Saturday, September 7, 2019

📖 MỔ XẺ PASSION VÀ COMMITMENT TRONG DIÊN HY CÔNG LƯỢC

- - - - -
bài của Trinh Nguyen, Research Specialist
 - - - - -


Tôi thường cố tránh xem những bộ phim cung đấu vì hai lẽ: 1. Không muốn bị cuốn vào tâm lý nhất thiết phải coi phim và xao lãng những việc mình đang làm; và 2. Chán ngán mô tuýp phụ nữ tranh giành chà đạp lẫn nhau (chắc sẽ có một bài dài kể lể về việc tôi bất mãn concept này cỡ nào).

Nhưng, với sự nhiệt tình của mammi, muốn tránh không coi cũng không được .  Thành ra cũng thỉnh thoảng nghía qua vài phân cảnh, đủ để “đàm luận” với người thích phim này. Ngoài những hỷ - nộ - ái - ố của phim, thứ đọng lại trong tôi nhiều nhất là cuộc hội thoại giữa hoàng hậu bị phế truất (Nhàn phi) và Anh Lạc ở cuối phim. Nhàn phi hỏi, “vì sao ta dành cả đời yêu người (hoàng thượng) mà không thể có một chút tình yêu từ người. Vì sao người có thể làm được điều đó?”. Anh Lạc mỉm cười nhẹ, gõ khẽ ngón tay lên đôi môi đang mím kín của mình và trả lời, “(Nhàn phi), người là người tình cảm. Tình yêu cũng như một trò chơi, ai nói trước là người đó thua”. Rồi cô quay lưng đi.

Tôi thảo luận điều này với một người bạn phương Tây. Ông đồng ý với ý kiến của Anh Lạc (dĩ nhiên, ông không xem phim, chỉ nghe tôi kể vắn tắt phim và đoạn thoại trên). Ông bảo, tình yêu sẽ nguội lạnh khi hai người không còn có gì gây bất ngờ cho nhau nữa. Vì hoàng thượng chưa bao giờ được Anh Lạc thể hiện tình cảm nồng nhiệt như các phi tần khác, hoàng thượng càng thêm khao khát. Người “nói trước” đã là hoàng thượng, và Anh Lạc luôn rất thông minh để làm hoàng thượng phải nói nhiều và làm nhiều hơn nữa. Đó là đam mê của tình yêu.

Tôi không đồng ý với ông. Với suy luận của ông, love = passion. Nhưng, với tôi, công thức trên thiếu một yếu tố quan trọng. Để đầy đủ, cần có: love = passion + commitment. Tôi tin chính câu chuyện trong Diên Hy công lược là minh chứng cụ thể nhất.

ANH LẠC : NHIỀU CON NHẤT, CÓ ĐƯỢC PASSION, KO CÓ ĐƯỢC COMMITMENT CỦA VUA

Phim khắc họa hình ảnh Anh Lạc “tối ưu” nhất có thể, và có vẻ cô là người Càn Long yêu nhất. Nhưng, khi đọc thêm thông tin về cô, vị trí của cô trong lòng Càn Long ở cả chính sử và dã sử có nhiều mâu thuẫn. Cô là phi tần sanh nhiều con nhất trong lịch sử nhà Thanh (6 người), phần nào thể hiện sự sủng ái của vua. Nhưng, cô cũng đồng thời là phi tần hiếm hoi không nuôi bất kỳ người con nào của mình. Có giả thiết rằng, để có được sự sủng ái và sanh con như vậy, Lệnh phi quyết định không nuôi con để dành thời gian giữ chân hoàng thượng. Cô sợ mất ông. Cô cần liên tục dẫn dắt ông, giữ chân ông vào mê cung tình yêu của hai người. Cô biết, nếu cô ngưng không làm ông ngạc nhiên, thích thú, ông sẽ rời đi. Cô có passion, nhưng không có commitment của ông.



THƯ PHI: THỊ TẨM NHIỀU NHẤT, PASSION DỮ DỘI NHƯNG NGẮN NGỦI

 Tương tự, nhân vật Thư phi trong phim, dù được khắc họa ngớ ngẩn, chỉ làm nền cho các phi tần khác, nhưng đọc thêm thông tin thì thấy cô mới chính là người được thị tẩm nhiều nhất, vượt qua Lệnh phi và Phú Sát hoàng hậu, và con người lẫn nền tảng giáo dục của Thư phi rất đáng ngưỡng mộ. Đẹp, dĩ nhiên không cần tính. Thư phi còn là phi tần hiếm hoi có học thức sâu rộng, được Càn Long Đế nể phục. Tuy nhiên, sau khi cô mất đứa con đầu lòng, đâm quẫn trí, không còn tươi sáng hấp dẫn như xưa, và vua ghẻ lạnh hẳn. Thư phi, như Lệnh phi, cũng chỉ có passion của hoàng thượng.



NHÀN PHI : CHỈ CÓ COMMITMENT, CHƯA TỪNG CÓ ĐƯỢC PASSION
Nhàn phi, người phụ nữ đáng thương và đáng tội nhất phim, cả đời làm hoàng hậu hữu danh vô thực. Cả dã sử lẫn chính sử đều thừa nhận bà chưa từng được hoàng thượng yêu. Trong phim, Càn Long ít nhiều vị nể bà, cũng bỏ qua nhiều tội trạng của bà dù không nhỏ. Nhưng bà sống một đời uất hận vì bà chỉ nhận được commitment của vua, chưa từng có một chút passion của ông. Ông giữ đúng cam kết và chuẩn mực đế – hậu để đối đã bà, vậy thôi.



