Saturday, January 23, 2021

🎯 SÁCH HAY : “NHỮNG VÒNG TRÒN ĐỒNG TÂM” (HAY “CẨM NANG XÂY DỰNG VĂN HÓA AN TOÀN”) - TÁC GIẢ TRƯƠNG ANH HẢI 🎯




Phó Tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam Trương Anh Hải: 'Sẻ chia để mọi người được an toàn hơn, hạnh phúc hơn'

Những vòng tròn đồng tâm” (hay “Cẩm nang xây dựng văn hóa an toàn”) là cuốn sách vừa ra mắt của tác giả Trương Anh Hải - Phó Tổng giám đốc Công ty NS BlueScope Việt Nam.

Là một cuốn cẩm nang nhưng thể hiện bằng hình thức tự truyện, “Những vòng tròn đồng tâm” lôi cuốn và bổ ích cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng môi trường làm việc an toàn. Có thể nói đây là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam đề cập một cách sâu sắc, đầy đủ, thú vị về vấn đề văn hóa an toàn trong môi trường nhà máy, phân xưởng.

Dịp này, chúng tôi đã phỏng vấn ông Trương Anh Hải những vấn đề xung quanh cuốn sách và công việc.

Cần thay đổi tư duy truyền thống về an toàn lao động

Thưa ông, là người làm công tác an toàn (an toàn vệ sinh lao động) gần 20 năm, cọ xát nhiều, trải nghiệm nhiều; cũng là người tham gia đào tạo, truyền cảm hứng về an toàn trong những năm gần đây, cơ duyên nào khiến ông trở thành tác giả của một cuốn sách về an toàn, có thể nói là đầu tiên của Việt Nam?

- Ông Trương Anh Hải: Trong vòng 5 năm trở lại đây, Công ty NS BlueScope Việt Nam dành nhiều thời gian và nguồn lực để chia sẻ kinh nghiệm quản lý an toàn cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh thành nơi công ty có nhà máy sản xuất, với mong muốn xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp sản xuất an toàn và bền vững. Chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi hội thảo chuyên đề và tham quan thực tế cho hơn 1.000 lượt người tham gia đến từ hơn 400 công ty. Tuy nhiên, phải nói là con số này khá khiêm tốn so với tổng số hơn 350.000 công ty tại Việt Nam. Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động, nên chúng tôi cần phải thay đổi cách thức chia sẻ với cộng đồng.

Nhưng phải nói rằng các lý do khách quan đó cũng chưa thật sự là cơ duyên để tôi viết cuốn sách này, mà nó đến từ một cuộc trò chuyện rất tình cờ giữa tôi và Tổng giám đốc Võ Minh Nhựt cách đây khoảng hơn 1 năm trước. Do biết tôi thuộc dạng rất “máu” trong lĩnh vực an toàn, nên anh Nhựt đã gợi ý và khuyến khích tôi viết cuốn sách này để việc chia sẻ dễ dàng và lan tỏa hơn nữa.

Sau khi ra sách, cảm xúc của ông thế nào, có bị áp lực lắm không? Ông có thể chia sẻ về những phản hồi xung quanh cuốn sách?

- Thật sự tôi rất vui và hạnh phúc sau khi sách được xuất bản, không phải vì tôi là người muốn nổi tiếng mà vì tôi cảm thấy công việc và cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn. Tôi hạnh phúc khi được sẻ chia để mọi người được an toàn hơn, hạnh phúc hơn, đặc biệt là để cho người lao động có cơ hội trở về nhà với gia đình họ một cách an toàn sau 1 ngày làm việc.

Tôi thật sự không có bất kỳ một áp lực nào trước đây và sau này do tôi thích cuộc sống đơn giản và không hào nhoáng, ngược lại tôi có thêm nhiều động lực hơn sau khi viết cuốn sách này nhờ các phản hồi tích cực từ một số bạn đọc. Tôi nhớ có một bạn gửi email cho tôi nói rằng bạn đã đọc một mạch hết cuốn sách trong một đêm đến 1-2 giờ sáng, và gửi lời cảm ơn cho tôi ngay sáng hôm sau. Không biết cuốn sách của tôi có giúp được gì cho bạn ấy không nhưng email của bạn ấy thật sự giúp tôi rất nhiều trong tương lai.

Theo ông, trong môi trường nhà máy, công xưởng, hiện nay vấn đề an toàn vệ sinh lao động, đâu là điểm mấu chốt cần phải giải quyết?

