Friday, April 19, 2019

🌾🌾 ...DÂN TỘC TÍNH



🌾🌾
Chúng ta vẫn thường nghe kể những câu chuyện người Việt thế này, người Nhật thế kia, người Mỹ thế nọ. Vậy thật ra 
❓ các dân tộc có tính cách khác nhau hay không? 
❓ Nếu có thì nó nằm ở đâu?
 Mình sẽ dẫn dắt vấn đề này từ một câu chuyện lịch sử thời xa xưa ở Trung Hoa, đưa ra lập luận khoa học, và cuối cùng là quay lại câu chuyện Việt Nam thời nay (có ghé ngang Singapore thời cận đại một tí).

Nhà Tuỳ thống nhất Trung Hoa từ Nam-Bắc triều, đưa nước Trung Hoa phát triển cực thịnh về kinh tế, xã hội, và quân sự. Sự thành công quá lớn và quá nhanh khiến cho Tuỳ Dương Đế Dương Quảng trở nên kiêu ngạo, chỉ thích nghe những lời nịnh nọt và hợp ý mình, trừng trị những ai nói ra những lời trái tai. Các trung thần người bị giết, người từ quan về quê. Các quan lại xu nịnh lại nắm quyền cao chức trọng. Phần lớn quan lại ở khúc giữa thì gió chiều nào theo chiều nó, từ từ phải dối lòng và trở nên nịnh bợ. Sự gian dối trong triều lên cao đến độ nông dân nổi lên khắp nơi, cả triều đình đều biết mà không ai dám nói cho Dương Quảng nghe vì hễ ai nói đến thảo khấu nổi loạn là Dương Quảng đều giết. Dương Quảng chỉ biết đến các cuộc nổi loạn khi … loạn quân vào trong cung giết ông.

❓ Như vậy có thể nói là người Hoa có tính gian dối không?

Khi Tuỳ mạt, nhà Đường lên thay, Lý Thế Dân phải sử dụng lại rất nhiều quan lại của triều Tuỳ để vận hành nhà Đường vì không đủ người. Người theo Lý Thế Dân khởi nghĩa chủ yếu là võ tướng. Ông không đủ văn nhân để cai trị đất nước nên phải sử dụng rất nhiều quan văn của nhà Tuỳ để lại. Cũng các con người đó, trong thời nhà Tuỳ thì gian dối xu nịnh, nhưng khi làm việc dưới triều Đường thì lại đàng hoàng thành thật vì Lý Thế Dân rất ghét xu nịnh, lại hay khen thưởng những người dám thẳng thắn can ngăn ông những quyết sách không đúng.

❓ Tại sao những quan lại đó xu nịnh gian dối thời Tuỳ mà lại thẳng thắn thành thật trong thời Đường?

 Về mặt di truyền học, chúng ta không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy dân tộc này lại thật thà hơn dân tộc khác cả. Về tâm lý học hành vi, chúng ta cũng không có chứng cứ cho thấy sự khác biệt giữa các dân tộc về cách tư duy (cognition) hay phát triển cảm xúc (emotion). Tuy các dân tộc không khác nhau về tổng thể, nhưng các cá nhân có khác nhau theo phân phối chuẩn . Ví dụ như tính thật thà, có một số ít cá thể rất thật thà (phía bên phải của phân phối) và một số ít cá thể rất không thật thà (phía bên trái của phân phối), nhưng phần lớn dân số là có khi thật thà, có khi không, tuỳ vào hoàn cảnh (ở giữa phân phối).


 Khi điều kiện xã hội có lợi cho tính thật thà (xã hội A) thì thiểu số rất thật thà trở nên thành công và có những vị trí quan trọng trong xã hội. Thiểu số rất không thật thà trở nên nghèo khổ và bị xã hội cho ra rìa. Phần đa số ở giữa thì nhìn vào thành công của thiểu số rất thật thà và sự thất bại của thiểu số rất không thật thà và họ học theo thiểu số rất thật thà để thành công, dần dần họ trở nên thật thà theo. Nhìn vào xã hội này sẽ thấy rất nhiều thật thà.

