1. Các mối quan hệ phát triển một cách hời hợt
Khi việc nhắn tin chúc mừng sinh nhật dễ dàng hơn một lời chúc hay một tấm thiệp tự tay viết. Khi một bức ảnh có thể diễn tả niềm vui sướng dù thực chất bạn không hề vui vẻ một chút nào… thì chính là khi mạng xã hội đang khiến cho các mối quan hệ của bạn dần trở nên hời hợt. Bạn quá quan tâm vào việc làm sao để có một trang cá nhân đẹp hơn cả CV của bạn, làm sao để trở nên thật xinh đẹp, sang chảnh và thú vị trên mạng xã hội, thay vì thể hiện đúng con người bạn. Bạn dần trở nên lạnh nhạt, thờ ơ, đôi khi là không biết cách thể hiện tình cảm với những người xung quanh. Mọi người dần không hiểu về nhau, mỗi quan hệ giữa người với người dần có một khoảng cách vô hình không thể nào kéo gần lại được
2. Quan tâm đến số lượng mối quan hệ hơn chất lượng
Bạn quan tâm xem ngày hôm nay có bao nhiêu người kết bạn, bao nhiêu lượt follow mới trên facebook, instagram, bao nhiêu người like, comment, tương tác trên ảnh, video và bài viết của bạn. Nhưng bạn hãy nghĩ rằng, bao nhiêu người trong số hàng ngàn follow đó thực sự quan tâm bạn, hay họ chỉ quan tâm đến bức ảnh đẹp bạn chụp, món ăn ngon bạn ăn, địa danh đẹp bạn đã đến, hay những triết lý hay ho bạn chia sẻ,… Việc được nhiều người follow có thể khiến bạn thích thú, nhưng khi bạn thực sự cần những người bạn ở bên cạnh, bạn mới thấy rằng mình thực ra rất cô đơn
3. Thích sự tương tác qua mạng xã hội hơn là tương tác thực tế
Hẳn bạn không còn xa lạ với cảnh một đám đông ngồi với nhau, nhưng mỗi người lại chìm đắm trong thế giới riêng của mình là mạng xã hội. Những lời tỏ tình, những câu “có muối”, những câu ngôn tình hay ho trên mạng xã hội được nói ra, nhưng bên ngoài bạn lại là người trầm tính và không hề thú vị? Hãy nhớ, những con chữ khô khan hay những icon không thể hiện cho bạn thấy cảm xúc của người viết nó, nước mắt và nụ cười thực tế mới là thứ biểu đạt được cảm xúc. Hãy bớt tương tác qua mạng xã hội, hãy hẹn nhau một buổi café và nói chuyện, điều đó vừa khiến bạn có thể hiểu rõ câu chuyện và tâm trạng của đối phương, vừa khiến cho mối quan hệ của bạn trở nên thân thiết hơn. Khi bạn quá quen với việc nói hay nói ngọt qua mạng xã hội, thì tương tác trực tiếp của bạn sẽ càng trở nên suy giảm và thiếu cảm xúc hơn
4. Làm việc từ xa gia tăng trạng thái cô lập
Những hình thực học từ xa, đào tạo từ xa là những sáng kiến hiện đại và hữu ích giúp bạn tận dụng mọi thời gian để học tập, làm việc mà không cần đến trường lớp hay trung tâm nào đó. Tuy nhiên, điều này đang dần cô lập bạn với xã hội xung quanh, bạn học mà không có bạn bè cùng thảo luận, không có giáo viên để trực tiếp thắc mắc, chỉ có bạn và những công cụ điện tử vô tri vô giác
5. Giảm khả năng nắm bắt cảm xúc
Theo nghiên cứu cho biết trẻ em sử dụng nhiều thiết bị điện tử có khả năng nắm bắt cảm xúc của người khác kém hơn. Khi bạn tiếp xúc quá nhiều với các con chữ, các icon bộc lộ cảm xúc giả tạo, bạn sẽ chẳng thể đủ tinh tế để nắm bắt cảm xúc của người đối diện. Ví dụ như một nụ cười có thể là vui, là buồn, là bất lực, là khinh bỉ,… một giọt nước mắt cũng vậy. Hãy bước ra thế giới, quan sát mọi người xung quanh, quan sát cảm xúc của họ được bộc lộ qua ánh mắt, miệng cười, lời nói, giọng nói, điệu bộ,… đừng chỉ mải tương tác qua mạng xã hội, bạn sẽ dần mất khả năng hiểu được người khác. Khi con người không thể thực sự hiểu nhau, các mối quan hệ sẽ dần rời rạc và mỗi người sẽ tự tách mình khỏi tập thể, cô đơn trong thế giới ảo của riêng mình