Tuesday, March 6, 2018

💰💰 ....VÌ SAO THỨ TỰ LÀ "SĨ-NÔNG-CÔNG-THƯƠNG"?




Một sinh viên trường Thương mại đặt câu hỏi này với tôi. Tôi xin trả lời dưới đây. Bài viết này chỉ thể hiện quan điểm cá nhân.

----------------

Sau khi đánh thắng Hạng Vũ, lên ngôi Hoàng Đế, điều khiến Hán Cao Tổ lo lắng nhất là giữ được Thiên Hạ. Ông biết, cái ngôi Thiên Tử mà ông mới giành được sẽ có nhiều kẻ dòm ngó. Vậy người, có khả năng soán ngôi Hoàng Đế trong tương lai, sẽ đến từ đâu?

Xã hội phong kiến thời đó có 4 giai cấp chính: Kẻ Sĩ, Thương Gia, Nông Dân và Thợ Thủ Công.
Giai cấp khiến Hán Cao Tổ ít lo lắng nhất là Kẻ Sĩ. Ông biết, Kẻ Sĩ tuy được học hành đầy đủ, nhưng họ chỉ là những con mọt sách, thiếu thực tiễn, không có tính quyết đoán, nên không làm được việc lớn. Quan trọng hơn, hầu hết Kẻ Sĩ đều đang làm quan, họ sẽ không dám mạo hiểm để mất đi lương cao bổng hậu đang nhận từ triều đình.

Trong ba giai cấp còn lại, Hán Cao Tổ lo sợ nhất là đám Thương Nhân: họ kiếm được nhiều tiền tức là họ có trí; họ dám mất tiền (dám đầu tư) tức là họ có dũng; họ giầu có tức là họ có nhiều phương tiện để hành động. Hơn nữa, tấm gương thương nhân Lã Bất Vi còn ngay trước mắt, nên Hán Cao Tổ càng cảnh giác.

Vì vậy, ông quyết định xếp các giai cấp trong xã hội theo thứ tự SĨ-NÔNG-CÔNG-THƯƠNG. Giai cấp Kẻ Sĩ được đặt ở vị trí cao quý nhất và giai cấp Thương Nhân bị đặt ở vị trí thấp hèn nhất.

Sự sắp đặt này giúp Hán Cao Tổ đạt hai mục tiêu: 
  • một là, được tiếng Minh Quân vì biết tôn trọng kẻ sĩ;
  •  hai là, khi bị đặt ở vị trí bị mọi người khinh rẻ, giai cấp Thương Nhân sẽ không có uy tín để tập hợp lực lượng tranh giành thiên hạ.

Vì được đặt ở vị trí cao quý, nên kẻ sĩ được mọi người tôn trọng. Truyền thông tôn vinh những người đỗ đạt cao ở TQ và VN, có lẽ, cũng xuất phát từ đây.

Tôi muốn nói thêm về giai cấp Kẻ Sĩ. Họ đều là những người tự hào vì đọc chữ Thánh Hiền (tức là ngài Khổng Tử), luôn tâm niệm trong lòng bốn chữ TRUNG QUÂN ÁI QUỐC (tạm hiểu: Yêu nước là trung thành với Vua, vì ngày xưa nước là của Vua). Những chuyện về "Kẻ Sĩ - Ngu trung" có rất nhiều trong lịch sử. Ngay như Bao Thanh Thiên, người bảo vệ luật pháp được mệnh danh là Thiết Diện Vô Tư, khi đối mặt với Thánh chỉ, dù trong lòng bất phục, nhưng bên ngoài cũng không thể có hành động bất tuân. Hán Cao Tổ quả là biết nhìn đúng bản chất của Kẻ Sĩ.

Vì bị đặt ở vị trí thấp hèn, giai cấp thương nhân sau thời Hán Cao Tổ, không bao giờ ngóc đầu lên được. Họ là giai cấp tội nghiệp nhất trong lịch sử TQ. Ở Việt Nam cũng thế, thương nhân đến gần đây vẫn bị coi là "con phe" chuyên buôn gian bán lận.

Tôi muốn nói vài lời công bằng cho các thương nhân.

Hầu hết, mọi người đều tin rằng, chỉ có công nhân, nông dân, các nhà khoa học - công kỹ nghệ... mới tạo ra của cải vật chất, còn thương nhân chỉ là những người trung gian buôn nước bọt kiếm lời. Đây là một quan niệm không chính xác.

Thứ nhất, thương mại tạo ra giá trị gia tăng. Một mới rau muống trị giá một ngàn, đưa vào nhà hàng năm sao sẽ có giá vài trăm ngàn. Tương tự, một củ sâm mang từ Hàn Quốc sang Pháp, giá trị cũng tăng lên nhiều lần.

Thứ hai, không chỉ tạo ra giá trị gia tăng, thương mại còn góp phần làm tăng năng suất lao động, qua đó tăng số lượng sản phẩm. GATT, một tổ chức tiền thân của WTO, đã từng đưa ra các bài giảng về nội dung này. Ví dụ, so với người Việt Nam, năng suất chế tạo ô tô của người Pháp cao gấp 5 lần, trong khi năng suất chế tạo xe đạp chỉ gấp 2 lần. Pháp có lợi thế so sánh với Việt Nam khi sản xuất ô tô. Việt Nam có lợi thế so sánh với Pháp khi sản xuất xe đạp. Nhờ có trao đổi thương mại mà mỗi nước có thể tập trung vào lợi thế so sánh của mình và kết quả là tổng số ô tô và xe đạp của Pháp + Việt Nam, có thể sản xuất, sẽ nhiều hơn.

Vì vậy, nếu bạn định trở thành thương nhân, thì hãy tự tin đi theo lựa chọn của mình. Đừng lo bị gọi là con phe. Đừng buồn vì ai đó nói bạn chỉ biết buôn gian bán lận, sống bằng nước bọt. Hãy tin rằng, thương mại có đóng góp tích cực cho mọi nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay.

👴 HOANG MINH CHAU