Khi điều kiện xã hội có lợi cho tính gian dối (xã hội B) thì thiểu số rất gian dối trở nên thành công và có những vị trí quan trọng trong xã hội. Thiểu số rất thật thà trở nên nghèo khổ và bị xã hội cho ra rìa. Phần đa số ở giữa thì nhìn vào thành công của thiểu số rất gian dối và sự thất bại của thiểu số rất thật thà và họ học theo thiểu số rất gian dối để thành công, dần dần họ trở nên gian dối theo. Nhìn vào xã hội này sẽ thấy rất nhiều gian dối.

Như vậy, sự khác biệt của xã hội A và xã hội B không nằm ở yếu tố di truyền cũng như tâm lý học hành vi, mà nằm ở điều kiện xã hội. Cùng một dân tộc, cùng một đất nước, chỉ cần điều kiện xã hội khác đi thì có thể biến từ A thành B và từ B thành A. Do đó chúng ta nên bỏ đi cái khái niệm “dân tộc tính” vì nó vừa phản khoa học vừa không văn minh vì mang tính phân biệt chủng tộc, điều mà thế giới văn minh đã từ bỏ gần trăm năm rồi.

Chúng ta cũng phải bỏ luôn các lập luận đổ thừa cho “dân tộc tính” vì nó chỉ là hệ quả của điều kiện xã hội, chứ không phải nguyên nhân. Việc lập luận rằng các “dân tộc tính” tạo ra điều kiện xã hội vừa phản khoa học vừa mang tính đổ thừa vừa đi vào bế tắc vì nó không giúp chúng ta thay đổi. Thay vào đó, nếu chúng ta tiếp cận nó một cách khoa học, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi nó. Câu chuyện thời Tuỳ-Đường ở trên là một ví dụ. Một ví dụ gần đây hơn nữa là ở Singapore. Khi tách ra khỏi Malaysia, Singapore có một xã hội kém văn minh, tham nhũng tràn lan. Nhưng sau khi chính phủ Lý Quang Diệu thực thi luật pháp nghiêm minh, trong một thời gian ngắn, Singapore trở thành một xã hội trật tự ngăn nắp, văn minh, và trong sạch hơn hẳn Malaysia.

Quay về câu chuyện Việt Nam. Điều kiện xã hội Việt Nam đang rất thuận lợi cho việc gian dối. Chúng ta có thể thấy việc gian dối xảy ra khắp mọi nơi. Từ trong trường học ra ngoài xã hội (hình 1). Từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Vì sao? 
❓ Vì sự gian dối không bị trừng phạt mà còn được tưởng thưởng bằng thành công, địa vị. Xin đừng đổ thừa cho “dân tộc tính” vì như vậy vừa phản khoa học, vừa độc ác vì nó chặn đứng mọi nỗ lực thay đổi theo hướng tốt đẹp. Người Việt Nam về di truyền, về tâm lý hành vi cũng như các dân tộc khác thôi, cũng có một thiểu số rất thật thà, một thiểu số rất gian dối, và đại đa số ở giữa. Chỉ cần chúng ta thay đổi điều kiện xã hội để nhóm thiểu số thật thà thành công và nhóm thiểu số gian dối ra rìa. Đại đa số ở giữa sẽ từ bỏ gian dối mà quay về với thành thật mà thôi.

Thành thật-gian dối chỉ là một ví dụ mà thôi. Các phân tích trên có thể áp dụng vào tất cả các “tính cách” khác của người Việt Nam. Hãy ngừng đổ thừa cho “dân tộc tính” và bắt tay vào hành động.

🌾🌾
THUYẾT DÂN TỘC TÍNH NÓI GÌ?
 Theo Đỗ Lai Thúy, quá trình phát triển ý thức cá nhân của con người Việt Nam trải qua 5 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Con người làng xã với điểm xuất phát là ý thức cộng đồng
Giai đoạn 2: Con người vô ngã, do ảnh hưởng của Phật giáo Thiền tông dưới thời Lý- Trần.
Giai đoạn 3: Con người quân tử, do ảnh hưởng của Nho giáo dưới thời Lê
Giai đoạn 4: Con người tài tử với những ứng xử phi chính thống hình thành vào thời Lê mạt, khi xã hội loạn ly
Và giai đoạn thứ 5 là Con người cá nhân, do ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây, hình thành vào nửa thế kỉ XX.

