Saturday, March 13, 2021

🚽 ...LUẬN VỀ BÀI TIẾT



💬 không gì thoải mái bằng ỉa đái kịp thời,


(Qua dữ liệu ngôn ngữ và văn chương của người Việt)
Đỗ Anh Vũ

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Bài tiết là hoạt động thiết yếu và chính đáng của mọi cơ thể sống. Bài tiết cũng là quy luật sinh học, có đầu vào tất phải có đầu ra. Dĩ nhiên, những sản phẩm của bài tiết thường có mùi vị không dễ chịu và được xem là không sạch sẽ nên hay bị người ta ngần ngại nhắc đến hoặc muốn tránh xa. Tuy thế, đời sống ngôn ngữ và văn chương của người Việt vẫn có những góc nhìn rất thú vị về đối tượng đặc biệt này. Bài tiết không chỉ có mặt trong ngôn ngữ giao tiếp sinh hoạt đời thường, nó còn đi vào vùng ngữ liệu dân gian qua các thể loại tiêu biểu như thành ngữ, tục ngữ, ca dao, truyện dân gian và một bộ phận sáng tác thành văn. Bài viết này, vì thế sẽ đi vào luận giải bài tiết qua những vùng ngữ liệu vừa kể tên.

2.NỘI DUNG CHÍNH
2.1. Khái niệm
Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, NXB Từ điển Bách khoa, 2010, tr 48) ghi nhận hai nghĩa của bài tiết: 1. Thải ra ngoài cơ thể. 2. (Bộ phận bên trong cơ thể ) sản sinh chất dịch, tiết. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung khảo sát và phân tích những dữ liệu về bài tiết thuộc ý nghĩa thứ nhất: thải ra ngoài cơ thể. Theo nhìn nhận của chúng tôi, việc bài tiết của mọi cơ thể sống (bao gồm người và động vật) có thể chia thành ba loại cơ bản: bài tiết chất rắn (với sản phẩm bài tiết là phân), bài tiết chất lỏng (với sản phẩm là nước tiểu và mồ hôi), bài tiết chất khí (với sản phẩm là rắm). Vì thế, trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung bàn về ba hoạt động bài tiết đó.

2.2. Bài tiết chất rắn
Bài tiết chất rắn, theo cách nói dân dã nhất chính là đi ỉa, tức hoạt động đào thải phân ra ngoài cơ thể qua đường hậu môn.
Điểm thú vị đầu tiên là người Việt có ý thức phân chia những cách gọi tên khác biệt khi gắn với hai đối tượng khác nhau. Nếu như “ỉa” được coi là cách gọi tên phổ thông, chung cho mọi loại đối tượng thì người Việt còn có cách nói “ị” dành riêng cho trẻ con. Ngoài ra, trong ngôn ngữ sinh hoạt đời thường còn nhiều cách diễn đạt khác của hoạt động đi ỉa, mang các sắc thái nói giảm nói tránh để đỡ đi cảm giác dơ bẩn như: đại tiện, đi nặng, thả bom, thả mìn, đi nhanh về chậm, giải quyết nỗi buồn, phóng uế, đi ngoài, đi cầu, đi đồng...Đặc biệt, nếu bị đi ỉa chảy, người Việt sẽ có thêm cách gọi: Tào Tháo đuổi.
Trong tri nhận của người Việt, ỉa là một trong những hoạt động điển hình gắn với sự di chuyển, vì thế trước từ “ỉa” bao giờ cũng bắt gặp từ “đi”, tạo thành kết hợp “đi ỉa”. Theo chúng tôi, khái niệm “đi ỉa” bao gồm hai sự vận động: sự vận động của chủ thể hành động ỉa và sự vận động của sản phẩm bài tiết theo con đường từ ruột non sang ruột già rồi qua hậu môn để ra bên ngoài. Nhiều dân tộc trên thế giới cũng có cách tư duy tương tự như người Việt trong hoạt động bài tiết này. Chẳng hạn trong tiếng Anh và tiếng Pháp, hoạt động “ỉa” cũng được thêm các động từ go, aller (nghĩa là “đi”) vào phía trước. Ta có các kết hợp: go to stool (đi ra chỗ cái ghế), aller à la selle (đi ra chỗ có cái yên), aller au petit coin (đi vào một góc/xó), aller aux cabinets (đi vào chuồng tiêu), aller quelque part (đi đến nơi nào đó), aller faire ses besoins (làm một số nhu cầu). Truy nguyên các khái niệm này, ta sẽ thấy nhiều trầm tích văn hóa thú vị của các dân tộc. Người Anh truyền thống không xây nhà vệ sinh mà họ đi đại tiện vào một cái bô, đặt bên dưới một loại ghế thủng chuyên dụng, vì thế mới có sự xuất hiện của “stool” trong khái niệm đi ỉa. Người Việt có thể bày tỏ nhiều loại cảm xúc như vui, buồn, sợ hãi, lo lắng, bực tức…gắn với hoạt động đại tiện qua những cách nói như: sướng vãi cứt, sợ vãi cứt, lo vãi cứt, nhục vãi cứt…
Thống kê trong thành ngữ tục ngữ ca dao của người Việt, chúng tôi tìm được 20 đơn vị có sự hiện diện của hoạt động đi ỉa, sắp xếp theo thứ tự alphabet như sau:

1. Ăn cho no ỉa cho to đống cứt
2. Ăn được ỉa được là tiên/ Không ăn không ỉa mất tiền thêm lo
3. Ăn ngô lại ỉa ra ngô
4. Ăn tro gio trấu ỉa cứt ra than
5. Chị gì chị bị cứt trâu/ Chị ra đầu cầu chị ỉa chị xem
6. Đang hay thì đứt dây đàn/ Đang cơn buồn ỉa thì nàng đến chơi
7. Đi ỉa còn bớt lại ít cứt.
8. Đi ỉa bắt cứt lại
9. Đi ỉa không biết đường lại, đi đái không biết đường về
10. Đời người tắm mát đeo hoa/Đời người ỉa chịn cũng qua một đời
11. Giậu nát chó ỉa
12. Học trò học trẹt ỉa phẹt ra mo, chó chẳng liếm cho học trò liếm vậy
13. Không gì sảng khoái bằng ỉa đái kịp thời
14. Làm ăn như chó ỉa vãi
15. Mặt nghệt như ngỗng ỉa
16. Mèo hay ỉa bếp
17. Mười ngày đi ỉa té re, được ngày cứt rắn thì khoe cả làng
18. Ngủ lắm thì lắm chiêm bao/Ăn lắm ỉa lắm cứt cao hơn đầu
19. Thứ nhất quận công thứ nhì ỉa đồng
20. Thứ nhất thi đỗ thủ khoa, thứ nhì vợ đẹp thứ ba ỉa đồng
 
Trong 20 đơn vị kể trên, chỉ có 4 câu (chiếm tỉ lệ 20%), hành động “đi ỉa” gắn với sắc thái ca ngợi, coi đi ỉa cũng như một thú vui, một hưởng thụ cuộc sống, chứng tỏ một cơ thể khỏe mạnh bình thường. Đó là các câu: Ăn được ỉa được là tiên, Không gì sảng khoái bằng ỉa đái kịp thời, Thứ nhất quận công thứ nhì ỉa đổng, Thứ nhất thi đỗ thủ khoa/ Thứ nhì vợ đẹp thứ ba ỉa đồng. Có 2 câu mang sắc thái trung tính (chiếm tỉ lệ 10%) như là miêu tả, đúc kết những đánh giá khách quan của cuộc sống: Mèo hay ỉa bếp, Mặt nghệt như ngỗng ỉa. 14 câu còn lại (chiếm tỷ lệ 79%), việc đi ỉa được dùng với các sắc thái âm tính, chủ yếu gắn với việc phê bình, chỉ trích những thói hư tật xấu trong xã hội. Chẳng hạn phê phán thói ăn không ngồi rồi, lười lao động, có các câu: Ăn cho no ỉa cho to đống cứt, Ăn lắm ỉa lắm cứt cao hơn đầu. Phê phán tính ki bo bủn xỉn có các câu: Ăn tro gio trấu ỉa cứt ra than, Đi ỉa còn bớt lại ít cứt, Đi ỉa bắt cứt lại. Chế giễu kẻ dốt nát đần độn thì có câu: Đi ỉa không biết đường lại, đi đái không biết đường về. Phê phán kẻ làm ăn luộm thuộm bừa bãi thì có câu: Làm ăn như chó ỉa vãi. Phê phán những kẻ lợi dụng hoàn cảnh khách quan để làm việc xấu thì có câu: Giậu nát chó ỉa. Phê phán những kẻ học hành, tiếp thu không có sáng tạo thì có câu: Ăn ngô lại ỉa ra ngô. Phê phán tính khoe khoang, sĩ diện hão thì có câu: Mười ngày đi ỉa té re/ Được ngày cứt rắn thì khoe cả làng. Mức độ chỉ trích nhẹ nhàng hơn ở những câu mang nội dung chế giễu, cũng có thể là đùa cợt: Học trò học trẹt ỉa phẹt ra mo, Đời người ỉa chịn cũng qua một đời, Chị ra đầu cầu chị ỉa chị xem. Có một câu phản ánh sự trái ngang hoặc một sự cố, rủi ro ngoài ý muốn chủ thể, ít nhiều mang sắc thái hài hước: Đang cơn buồn ỉa thì nàng đến chơi. Xin nói thêm rằng, ở đây, chúng tôi chỉ tập trung thu thập những câu liên quan đến hoạt động bài tiết đi ỉa, chứ không thu thập những câu nói về sản phẩm của bài tiết (cứt, phân). Về sản phẩm của bài tiết chất rắn, mời quý vị xem kỹ hơn trong bài Luận về cục cứt (nằm trong tập Vẻ đẹp của yêu tinh – Hỗn luận, Công ty Nhã Nam & NXB Hội nhà văn 2017) với 77 đơn vị thành ngữ, tục ngữ, ca dao có chứa đối tượng này.

