Friday, February 8, 2019

🗼🗼...LANDMARK 81 TOWER



















Là tòa nhà cao nhất Việt Nam và nằm trong top những tòa nhà cao nhất thế giới, Landmark 81 không chỉ là biểu tượng về độ cao mà còn là niềm tự hào của người Việt Nam bởi do chính tay con người Việt làm nên. Chủ đầu tư là tập đoàn Vingroup cùng tổng thầu là Coteccons (CTD) đã cùng ngồi lại với nhau, lấy ý tưởng là bụi tre để tạo nên tòa nhà Landmark 81 sừng sững như ngày hôm nay.

Năm 2014, Vingroup cho đấu thầu công khai Landmark 81, Coteccons tham gia đấu thầu nhưng "lép vế" do báo giá cao và chưa có kinh nghiệm làm tòa nhà trên 60 tầng. Ông Nguyễn Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Coteccons từng tiết lộ trên báo chí: Sau khi nộp hồ sơ, phỏng vấn, thuyết trình cho chủ đầu tư nhưng rất lâu CTD không nhận được phản hồi từ Vingroup.

Vấn đề bây giờ không còn là chuyện lời hay lỗ nữa, mà đó là bộ mặt của dân tộc Việt Nam.

"Bẵng đi một thời gian, tôi nghĩ chắc họ cần hình ảnh nhà thầu quốc tế chứ không phải CTD. Thế nhưng, một hôm ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup gọi cho tôi và muốn giao cho một nhà thầu Việt Nam làm công trình này. Dù hơi bất ngờ nhưng tôi hiểu được ý nghĩa sâu xa của lời đề nghị từ anh Vượng", ông Dương chia sẻ.

Ngay trong đêm nhận được cú điện thoại từ Vingroup, toàn bộ ban giám đốc của Coteccons đã lên máy bay ra Hà Nội để gặp ông Phạm Nhật Vượng . Theo đại diện CTD, vấn đề bây giờ không còn là chuyện lời hay lỗ nữa, mà đó là bộ mặt của dân tộc Việt Nam.

 Vòng chung kết đấu thầu còn lại 3 gương mặt là Coteccons (Việt Nam), Lotte và SsangYong (Hàn Quốc). Chính từ cú điện thoại của Chủ tịch HĐQT Vingroup, CTD đã vượt qua được 2 đối thủ "đáng gườm" của Hàn Quốc để trúng thầu dự án Landmark 81 với tổng giá trị gói thầu lên đến 6.000 tỉ đồng.

Từng chia sẻ trước truyền thông, ông Dương cho biết, trước những thách thức lớn về yêu cầu kỹ thuật và nguồn lực từ siêu công trình The Landmark 81- tòa nhà cao nhất Việt Nam, đặc biệt từ sự giao phó của lãnh đạo Vingroup là phải để người Việt Nam làm, sánh vai với các cường quốc nên ban lãnh đạo công ty khá áp lực. Vì đây là công trình lớn nhất của Coteccons từ trước tới giờ, nên đơn vị đã nhờ đến sự hỗ trợ từ tập đoàn Obayashi (Nhật Bản).

Ý tưởng xây dựng tòa nhà theo hình "bó tre Việt Nam" cũng xuất phát từ ý nghĩa lịch sử dân tộc. Theo đại diện chủ đầu tư, lấy cảm hứng từ bụi tre – hình ảnh vươn mình mạnh mẽ thể hiện sức mạnh đoàn kết, lòng tự tôn dân tộc và sức mạnh kinh tế, chính trị trong thời đại hội nhập.

Một siêu dự án với phần móng có kết cấu móng lớn nhất thế giới, khối lượng bê tông khổng lồ lên đến 16.000m3 – Landmark 81 được xem là siêu dự án do chính tay người Việt Nam làm nên.

Dự án khởi công vào tháng 12/2016, cất nóc vào tháng 2/2018 và chính thức khai trương hạng mục đầu tiên là Vincom Center Landmark 81 vào ngày 26/7/2018.

Đây là công trình do chính tay người Việt làm nên, đứng top những công trình cao nhất thế giới. Dấu ấn lịch sự đậm nét của dân tộc được thể hiện trong từng chi tiết của tòa nhà.

"Đó không chỉ là độ cao, đó còn là niềm tự hào và kiêu hãnh của người Việt Nam", một đại diện của Vingroup chia sẻ

📖

 Để tính toán được độ lún theo thời gian do bê tông tự co lại, đến địa chấn, đến lực thổi của gió vào công trình này, không một phòng thí nghiệm nào tại Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn đó, Coteccons đã phải nhờ đến người Anh, với chi phí thí nghiệm nghe đâu tốn vài chục triệu USD.