Nguồn gốc của văn hóa chính là điều kiện tự nhiên. Từ thời xa xưa, nông nghiệp trồng trọt đã là nguồn gốc của văn hóa mang tính tập thể của người phương Đông. Trồng trọt và lúa nước là nghề mang tính thời vụ, lúc vào mùa thì bận rộn, một hai người làm không hết việc nên mọi người phải liên kết hỗ trợ nhau. Đặc biệt là nghề trồng lúa nước mang tính đặc thù rất cao, nguyên nhân là do chỉ có thời tiết hai mùa nắng mưa mới thỏa mãn được cái tính ưa nhiều mưa và nắng của cây lúa nước. Mà Việt Nam nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung lại thỏa mãn cùng lúc được hai đặc điểm này. Vì phải phụ thuộc vào thiên nhiên nên nghề trồng lúa nước đi kèm với nhu cầu về thủy lợi tưới tiêu, nhiều người tập trung vào chỗ có nước và hỗ trợ nhau xây dựng đê điều- vì con người phải theo nước chứ không thể bắt nước chạy theo mình. Từ đó, đời sống của người Việt ta ngay từ xưa đã mang tính tập thể rất cao. Đối với người Việt, tập thể gần gũi nhất là gia đình, tiếp đến là làng và sau làng là nước. Ngay từ xưa một đứa trẻ sinh ra đã gắn bó với gia đình và làng xã.


Nông thôn Việt Nam
Khác với người phương Đông, từ những thế kỉ đầu công nguyên, người phương Tây lại có cái gốc làm nghề du mục, nghề du mục thì cần phải di chuyển nhiều, thế cho nên người phương Tây mới có văn hóa “đi” và ưa khám phá, còn người Việt mình có văn hóa “ngồi”. 
Những thế kỉ sau đó thì họ cũng chuyển sang nghề chăn nuôi gia súc và trồng lúa mì khoai tây nhưng theo kiểu tự cấp tự túc nên chỉ cần sự tự lập của cá nhân là đủ. Tính cá nhân đã được hình thành rất sớm, các bạn vẫn được nghe câu chuyện quen thuộc là một đứa trẻ phương Tây từ 18 tuổi đã phải tự lập.


Nền văn hóa mang tính âm
Giáo sư Trần Ngọc Thêm gọi nền văn hóa phương Đông mang tính âm, và nền văn hóa phương Tây mang tính dương. 
Các bạn có thể hiểu đơn giản nền văn hóa âm tính đề cao giá trị cộng đồng làng xã, tính gắn kết, ưa sự ổn định, ngại thay đổi và xem tính cá nhân là phi giá trị. Còn nền văn hóa dương tính thì ngược lại. Nền văn hóa Việt Nam cũng có tính dương, nổi bật là những thập kỉ gần đây. Người miền Trung và miền Nam dương tính hơn người miền Bắc, người thời nay dương tính hơn thời xưa, nam thì dương tính hơn nữ… nhưng nếu xét về tổng thể thì ở Việt Nam tính âm vẫn là chủ đạo. Có thể hiểu rằng, dân tộc sống bằng nghề nông nghiệp trồng trọt thì âm tính, còn dân tộc sống bằng chăn nuôi, du mục là dương tính. Nếu nói rằng nền văn hóa Việt Nam ảnh hưởng hoàn toàn bởi văn hóa Trung Hoa thì không đúng, vì về bản chất, văn hóa Trung Hoa là loại hình văn hóa trung gian, là vừa mang tính âm vừa mang tính dương. Nền văn hóa của Việt Nam chỉ giống văn hóa Trung Hoa ở một số điểm trên bề mặt thôi.