Trong các sáng tác thi ca hiện đại, dù rằng khá khan hiếm, hành động “đi ỉa” vẫn đi vào một số bài thơ của một số tác giả. Công bằng mà nói, không phải tác giả nào cũng đủ bản lĩnh để sử dụng loại chất liệu này trong thơ của mình.
 
Trong tập Nhật ký trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh, có một câu thơ nhắc tới việc ngồi trên hố xí (Ngồi trên hố xí đợi ngày mai – Sơ đáo Thiên Bảo ngục, Nam Trân dịch) và một bài thơ nói về hoạt động bài tiết chất rắn bị hạn chế: Đau khổ chi bằng mất tự do/ Đến buồn đi ỉa cũng không cho/ Cửa tù khi mở không đau bụng/ Đau bụng thì không mở cửa tù (Hạn chế, Nam Trân dịch)
Một thi sĩ lừng danh khác là Nguyễn Đức Sơn (1937 - 2020), được người đương thời suy tôn vào bộ ba kỳ nhân văn chương trước 1975 ở miền Nam (hai người còn lại là Bùi Giáng và Phạm Công Thiện), nhiều lần đưa các hành động bài tiết vào thơ, trong đó đương nhiên có đi ỉa. Lúc thì hành động đi ỉa thuộc về chính thi sĩ:
Tôi định một ngày nào đó
Thật thảnh thơi
Leo lên trời
Ỉa

Lúc thì hành động đi ỉa lại thuộc về người yêu của chàng. Và thi sĩ cảm nhận như một vẻ đẹp đầy bất ngờ:
Một sớm sương mù giăng núi sông
Ghé thăm tình cũ cảm mênh mông
Cầu tiêu em ỉa quên chưa dội
Bãi cứt nhìn lên hiện đóa hồng
 
Hành động đi ỉa còn đi vào nhiều câu chuyện, nhiều giai thoại văn chương nổi tiếng được lưu truyền trong dân gian. Chẳng hạn chuyện đối đáp của Phạm Thái với nhà sư: Ỉa vãi vào sư (đối lại vế ra của sư: Dầu vương cả đế). Sự tinh nghịch của dân gian còn thể hiện trong việc cố tình hiểu sai những câu thơ trong tác phẩm nổi tiếng, quy cho nó ý nghĩa chỉ hoạt động bài tiết. Chẳng hạn trong Truyện Kiều, dân gian cho rằng Thúy Kiều bị ỉa táo bón bởi câu thơ:
Dùng dằng khi bước chân ra/
Cực trăm nghìn nỗi dặn (rặn) ba bốn lần.

2.3. Bài tiết chất lỏng
Bài tiết chất lỏng ở cơ thể người theo chúng tôi gồm hai sản phẩm: nước đái và mồ hôi. Tiểu mục này vì thế sẽ phân ra làm hai để nói kỹ về từng loại

2.3.1. Đái
Từ điển tiếng Việt định nghĩa về đái: “Thải ra ngoài cơ thể chất nước bã do thận lọc từ máu”. Từ điển tiếng Việt cũng ghi nhận thêm những tổ hợp cố định về đi đái hoạt động rộng rãi trong đời sống như: đái dắt, đái dầm, đái láu (cũng như đái dắt), đái đường, đái nhạt, đái tháo. Trong các tổ hợp trên, trừ “đái dầm” là đặc điểm thường gặp của trẻ con, những đơn vị còn lại đều phản ánh các bệnh lý liên quan đến hoạt động đi đái. Người Việt trong đời sống hàng ngày cũng có khá nhiều cách diễn đạt khác nhau về hoạt động đi đái, trong đó có nhiều cách nói mang màu sắc hài hước, là sự sáng tạo của các cá nhân: tiểu tiện, đi tiểu, úp mặt gốc cây, hỏi thăm gốc cây, đi tưới hoa, chạy thận tự nhiên, làm thủy lợi nhỏ.
Cũng giống như đi ỉa, đi đái trong tiếng Việt cũng có cách dùng riêng cho trẻ con qua đơn vị tè – đi tè. Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương đã đưa được chữ tè vào thơ rất thú vị, qua đó xem ông trời chẳng qua cũng chỉ như một đứa trẻ: Đang cơn nắng cực chửa mưa tè (Tát nước). Nước đái trong đời sống người Việt ngoài công dụng tưới tiêu cho cây trồng còn có khả năng dùng làm thuốc chữa bệnh, đặc biệt là nước đái trẻ con. Người Anh diễn đạt về đi đái bằng khái niệm “make water” (tạm dịch: tạo ra nước, làm ra nước), dùng chung cả người lớn lẫn trẻ con. Trong khi đó, cũng giống người Việt, người Pháp có phân biệt các cách gọi khác nhau giữa trẻ con và người lớn. Hoạt động đi đái của người lớn được biểu hiện bằng hai động từ: pisser và uriner. Hoạt động đi đái của trẻ con được biểu hiện bằng cụm động từ: faire pipi, trong đó pipi có thể xem là một từ tượng thanh, gần như âm [xi…xi..] của người Việt khi muốn cho trẻ con đái.