- Thật sự rất khó để trả lời câu hỏi này một cách chính xác, do mỗi công ty, công trường, nhà máy… đều có những đặc thù riêng (thuận lợi cũng như khó khăn) Tuy nhiên với quan điểm riêng của mình dựa trên kinh nghiệm của bản thân trong hơn 20 năm trong nghề này tôi nghĩ rằng có 3 vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý:

- Chủ doanh nghiệp cần thay đổi tư duy truyền thống về vấn đề an toàn vệ sinh lao động: nên xem các nguồn lực dành cho việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, là “đầu tư” chứ không phải “chi phí”; xem người lao động là “tài sản” chứ không phải “chi phí”; xem việc tham gia trực tiếp vào công tác an toàn vệ sinh lao động là “cần thiết” chứ không phải “cam kết suông”.

- Hệ thống và cơ cấu quản lý rủi ro chủ động cần được triển khai hiệu quả giúp công việc quản lý an toàn nhẹ nhàng hơn, ít lãng phí hơn, hiệu suất cao hơn, kết quả kinh doanh tốt hơn.

- Khuyến khích sự tham gia của toàn thể cán bộ công nhân viên vào hoạt động quản lý rủi ro tại nhà máy để nâng cao ý thức, tạo thói quen làm việc an toàn và tinh thần tự chủ trong công tác phòng ngừa tai nạn lao động và cải thiện điều kiện an toàn tại nơi làm việc.

Trong cuốn sách của ông, có những vấn đề như là sự “khai trí”, không chỉ trong lãnh vực an toàn, mà bao trùm các hoạt động ngoài xã hội. Ví như văn hóa đổ lỗi, mỗi khi có chuyện gì thì người ta có xu hướng “trút tội lỗi” cho một ai đó. Nhưng chính ông chỉ ra: “con người không là nguyên nhân”, mà “quy trình là nguyên nhân”. Theo ông để bao nhiêu lâu, một người bình thường có thể nhận ra điều này? Và, trên thực tế, mình đã khắc phục được văn hóa đổ lỗi chưa?

- Theo tôi nghĩ thay đổi tư duy của một người là điều không dễ dàng và phụ thuộc vào một số yếu tố. Yếu tố đầu tiên là cách chúng ta tiếp cận vấn đề như thế nào để người đối diện tiếp nhận nó một cách thoải mái thông qua các ví dụ cụ thể trong thực tế và các nghiên cứu khoa học chứng minh hiện tượng mắc lỗi của con người, cũng như cách phản ứng của chúng ta khi ai đó mắc lỗi. Yếu tố thứ 2 là nội dung thảo luận/phản biện liên quan đến cái lợi/cái bất cập của việc bắt lỗi/đổ lỗi hoặc trừng phạt ai đó thay vì học hỏi và cải thiện quy trình làm việc.

Cái lợi và bất cập của 2 phương pháp này cần được phân tích theo các góc độ khác nhau từ an toàn, hiệu quả sản xuất, phát triển kinh doanh đến hình thành văn hóa an toàn và văn hóa doanh nghiệp.

Để khắc phục và tránh văn hóa đổ lỗi doanh nghiệp cần phải có một cơ chế rõ ràng và các chương trình khuyến khích phát triển văn hóa này một cách liên tục:

- Cơ chế ở đây bao gồm quy trình khen thưởng và kỷ luật

- Quy trình báo cáo và điều tra sự cố (Con người không bao giờ là nguyên nhân gốc rễ của sự cố)


- Cách phản hồi của ban giám đốc khi sự cố xảy ra (Điều gì đã xảy ra? Thay vì Ai gây ra?)

- Cách các cấp quản lý đặt câu hỏi khi xảy ra sự cố/lỗi/tai nạn (tập trung nhiều vào quy trình thay vì con người)

- Chương trình tinh gọn trong sản xuất/thi công để giảm thiểu các công đoạn/chu trình thừa

- Chương trình ghi nhận và tưởng thưởng cho các cá nhân chủ động trong công tác báo cáo, tham gia khắc phục hoặc cải thiện điều kiện an toàn tại nơi làm việc.

Nếu chúng ta xây dựng được một môi trường hội đủ những điều trên thì văn hóa đổ lỗi sẽ tự nhiên biến mất thay bằng văn hóa học hỏi và cải thiện liên tục.

Tôi tin vào luật Nhân - Quả

Có thể thấy tinh thần phản biện xuất hiện rất nhiều trong cuốn sách. Ví dụ như ông không đồng ý với quan niệm “sinh nghề tử nghiệp”, không tán đồng nhận định “người Việt ý thức kém”. Với những phản biện này, ông được chia sẻ hay bị “phản pháo” không?

