Monday, April 29, 2019

📖. ...ĐỪNG YÊU NƯỚC VÌ TA LÀ NGƯỜI VIỆT NAM. HÃY YÊU NƯỚC, KHÔNG YÊU CŨNG KHÔNG SAO!



Nguyên văn mà tôi viết là: Đừng yêu nước vì ta là người Việt Nam. Hãy yêu nước, không yêu cũng không sao, vì ta muốn có ảnh hưởng tích cực đến thế giới này.

Ở đây tôi muốn bàn đến danh tính. Mỗi người đều có nhiều danh tính. Người Việt Nam, đàn ông, lập trình viên… là danh tính của tôi. Người Việt Nam, phụ nữ, nhà báo… là danh tính của chị. Dẫu muốn hay không, danh tính ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và hành động của chúng ta và, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ bị cầm tù bởi chính danh tính của mình.

Một ví dụ rõ ràng nhất là việc chúng ta thường chỉ quan tâm, tự hào hay tự ti, với thành công của những người xung quanh mình, mặc dù cuộc sống đầy những người thành công hơn nhiều. Người ta chạy xe hơi đầy đường không sao, nhưng nhà hàng xóm hay ông bạn cũ mua xe hơi là ta sẽ để ý ngay.

Cách đây nhiều năm tôi có làm một vài nghiên cứu chung với một người bạn. Kết quả tốt, được nhiều người trong ngành biết đến. Điều thú vị nhất mà tôi học được là cách mà người khác nhìn vào kết quả phụ thuộc vào mối quan hệ của họ với chúng tôi. Một vài đồng nghiệp của tôi, người Việt Nam có, người nước ngoài có, dò hỏi xem tôi có đóng góp gì trong những nghiên cứu này. Dường như họ muốn tôi xác nhận rằng tôi chỉ "ăn ké" kết quả của người bạn đồng tác giả. Khi tôi kể cho bạn tôi nghe, anh ấy nói rằng bạn của anh ấy cũng hỏi có phải ảnh "ăn ké" công sức của tôi.

Tại sao lại như vậy? Vì danh tính. Bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, tóm lại những người mà chúng ta có mối liên hệ là một phần danh tính của chúng ta. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ bị danh tính dẫn dắt làm tiêu hao thời gian và năng lượng cho những so đo vô bổ.

Ở phạm vi lớn hơn, quốc gia, dân tộc, ý thức hệ, màu da, tôn giáo, xu hướng tình dục… là danh tính không thể thiếu của nhiều người. Tôi xem vở nhạc kịch Tiên Nga, không khỏi thổn thức trước cảnh người phụ nữ nước Nam vì nước quên thân. Có một sợi chỉ đỏ liên kết tôi và nhân vật, sợi chỉ đó mang hình chữ S. Cũng chính sợi chỉ này đã giật dây để các cổ động viên Việt Nam ngang nhiên lăng mạ, xỉ nhục trọng tài, cầu thủ đối phương trên mạng xã hội, mỗi khi đội bóng thân yêu của chúng ta thi đấu không thành công. Đừng xem thường những đám đông, đừng nghĩ rằng chỉ có "trẻ trâu" mới hung hãn. Lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới đã chứng kiến bao cuộc bể dâu chỉ vì đám đông bị trói buộc bởi những sợi chỉ danh tính.

Một trong những lời khuyên hữu ích nhất mà tôi học được từ Internet là phải giữ cho danh tính của mình nhỏ thôi (xem bài Keep your identity small của Paul Graham). Càng mang trong mình nhiều danh tính thì càng có nhiều định kiến, càng khó tiếp nhận cái mới. Tôi không phải là một Phật tử, nhưng tôi biết trong giáo lý Phật có nói đến “chấp”, tức là giữ lấy, không chịu từ bỏ. Càng chấp thì càng khổ và càng ngu muội. Để tự do tự tại, danh tính là thứ cần phải phá chấp trước tiên.