Chúng tôi thu thập được một số thành ngữ, tục ngữ về hoạt động đi đái như sau:
1. Ai biết mót đái mà hạ võng
2. Ăn bốc đái đứng
3.Ăn hại đái nát
4. Ăn hàng con gái, đái hàng bà già
5. Con gái đái lở đầu hè
6. Đái không qua ngọn cỏ
7. Đái ra máu
8. Đau vãi đái
9. Te tái chó đái vườn hành
10. Thấy chồng đần xỏ chân lỗ mũi, thấy chồng yêu vén váy đái niêu canh cần
11. Thú vị tình thâm, lấy phải con vợ đái dầm thú vị tình khai
12. Trai khôn lắm nước đái, gái khôn lắm nước mắt

So với đi ỉa, đi đái trong cảm quan của người Việt có lẽ được xem là hoạt động bài tiết ít dơ bẩn hơn, vì thế mà mức độ phê phán chỉ trích qua hành động này không nặng nề như những câu thành ngữ tục ngữ nói về đi ỉa. Chê kẻ thô lỗ cục mịch, ông cha ta có câu: Ăn bốc đái đứng. Chê những kẻ vô tích sự, không làm được việc gì có ý nghĩa mà chỉ phiền hà đến người khác, có câu: Ăn hại đái nát. Phê phán sự đối xử không công bằng, thiếu lịch sự, có câu: Ăn hàng con gái, đái hàng bà già. Có những câu nói riêng về việc đi đái của phụ nữ, trong đó có câu mang hàm ý coi thường: Đái không qua ngọn cỏ; có những câu mang sắc thái đùa vui: Con gái đái lở đầu hè; Lấy phải con vợ đái dầm thú vị tình khai; có những câu mang ý phê phán thái độ quá trớn của người vợ, hành động đi đái ở đây ít nhiều mang tính chất cường điệu: Thấy chồng yêu vén váy đái niêu canh cần. Hành động đi đái cũng được dùng làm ẩn dụ cho những nhu cầu, đòi hỏi của cá nhân trong mối quan hệ với người khác: Ai biết mót đái mà hạ võng.

Cũng giống như đi ỉa, hoạt động đi đái cũng được dùng để bộc lộ các cảm xúc buồn, vui, lo lắng, sợ hãi, bực tức…qua những cách nói quen thuộc của người Việt như: buồn vãi đái, sướng vãi đái, lo vãi đái, sợ vãi đái, tức vãi đái…Nhưng khác với đi ỉa, đi đái còn có thể ẩn dụ cho những tổn thất lớn hơn về mặt tinh thần qua thành ngữ: Đái ra máu.
Thành ngữ tục ngữ về đi đái không nhiều bằng đi ỉa, song thơ dân gian về đi đái lại xuất hiện nhiều hơn. Thời chống Mỹ nhiều nơi đã lưu truyền bài ca dao:
Dù ai đi đâu về đâu
Về đây mà đái lên đầu Giôn – xơn
Căm hờn lại giục căm hờn
Về đây mà đái còn hơn đái ngoài.