❓ Nền văn hóa mang tính âm thì sao nhỉ?
Với nền văn hóa mang nặng tính âm như Việt Nam, chúng tạo ra các đặc trưng cơ bản như sau: tính cộng đồng, tính trọng âm, tính ưa hài hòa, tính chủ toàn, tính linh hoạt.

Mỗi đặc trưng đều có mặt tốt và mặt xấu của nó, chúng hình thành nên những tính cách của người Việt Nam. Nói một cách dễ hiểu, bạn hình dung thế này: Nuôi heo không xấu, nhưng nuôi heo mà đề gió thổi mùi heo sang nhà hàng xóm 24/7 thì không hay chút nào.

Ví dụ như tính cộng đồng làng xã gây dựng nên các giá trị tốt đẹp như tinh thần tập thể, tinh thần đoàn kết,.. nhưng cũng phát sinh một số thói hư tật xấu như thói dựa dẫm, ỷ lại, thói cào bằng đố kị, bệnh triệt tiêu cá nhân,.. Hay là tính linh hoạt thì có những giá trị như khả năng thích nghi cao, tính sáng tạo nhưng cũng phát sinh ra thói tùy tiện cẩu thả, bệnh khôn vặt, láu cá. Hay là tính chịu đựng nhẫn nhịn, lòng hiếu khách được tạo ra từ đặc trưng tính trọng âm nhưng cũng sinh ra bệnh bảo thủ, thụ động, bệnh đối phó. Có khoảng 15 giá trị được tạo ra và có tới 30 thói hư tật xấu được hình thành. Cũng xin nói thêm, nhờ tính trọng âm mà chúng ta sau cả ngàn năm bị Trung Quốc xâm lược, chúng ta đã không bị đồng hóa vì tính cộng đồng làng xã quá cao.


Thế mới nói, ✅không có nền văn hóa nào là hoàn toàn đúng hay là hoàn toàn sai.
 Cả phương Đông và phương Tây, chúng ta đều có những thứ cần học hỏi nhau. Nhưng khi ra tầm quốc tế, chúng ta không nên mang theo những tật xấu ấy đi theo. Như Tiến sĩ Lê Thẩm Dương nói rằng: Đi ra thế giới phải theo chuẩn thế giới, không theo cái chuẩn Hà Nội hay Sài Gòn được. Nếu nắm rõ về nền văn hóa Việt Nam, bạn sẽ dễ dàng điểu chỉnh hành vi bản thân cho tốt hơn trong thời kì hội nhập hoặc đơn giản là sẽ hiểu hơn về hành vi cộng đồng trong cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn qua các sự kiện như Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, hôi bia ở Đồng Nai hay là bão U23 vừa rồi.


Cuối cùng là để giải thích cho hai câu lục bát ở đầu bài. 
Bệnh hám lợi tham lam dạy rằng khi ăn cùng tập thể ta phải ăn nhanh kẻo hết phần.
 Bệnh lề mề chậm chạp khuyên ta hãy cứ đi từ từ, không gì phải vội, tới đâu hay tới đó, đây cũng một phần là do nghề làm lúa nước, vào những mùa rảnh rỗi thì người nông dân cứ đủng đỉnh như vậy, mới sinh ra thói quen đi chậm. 
Hay cười là do tính lạc quan vui vẻ, cộng với tật đối phó(cười trừ, cười nịnh,..). 
Đái bậy đơn giản là do ý thức kém, khi mà người phương Tây coi đó là hành vi cần giấu đi thì mình lại làm ngoài đường. 
Trong khi phương Tây quan niệm hôn nhau là hạnh phúc, là niềm vui không gì phải giấu diếm thì do bệnh triệt tiêu cá nhân, sợ người khác ghen tức về hạnh phúc của mình, người Việt Nam đem đi hôn bụi. 
Còn tật rung đùi nhìn như đang mắc bệnh Parkinson là do người Việt Nam ngồi nhiều, nên sinh ra tật rung đùi như là một cách tập thể dục. 
Còn xỉa răng là do đâu thì mình để dành cho các bạn tự khám phá nhé