Việt Nam hay không, yêu nước hay không, do đó, không những không quan trọng mà còn có thể tạo ra rào cản trong tư duy, khiến cho chúng ta bị dẫn dắt bởi những trò mị dân của giới cầm quyền. Tôi nghĩ quan trọng là mình biết mình có lợi thế để giải quyết vấn đề gì. Thế giới rộng lớn và có nhiều việc để làm. Tôi chọn Việt Nam vì tôi nghĩ tôi có lợi thế so với nhiều người khác, chỉ vậy thôi. Hỏi tôi yêu nước là gì, tôi không biết trả lời thế nào. Hỏi làm thế nào để có ảnh hưởng tích cực đến thế giới này, tôi thấy ở Việt Nam có rất nhiều việc để làm.

Tôi thấy chỉ khi nào thoát ra khỏi hệ quy chiếu Việt Nam, phải tạm quên cái danh tính này đi, lúc đó chúng ta mới có thể bứt phá, đi cùng với thế giới bên ngoài. Khi tôi chuẩn bị rời Việt Nam sang Mỹ, một người bạn đã nói sao tôi dại thế, có cây kiếm sắt thì đánh nhau với bọn cầm kiếm gỗ mới dễ ăn, chứ sao lại đi đánh với bọn cầm súng. Ý anh ấy là tôi nên ở Việt Nam, sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt hơn sang Mỹ. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy mình may mắn. Từ lúc ra nước ngoài, nhìn thấy thế giới, tôi mới hiểu xuất sắc là như thế nào và tôi biết muốn trở nên xuất sắc, mình phải tự đo bằng thước đo của thế giới.

Về chuyện giải quyết vấn đề gì, tôi nghĩ quan trọng là tìm được vấn đề mà mình quan tâm, có lợi thế và cơ hội giải quyết tốt hơn những người khác. Vấn đề địa phương, từ nơi mình đi ra, rơi vào nhóm những vấn đề như vậy, vì mình hiểu ngôn ngữ, văn hóa và có những mối quan hệ hỗ trợ.


TỰ ĐÀO TẠO MÌNH THÀNH CON NGƯỜI TỰ DO VỚI TƯ DUY ĐỘC LẬP THÌ CÓ THỂ BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

Học cách suy nghĩ cũng giống như học bất kỳ thứ gì khác, có thể bắt đầu bằng cách bắt chước người khác. Tôi đã học được rất nhiều về cách suy nghĩ từ những người bạn mà tôi quen qua Internet, như anh Ngô Quang Hưng hay anh Hoàng Ngọc Diêu. Không hẳn là tôi đồng ý với tất cả những gì họ nói và làm, nhưng tôi đã học được từ họ cách nhìn vấn đề nhiều chiều, cách đặt câu hỏi, cách đồng ý và không đồng ý, cách phát hiện và tránh những lối mòn hay định kiến trong suy nghĩ và quan trọng hơn hết là cách tư duy dựa vào khoa học.Học cách suy nghĩ còn là chọn suy nghĩ về vấn đề gì, có thể bắt đầu bằng cách chắt lọc nguồn tin mà mình tiếp nhận mỗi ngày. Tôi không dùng mạng xã hội vì tôi không muốn nhét vào đầu quá nhiều thông tin không cần thiết.

📖
DƯƠNG NGỌC THÁI
Bỏ dở ngành công nghệ thông tin (Đại học Bách Khoa TP.HCM) nhưng không ngừng tự học, năm 23 tuổi Dương Ngọc Thái đảm nhận vị trí Trưởng phòng An toàn thông tin ở Ngân hàng Đông Á. Hai mươi bảy tuổi (năm 2010), một kỹ thuật tấn công mạng của Dương Ngọc Thái và cộng sự người Argentina đã được cộng đồng an ninh mạng bầu chọn là kỹ thuật số một thế giới. Sau đó không lâu, Thái bước vào Silicon Valley (Mỹ).
Đang làm việc tại Google với vai trò kỹ sư an toàn thông tin, là một chuyên gia nghiên cứu an ninh phần mềm, Dương Ngọc Thái đã có nhiều phát hiện ảnh hưởng sâu rộng đến sự an toàn của internet, được trích dẫn trong nhiều bài báo khoa học, được đưa vào giảng dạy ở các đại học danh tiếng và đăng tải trên các tờ báo lớn trên thế giới, trong đó được biết đến nhiều nhất là bộ ba kỹ thuật tấn công mang tên BEAST, CRIME và POODLE.