Tương truyền, nhân dân một địa phương đã chế tạo được một vật dụng đựng nước đái từ vỏ máy bay bị bắn cháy. Những câu ca này được khắc ở đó, vừa có tác dụng tuyên truyền cổ vũ lòng yêu nước, vừa kết hợp với việc tập trung nước tiểu để phục vụ tưới tiêu cây trồng. Cũng trong thời kháng chiến chống Mỹ, còn lưu truyền bài ca dao sau mà nhiều người cho rằng của nhà thơ Nguyễn Duy:
Sống trong rừng có nhiều cái khoái
Giúp cho ta đi đái rất gần
Đái đầu hè, đái ngoài sân
Đứng đâu đái đó, đéo cần đi xa
Không như khi sống ở nhà
Muốn đái một phát phải ra tận vườn

Dân gian còn có những cách chơi chữ để hiện ra lấp lửng hoạt động đi đái, khi thì qua những câu thơ vắt dòng, khi thì qua cách ngắt nhịp tùy hứng:
Anh đi công tác bản Mường
Tè xong một cái tìm đường về xuôi

Hay:
Cô gái Hơ Mông bên bếp lửa
Chàng trai Mường Tè dưới gốc cây

Nhìn chung, thơ dân gian về đi đái chủ yếu là thơ hài hước, mang lại những tiếng cười sảng khoái cho quần chúng lao động, cho mọi tầng lớp người đọc người nghe. Chuyện đi đái còn đi vào nhiều giai thoại trong dân gian như Trạng Quỳnh đối đáp với sứ Tàu (Khi sứ Tàu đánh rắm và đọc câu “Sấm động Nam bang”, Quỳnh liền quay ra mũi thuyền đái luôn một bài và đọc “Vũ qua Bắc hải”), chuyện Phan Văn Trị ứng khẩu hai câu thơ: Đứng lại làm chi cho mất công/ Vừa đi vừa đái vẽ nên rồng. Chị Út Tịch (1931 - 1968), anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, tương truyền thời trẻ, nghe mọi người nói câu “con gái đái không qua ngọn cỏ” đã rất bực, liền leo lên cây dừa rồi đái xuống. Dân gian cũng cố tình hiểu sai một số câu thơ trong Truyện Kiều, quy về hoạt động bài tiết đi tiểu để gây tiếng cười: Sè sè nắm đất bên đường/ Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh

Ở khu vực sáng tác thành văn, vẫn là thi sĩ kỳ nhân Nguyễn Đức Sơn đã đưa được hoạt động đi đái vào trong nhiều câu thơ với chất lãng mạn trữ tình hiếm có. Tất cả các câu thơ của ông đều gắn với vẻ đẹp của người con gái:
Bên bờ mương em vén quần sắp đái
Ta nghe càn khôn rụng ở trong tim
(Trên bờ hư không)
Rừng đã ướt một đêm vàng ân ái
Hơn một bầy sao lạ chiếu mông lung
Em lách dần bờ cỏ mượt như nhung
Nguyệt e ấp soi đường cho em đái
(Rừng đã ướt)
Mang mang chìm trong cõi lạnh trăng sao
Anh đứng đó cởi quần cho em đái
(Rừng Đông phương)
Con gái
Ngồi đái
Trên trái đất
Rôi đi dâu mất
(Tôi thấy)

2.3.2. Mồ hôi
Cùng với nước tiểu, mồ hôi là dạng chất lỏng thứ hai được bài tiết ra ngoài cơ thể. Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, NXB Từ điển Bách khoa, 2010, tr 822) định nghĩa: “Chất nước bài tiết qua lỗ chân lông ở da”. Khác với tất cả các chất bài tiết khác của cơ thể, mồ hôi là thứ duy nhất có khả năng tượng trưng cho công sức lao động khó nhọc. Mồ hôi cũng đi vào nhiều câu tục ngữ ca dao và bao giờ cũng là những ca ngợi, cảm thông, chia sẻ, tuyệt không thấy những phê bình chỉ trích: Đổ mồ hôi sôi nước mắt, Lấy bát mồ hôi đổi bát cơm, Muốn no thì phải chăm làm/ Một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi, Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày. Mồ hôi trong ca dao còn được dùng để nói về tình nghĩa vợ chồng: Tay nâng khăn gói sang sông/ Mồ hôi ướt đẫm theo chồng cứ theo. Một số hiện tượng ẩm nồm của tự nhiên cũng được người Việt dùng “mồ hôi” để diễn tả: Đá đổ mồ hôi, mưa trôi đầy đồng.

Nối tiếp văn học dân gian, mồ hôi đi vào nhiều sáng tác thơ ca thời hiện đại. Ngay từ Tú Xương (1970 - 1907), một trong những thi sĩ nối mạch từ trung cận đại sang hiện đại đã có những câu thơ tả mồ hôi gắn với cái nghèo:
Van nợ lắm khi trào nước mắt
Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi
(Cái khó)
Giọt mồ hôi vất vả nhọc nhằn của văn nhân còn chảy từ Tú Xương sang thơ Trần Huyền Trân:
Chóng hết trang, máu lẫn mồ hôi
Từng dòng đánh đổi lấy ngô khoai
(Đời một nhà văn)
Cũng trong thời Thơ Mới lãng mạn, Hàn Mặc Tử lại có một diễn đạt khác về mồ hôi, gắn với lao động sáng tạo nghệ thuật:
Thơ chưa ra khỏi bút
Giọt mực đã rụng rồi
Lòng tôi chưa kịp nói
Giấy đã toát mồ hôi
(Mùa thương)
Thời chống Pháp, mồ hôi được miêu tả gắn với vẻ đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ:
Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ
Anh Vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế
(Cá nước – Tố Hữu)
Thời chống Mỹ, mồ hôi trở về với biểu trưng quen thuộc của nó, là sự vất vả nhọc nhằn trong lao động:
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng Sáu
(Hạt gạo làng ta – Trần Đăng Khoa)