PHÚ SÁT : THẬP PHẦN ÂN ÁI, CÓ ĐƯỢC PASSION LẪN COMMITMENT CỦA VUA NHƯNG KO VƯỢT QUA ĐƯỢC KHỦNG HOẢNG MẤT CON

Phú Sát hoàng hậu, hay Hiếu Hiền Thuần Hoàng Hậu, là điểm xuyến diệu hiền thoát tục của phim. Bà vang danh sử sách không chỉ bởi tài hoa điển cố, xuất thân danh giá, gia thế hiển hách, còn là hoàng hậu hiền đức trang nhã, sống tiết kiệm, giản dị, đôn hậu. Bà thích cài hoa tươi, nhung hoa thay cho vàng bạc châu báu.

Bà là vợ đầu tiên của Càn Long từ lúc ông còn là hoàng tử. Nhắc về Phú Sát thị và Hoằng Lịch tứ a ca, tài liệu dùng chữ “tôn trọng nhau, tình cảm chân thành, thập phần ân ái”. Tên gọi Trường Xuân cung của Phú Sát hoàng hậu là do Càn Long Đế ban tặng, và lấy từ phong hiệu do cha mình (Ung Chính) ban cho mình khi còn trẻ. Sau khi bà mất, vua giữ nguyên trạng Trường Xuân cung và ở đó hàng canh giờ vào ngày giỗ của bà, cho đến khi ông thoái vị. Càn Long Đế không cho tần phi nào nhập Trường Xuân cung, nơi bà từng sống. Mãi cho đến những năm tháng thoái vị, ông mới chấp nhận tân phi tần vào đó cư trú. Ông cũng phá lệ tự cấp thụy hiệu cho Phú Sát hoàng hậu chứ không giao Lễ Bộ. Trong phim, bà gieo mình từ lầu cao xuống tự vẫn. Theo sử, bà mất trong một chuyến công du Đông Tuần cùng hoàng thượng. Sau khi bà mất, ông dành cả đời truy điệu bà. Con trai bà sanh ra, ông bí mật chỉ định làm Thái tử từ khi mới ra đời. Khi những người con bà sanh ra lần lượt ra đi yểu mệnh, bà suy sụp. Ông đã không bỏ rơi như với Thư phi, ngược lại còn cố gắng ở bên an ủi bà. Khi bà bệnh, đích thân ông đến điện án cầu phúc, cầu xin tổ tiên phù hộ cho bà. Sử sách cũng ghi lại ngày tang của bà ông nổi điên nổi đóa với quan lại, hoàng tử, từ cao đến thấp vì không thể hiện đủ đau khổ, không chuẩn bị đủ chỉn chu cho tang sự bà.

Vậy nhưng, Phú Sát hoàng hậu chưa bao giờ thể hiện những “trick” nhỏ khiến ông chao đảo. Hai người hiểu nhau, yêu nhau đằm thắm suốt 22 năm, từ lúc bà bước vào Trường Xuân cung cho đến ngày được đưa vào địa cung. Khi bà son trẻ, thần sắc tươi thắm, thơ phú sắc sảo, ông ngưỡng mộ bà. Khi bà suy sụp, quằn quại vì mất con, ông bên cạnh bà. Có lẽ, nếu may mắn giữ được con khôn lớn, bà cũng không cần đưa con cho phi tần khác nuôi để không bị mất ông. Tôi nghĩ, Phú Sát hoàng hậu là người duy nhất có được cả passion và commitment của ông. Nói cách khác, chỉ có cả hai thứ đó, thì mới có thể gọi là có tình yêu thật sự của ông.



CÔNG VIỆC CHỈ TRỞ THÀNH SỰ NGHIỆP KHI CÓ ĐỦ PASSION + COMMITMENT
Bước ra ngoài lãnh địa của yêu thương tình cảm, xét về mặt công việc cũng vậy. Một công việc chỉ là công việc nếu nó dừng lại ở mức “commitment”. Làm vì nghĩa vụ, vì paycheck, vì cần làm, vậy thôi. Công việc trở thành sở thích khi nó có “passion”. Làm vì đam mê, vì thấy vui, thấy hứng thú. Nhưng, hứng thú trụ được bao lâu? Rồi sẽ có lúc những thứ giấy tờ hành chánh, khó khăn mất kiểm soát, ngày rộng tháng dài che mờ hứng thú.

Công việc chỉ thành “sự nghiệp” khi nó là love = passion + commitment. Làm một việc vì yêu nó, thích nó, thấy vui với nó. Nhưng những lúc mệt mỏi, nó không đẹp như mình vẫn tưởng, nó sần sùi xù xì, nó nhìn mình oán giận, mình cũng nhìn nó sợ hãi, hít một hơi dài, rồi mình vẫn đủ bao dung để quay về với nó. Cái đó là sự nghiệp. 

Tôi tin, cũng như love, không lý lẽ nào quy định cả hai cái phải đến cùng lúc (nếu có thì dĩ nhiên là quá tốt). Nhưng, passion có thể đến trước, và commitment theo sau hoặc, từ việc kiên trì, nhẫn nại mà sinh ra yêu thương. Dù sao, thiếu một cái nào thì trong lòng cũng khó mà yên ổn


.

 Có Passion mà không có Commitment thì cả đời sẽ mãi mãi đi tìm. 

Có Commitment mà không có Passion thì rất khó thức dậy mỗi buổi sáng để đến công ty.



Có Passion mà không có Commitment thì cả đời sẽ mãi mãi đi tìm. 
Có Commitment mà không có Passion thì rất khó thức dậy mỗi buổi sáng để đến công ty.

Vài dòng tản mạn sau dư chấn “Diên Hy công lược”. Lần sau tự hứa bớt sa lầy vào các opera soap kiểu này.