sống hòa thuận theo kiểu cộng sinh thì sao, bởi vì chúng vẫn đang tiến hóa đấy thôi.

Chúng ta không thể lấy vị trí của mình để phán xét rằng tu hú độc ác, sinh con ra ko nuôi được thì đừng sinh. Những câu nói kiểu này rất trẻ con nhưng cũng dễ thương. Khi các bạn chịu khó tìm hiểu sẽ thấy rằng loài người chúng ta để tồn tại cho đến tận ngày nay cũng đã gây ra rất nhiều cuộc diệt chủng quy mô lớn với rất nhiều loài sinh vật khác trên hành tinh này. Và nếu so sánh với hành vi của tu hú, hẳn bọn chúng chỉ là con muỗi.

Chúng ta chỉ can thiệp khi biết chắc rằng loài chim vật chủ đang trên đà tuyệt chủng và cần được bảo vệ. Sự can thiệp ấy cần có chuyên môn từ các nhà khoa học hoặc ít ra với những người hiểu biết chứ không đơn giản là nhấc tu hú lên rồi thả cái bụp là xong. Việc làm này với hầu hết chúng ta ở đây đều được xem là hành vi gây nguy hại tới tự nhiên. Còn gọi theo kiểu bọn cư dân mạng là: ngu mà còn tỏ ra nguy hiểm.

Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Bài viết có thể còn thiếu sót, rất mong nhận dc đóng góp từ mọi người.

BÀI CỦA MA BƯ MẬP
https://www.facebook.com/testter.ter

P/s 1: 
  ở khía cạnh khác,  tu hú là loài chim ăn sâu độc lẫn ko độc. nhưng chỉ mỗi chim trưởng thành mới có đề kháng chống lại độc dược của sâu . còn chim non thì ko . do đó chim bố mẹ mới đẻ nhờ tổ chim khác để chim con khỏi bị ngộ độc do thức ăn của chim bố mẹ . còn việc chim con đẩy những quả trứng ra khỏi tổ bởi vì tổ chim quá bé . mà chim non thì lại to lớn . chúng nhầm tưởng đó là vật cản nên đẩy ra khỏi tổ . xét về khía cạnh chim bố mẹ chỉ vì thương con nên mới làm vậy . đó là những gì tạo hóa đã tạo ra . vạn vật trừ con người ra thì đều là ko biết tính toán . ko biết mưu mô . ko hề thủ đoạn . không hề biết về việc ác độc khốn nạn.
.
.

🕊🕊

.