Nhưng không chỉ có vất vả nhọc nhằn, mồ hôi cũng là niềm tự hào của tình yêu lao động, tự hào về những thành quả thu được sau khi đã bỏ bao công sức:
Mồ hôi mà đổ xuống đồng
Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương
Mồ hôi mà đổ xuống vườn
Dâu xanh lá tốt vấn vương tơ tằm
Mồ hôi mà đổ xuống đầm
Cá lội phía dưới rau nằm phía trên
Mồ hôi xuống, cây mọc lên
Ăn no, đánh thắng, dân yên, nước giàu
Mồ hôi đổ xuống hoa màu
Chặn tay thằng Mỹ, dúi đầu thằng Tây
(Giọt mồ hôi – Thanh Tịnh)
Máu ai nhuộm thắm sao vàng
Mồ hôi ta đổ xuống hàng rau tươi
(Bài ca vỡ đất – Hoàng Trung Thông)

Sau 1975, sang thời bình, mồ hôi tiếp tục đi vào thi ca. Mồ hôi lúc này gắn với những kỷ niệm tình yêu đôi lứa của một thời nghèo khó nhưng đẹp đẽ không thể nào quên:
Anh chở em đi bằng xe đạp
Mồ hôi ra đẫm hết vai gầy
Thương ghê ngọn gió sau lưng đã
Thổi mát đời anh trong cánh tay
(Chuyện chiếc xe đạp – Bùi Chí Vinh)
Nhớ khi xưa anh chở em trên chiếc xe đạp cũ
Áo ướt đầm mồ hôi những trưa hè
(Xe đạp ơi – Nhạc và lời: Ngọc Lễ)

Mồ hôi còn có thể gắn với những suy tư, tự vấn, gắn với cuộc đấu tranh dữ dội trong tâm tưởng như trong những câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm. Đây có lẽ là tầng ý nghĩa biểu trưng được đẩy cao lên hơn cả của “mồ hôi” trong thơ Việt:
Tất cả chúng ta thật lòng nói dối
Tất cả chúng ta áo đẫm mồ hôi
Tất cả chúng ta căn nhà chật chội
Giữa cõi vô cùng vô tận mà thôi
(Vô cùng)

2.4. Bài tiết chất khí
Cùng với bài tiết chất rắn và bài tiết chất lỏng trong cơ thể người, còn phải kể đến bài tiết chất khí thông qua hoạt động đánh rắm. Từ điển tiếng Việt (sđd) định nghĩa: “Hơi trong ruột thoát ra qua hậu môn”
Người Việt ngoài cách gọi rắm/đánh rắm, còn có các cách gọi tên khác như: trung tiện, xì hơi, đánh hơi. Rắm được chia làm hai loại: rắm nổ (phát ra tiếng) và rắm xì (không phát ra tiếng).

Trong tiếng Anh, rắm được gọi là break wind (gió vỡ). Trong tiếng Pháp, rắm cũng được gọi là vent (gió)/ lacher un vent (thả ra một luồng gió). Người Pháp cũng dành riêng cho rắm xì các tên gọi: pet honteux, vesse. Như vậy, cả người Anh lẫn người Pháp đều tri nhận rắm như một luồng gió. Với người Anh, rắm còn gắn với tiếng nổ qua sự hiện diện của động từ break (vỡ), người Pháp nhẹ nhàng hơn, không nhắc đến tính chất nổ trong khái niệm rắm của mình. Trong tri nhận của người Việt, chúng ta rõ ràng không coi rắm là một luồng gió. Ấn tượng của người Việt về rắm, theo chúng tôi chỉ liên quan đến hai đặc điểm: sự chuyển động của luồng hơi và sự tác động đến khứu giác. Nhưng người Việt có một cách nhìn về rắm rất thú vị khác hẳn với người phương Tây, đó là quy rắm về một loại quả qua cách gọi tên: quả rắm. Như vậy, theo người Việt, rắm tuy là dạng khí nhưng lại có hình tròn. Lý giải điều này, chúng tôi cho rằng vì rắm thoát qua đường hậu môn (được coi là có hình tròn) nên người Việt cho rằng rắm cũng sẽ mang cái khuôn tròn ấy.