- Như tôi đã chia sẻ, cuốn sách này là quan niệm cá nhân của tôi trong quá trình làm việc và nghiên cứu trong một thời gian dài. Để củng cố cho các phản biện của mình tôi sử dụng các kết quả thống kê và nghiên cứu của các tổ chức có uy tín và cũng dựa vào niềm tin sắt đá của một người làm trong nghề này (tự tạo cho bản thân tôi tâm thế phấn đấu đến cùng vì mục tiêu không ai phải bị tai nạn thay vì buông bỏ xem việc đó là tất yếu và tự tìm cho mình một lý do/một chỗ dựa để lương tâm không bị cắn rứt khi có ai đó trong công ty bị tai nạn lao động).

Tôi là người cầu thị nên không bao giờ xem những ý kiến đối lập là “phản pháo” hay “ném đá” mà tôi xem đó là những góp ý/phản hồi hoặc một quan điểm khác biệt/mới để mình có thể tìm hiểu và học hỏi và hoàn thiện mình hơn nữa.


Hành trình làm an toàn của ông gắn liền với thương hiệu BlueScope, ông nghĩ mình có may mắn không? Nếu không có BlueScope, hoặc khi rời khỏi nơi này, ông có tiếp tục làm "nghề an toàn"?

- Có nhiều người nói BlueScope may mắn khi có tôi, tuy nhiên tôi lại cảm thấy điều ngược lại. Tôi thật may mắn khi có cơ hội làm việc cho BlueScope và những công ty trước đây (Anoasis và British Petroleum). Tôi học được rất nhiều điều tại các công ty này; học được nhiều điều từ những quản lý trực tiếp, đồng nghiệp và thậm chí là nhân viên nhà thầu… Họ giúp tôi hoàn thiện mình hơn không những về mặt kiến thức mà còn là đạo đức của một người làm công tác an toàn (lòng trắc ẩn, không vụ lợi, sự chính trực, cầu thị và tự hào dân tộc).

Còn nếu có rời BlueScope trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục với công việc mà mình đang làm bây giờ, bởi nó không còn là một cái nghề mà là Nghiệp rồi – tôi thích chia sẻ/truyền cảm hứng nên có thể đó cũng là một vài gợi ý cho công việc tương lai.

Ông hay chiêm nghiệm về triết lý đạo Phật, theo ông điều hạnh phúc nhất của con người là gì?

- Thật khó trả lời câu hỏi của anh về hạnh phúc lớn nhất (hay là sự viên mãn) của con người là gì vì để được hạnh phúc cần phải có nhiều yếu tố (vật chất, tinh thần, môi trường, công việc…). Bản thân tôi không phải là một Phật tử mà gia đình theo đạo thờ ông bà, nhưng tôi luôn tin vào quy luật về Nhân Quả của đạo Phật. Theo tôi nó có nghĩa là gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Vì vậy đối với bản thân tôi hạnh phúc lớn nhất là được làm công việc mình đam mê và cống hiến.

Hạnh phúc hơn nữa là khi được chia sẻ kinh nghiệm của mình cho anh chị em trong giới cũng như thế hệ trẻ sau này; đặc biệt tôi thật sự vui sướng khi những anh chị CEO từng tham gia các sự kiện hay nghe các chia sẻ của tôi gọi điện thoại báo rằng họ đã áp dụng thành công một số thực hành an toàn tại nhà máy của họ. Thú thật lúc đó tôi cảm thấy công việc của mình thật có ý nghĩa.

Ông có tiếp tục viết sách không? Cuốn sách tiếp theo sẽ là gì?

- Như tôi có đề cập trong cuốn sách đầu tay, nếu bạn đọc nhận thấy cuốn sách “Những vòng tròn đồng tâm” hữu ích cho công việc của mình thì tôi sẽ tiếp tục viết thêm cuốn sách “Quản lý rủi ro chủ động” khi tôi có thời gian và cảm hứng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Ông Trương Anh Hải sinh năm 1975, nguyên quán Đà Nẵng, sinh sống tại Bà Rịa - Vũng Tàu
• Cử nhân ngoại ngữ Đại học Hà Nội
• Chứng nhận quốc tế: Ứng dụng tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe vào thực tiễn bởi Hội đồng Anh NEBOSH (UK) từ năm 2009
• Chứng nhận quốc tế: Kiểm soát các nguy cơ tại nơi làm việc bởi Hội đồng Anh NEBOSH (UK) từ năm 2009
• Chứng nhận quốc tế: Quản lý an toàn và sức khỏe bởi Hội đồng Anh NEBOSH (UK) từ năm 2009
• Được công nhận năng lực Giám đốc an toàn (RSM) bởi Hội đồng Công nhận và cấp chứng chỉ Quốc tế (ICAB) của Mỹ từ năm 2011
Trương Anh Hải là thành viên của: Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), Viện thép và kim loại Châu Á Thái Bình Dương (SEAISI), Tổ chức thép thế giới (WSO), Hội đồng an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (OSHA).