Mức độ bài tiết của rắm mang nét đặc thù là không lưu lại lâu, chỉ trong thoáng chốc. Có lẽ vì thế mà nó không đi vào nhiều trong khu vực ngữ liệu dân gian như thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Chúng tôi chỉ tìm được 4 đơn vị như sau:
1. Chàng rể mà đến mụ gia
Đánh một cái “bủm” chết ba con mèo
Mụ gia cắp nón chạy theo
Vợ chồng nhà đỏ đền mèo cho tao.
2. Nàng dâu đánh rắm gãy răng bố chồng
3. Rắm ai vừa mũi người ấy
4. Rắm đánh khỏi trôn chiêu hồn chẳng lại

Trong 4 đơn vị kể trên, hai đơn vị đầu chủ yếu mang tính chất đùa vui, cốt gây tiếng cười sảng khoái bằng lối nói ngoa ngôn, cường điệu. Câu thứ ba: Rắm ai vừa mũi người ấy còn có biến thể Cứt ai vừa mũi người ấy, hàm ý mỗi người do chủ quan nên khó nhận thức đúng về những ưu/khuyết điểm của mình, đặc biệt là khuyết điểm. Người Đức cũng có câu tục ngữ với ý tương tự: Ai cũng thấy rắm mình có mùi hổ phách. Câu cuối cùng mang hàm ý, sự việc đã xảy ra rồi, không thay đổi sửa chữa được, không rút lại được nữa. Rắm đánh khỏi trôn chiêu hồn chẳng lại có thể khiến ta nhớ đến một câu ca dao khác của người Việt có tinh thần tương tự: Một lời khi đã nói ra/ Liệu rằng bốn ngựa khó mà đuổi theo. Bên cạnh 4 đơn vị trên, chúng tôi còn bắt gặp một câu cửa miệng trong dân gian, dùng để chế giễu những người có tính hiếu kỳ, thích tò mò: “Thấy người ta đánh cái rắm to cũng phải chạy ra xem”. Về điểm này, người Pháp cũng có một câu nói ít nhiều mang ý nghĩa tương đồng: il va y avoir du pet (nghĩa đen: sắp có một quả rắm xuất hiện, nghĩa bóng: sắp có vụ ồn ào rắc rối đây). Bên cạnh đó, người Pháp còn có một cách nói rất phổ biến: il part comme une pet (nghĩa đen: anh ta đi như một quả rắm, nghĩa bóng: anh ta đi nhanh như cơn gió).

Không nặng nề với ý nghĩa phê bình chỉ trích như bài tiết chất rắn (đại tiện) và chất lỏng (tiểu tiện), người Việt thường đem rắm ra để làm những câu chuyện bông đùa, hài hước mang tính chất giải trí đùa vui. Trong kho tàng truyện tiếu lâm Việt Nam có các bài thơ về vịnh ngựa quan lớn (dùng rắm cụ bà để so sánh) và vịnh rắm Diêm Vương:
Ngựa ông phi mù tít
Rắm cụ bà kêu “ít”
Phi đi rồi phi lại
Lỗ đít vẫn chưa khít

Và:
Điện ngọc ngai cao
Mộng vàng rắm quý
Êm như tiếng sáo tiếng diều
Mường tượng mùi lan mùi huệ
Đã nên hương xạ thơm tho
Lại thoảng giọng đàn rủ rỉ
Có phen đại pháo nổ mừng xuân
Thật sánh được với địa lôi phá lũy
Chúa ngồi trên bệ, đã đành mở cửa năm xe
Tôi ở dưới thềm, cũng được nhờ hơi một tí.

Trong truyện cổ tích Việt Nam, việc đánh rắm cũng được đem ra như một chi tiết để gây cười. Truyện Rủ nhau đi kiếm mật ong (rút từ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi) kể về hai anh chàng ngốc tên là Ngốc và Bự. Sau khi Bự chôn cất Ngốc, có đoạn: “Sau khi chôn xong, hắn lại trở xuống thuyền. Bỗng nhiên hắn đánh một cái rắm. Thoáng thấy mùi thối, nhớ lại lời bọn lái, hắn bèn bụng bảo dạ: “Thối quá! Vậy là mình cũng đã chết rồi nên mới thối như vậy. Thôi, ta phải chôn ta đi mới được, không thì ai mà chịu nổi” ”. Trong văn chương đương đại những năm gần đây, Đinh Vũ Hoàng Nguyên có một truyện ngắn khá thú vị mang tên Công năng đặc dị (in trong Có một phố vừa đi qua phố, Công ty Nhã Nam – NXB Hội nhà văn, 2014), kể về một anh chàng có tài đánh rắm theo ý muốn, thích to nhỏ, kéo dài, thối hay không thối đều tùy ý. Tôi đã chuyển truyện ngắn này sang văn vần theo thể song thất lục bát:
Chuyện một gã học trường Mỹ thuật
Có công năng thực rất hơn người
Là tài đánh rắm tuyệt vời
Khi to nhỏ lúc đầy vơi lạ lùng
Phải nói rắm vô cùng tinh tế
Đít gã này như thể volum
Khi dương oai nổ trầm hùng
Khi thì lịt xịt bùng nhùng ong ve
Rắm của gã được chia hai loại
Loại không mùi gã gọi rắm văn
Thế còn thối khắm, thối hăng
Gọi tên rắm võ đằng đằng xung thiên
Có những lúc ngồi bên một đám
Gã sà vào một loáng đi ngay
Y như rằng, chỉ vài giây
Đám đông la hét đó đây nghi ngờ
Gã đánh rắm theo thơ theo nhạc
Theo yêu cầu của các anh em
Mình huýt sáo Bet to ven
Gã đệm đủ nốt, tất nhiên thế rồi
Khiến bao kẻ đứng ngồi bình luận
Bảo nếu so rắm với lời tuôn
Đít hắn hơn hẳn cái mồm
Lúc lên bổng lúc xuống trầm vui sao
Cuộc thảo luận cao trào đang độ
Gã nhấc mông co vó chạy ngay
Bao nhiêu gạch đá tung bay
Ném thằng thả rắm thối đầy không gian
Một kỷ niệm trong ngàn kỷ niệm
Kể ra đây để hiến mọi người
Ngày ấy lớp học chúng tôi
Có người mẫu nữ thường ngồi khoả thân
Cửa sổ lớp được căng lưới nhỏ
Tránh người ngoài nhòm ngó lung tung
Có lần mắt lưới bị bung
Thợ xây mấy chú chổng mông vào dòm
Mấy đồng đội mách luôn với gã
Gã chĩa mông nhẹ thả mấy tràng
Rắm lịt xịt, rắm liên hoàn
Đám đông xẻ nghé tan đàn chạy luôn
Tiếng chửi bới om sòm ô cửa
Một chú đần, ngộp thở như say
Hồi lâu mới thốt câu này
Qua ăn dưa chuột sao rắm đầy khú dưa?!!

3. VỸ THANH
Bài tiết không chỉ là câu chuyện của sinh học mà còn là câu chuyện thú vị của ngôn ngữ và văn chương, qua đó còn thấy được những dấu tích, đặc điểm văn hóa của cả cộng đồng.

Như vậy, có ba loại bài tiết cơ bản (chất rắn, chất lỏng, chất khí) với 4 loại sản phẩm: cứt/phân, nước tiểu, mồ hôi và rắm. Trong các loại bài tiết bao gồm sản phẩm vừa kể tên, ba loại bài tiết đại tiện, tiểu tiện và trung tiện thường bị coi là những yếu tố tục, bị người ta ngần ngại nhắc đến hoặc phải gọi tránh đi bằng những tên gọi khác. Người Việt còn có những cách nói gộp cả việc đi đại tiện và tiểu tiện vào một đơn vị định danh như: đi vệ sinh, giải quyết nỗi buồn. Việc đại tiện, tiểu tiện và trung tiện đi vào ngôn ngữ sinh hoạt là điều rất bình thường nhưng để đi được vào các sáng tác văn chương, nhất là thi ca, lại là điều khá hiếm hoi. Có lẽ chỉ văn học dân gian mới là môi trường lí tưởng nhất để những chất liệu này được “phát tiết”, tung hoành.

Khác với ba loại bài tiết đại tiện/tiểu tiện/ trung tiện, bài tiết mồ hôi không bị coi là tục, không phải dùng các tên gọi khác để nói giảm nói tránh. Hơn thế, mồ hôi là sản phẩm bài tiết duy nhất được dùng với những ý nghĩa biểu trưng cao quý, gắn với vẻ đẹp và tình yêu lao động, tình yêu cuộc sống. Mồ hôi vì thế là chất liệu dễ dàng đi vào nhiều tác phẩm thi ca từ xưa cho đến nay.

Tuy không được dùng để gắn với những ý nghĩa biểu trưng cao quý như mồ hôi, nhưng ba loại bài tiết đại tiện/ tiểu tiện/ trung tiện lại mang đến một điều mà mồ hôi không làm được. Đó là tiếng cười sảng khoái, là những ý vị hài hước qua những lời ăn tiếng nói dân gian, những câu chuyện được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Một tổng hòa đặc điểm và nhận dạng của tất cả các hình thức/ loại bài tiết làm nên sự hấp dẫn cho những ai muốn tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu về vùng ngữ liệu đặc biệt này.










94You, Vu Thai Ha and 92 others
36 comments