Landmark 81 :
  • - Tổng diện tích sàn xây dựng lên tới ~141.000 m2
  • - Diện tích hầm ~90.000 m2
  • - Móng sâu ~75 m
  • - Bê tông hơn ~100.000 m3 bê tông
  • - Thép ~80.000 tấn thép
  • - Khởi công vào tháng 12/2016
  • - Cất nóc vào tháng 2/2018, sớm hơn tiến độ 60 ngày.
  • - Khai trương: 26/7/2018.
  • - Đây cũng là tòa tháp xây dựng nhanh nhất thế giới khi chỉ mất ~3,5 ngày để hoàn thành một sàn
📖

ấn tượng nhất là đội thi công đỉnh khối tháp spire. Tháp cao 61 mét và nặng 160 tấn với từng khối thép được hệ thống cẩu đưa lên lắp giữa lộng gió. Một chiếc máy cẩu chuyên dụng được lắp đặt trên tầng thượng (tầng 82 của tòa nhà) để đưa vật liệu lên xây dựng đỉnh tháp.

Tài xế Danh Phong, người lái cẩu trên công trình, được anh em công nhân, kỹ sư ví như người có thần kinh thép. Không ai có thể khiến anh phân tâm trong quá trình điều khiển cẩu. Trong ca làm việc của mình, ánh mắt anh luôn quan sát “canh” mục tiêu thật chuẩn để lắp chính xác từng chi tiết của khối tháp.

Mé bên ngoài tầng 81, nhóm công nhân thi công hoàn thiện phần đèn chiếu và kính như những người nhện treo mình lơ lửng giữa không trung.

Vừa lắp đai an toàn cho công nhân “đu dây” lên làm tiếp phần việc của mình, anh Khanh, kỹ sư lắp đặt hệ thống đèn Led bên ngoài tòa nhà, tươi cười quệt mồ hôi trên trán. Anh nói không thể diễn tả được niềm tự hào là người trực tiếp tham gia hoàn thiện công trình cao nhất Việt Nam này.

"Tôi vừa làm xong công trình Sài Gòn Center thì sang Landmark thi công luôn. Trong hơn 15 năm tham gia các dự án ở thành phố, tôi đã làm khá nhiều công trình cao tầng, nhưng có lẽ Landmark 81 là công trình để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất cho đến sau này. Bởi khó có cơ hội để mình có thể được tham gia vào một dự án đặc biệt hơn nữa", anh Khanh chia sẻ.

Kỹ sư trẻ Đinh Văn Hợp quê Thanh Hóa của nhà thầu Hyundai Aluminum JV, đơn vị chịu trách nhiệm hoàn thiện vỏ bọc bên ngoài tòa nhà, gọi việc được tham gia công trình này là sự may mắn đặc biệt. Hyundai Aluminum JV tham gia từ thời điểm khởi công năm 2016, và Hợp cũng ở công trình gần 2 năm nay.

“Trước khi đến Landmark 81, công trình lớn nhất tôi làm là nhà máy Samsung Bắc Ninh - một công trình trọng điểm của công ty. Nhưng so với phần việc ở đây thì nhỏ hơn nhiều”, anh cho biết.

Chị Như Ý, công nhân đội vệ sinh, tay thoăn thoát dùng búa đục phần xi măng, vôi vữa bám trên sàn, vừa chia sẻ chuyện hơn 1 năm làm việc tại tòa nhà mà chị bảo, mấy ngày nay “vui khó tả” khi chiều đi làm về đọc báo, biết nhiều người đến tham quan, chia sẻ hình ảnh.
“Cũng một năm rồi, tầm này năm ngoái, khi kết thúc công trình 30 tầng ở Cần Thơ, tôi cùng chồng lên Sài Gòn làm ở tòa nhà này. Chồng làm công nhân xây dựng, tôi phụ trách phần vệ sinh, việc quen thuộc mà tôi đã gắn bó hơn 5 năm nay. Quen làm công trình, cũng đã làm ở nhà cao tầng rồi, nhưng khi lên Landmark 81 đúng là ngoài sự tưởng tượng. Thật khó diễn tả cảm giác của mình mỗi buổi sáng sớm, đứng dưới nhìn nóc tòa nhà lẩn trong mây, và một lúc sau tôi lại có mặt ở nơi mây bay đó”, chị Như Ý vệt mồ hôi chảy trên má, kể chuyện.

Kỹ sư Nguyễn Phúc Thanh của Coteccons cho biết ở dự án có rất nhiều đặc điểm kỹ thuật mới, như bê tông khối lớn, hệ lõi thép cực lớn và phức tạp được thi công để tạo nên bộ khung vững chãi cho tòa nhà. Ở Việt Nam chưa có dự án nào áp dụng các kỹ thuật quá mới này, và phải thi công những sàn cao 30 m, những cột đứng độc lập cao đến hơn 25 m.

Thi công trên tầng cao, công nhân không chịu được sức gió quá mạnh nên khoảng 4 tiếng phải đổi ca một lần. Địa hình trên cao cũng không cho phép đông người, đơn vị thi công chỉ chọn khoảng 20 công nhân có trình độ, sức khỏe tốt để đảm trách nhiệm vụ khó khăn.

“Chúng tôi ai cũng đặt rất nặng trách nhiệm với dự án này vì đó là dự án đặc biệt, quá cao và quá lớn, người Việt Nam mình chưa bao giờ làm cả. Tiến độ cũng được đẩy quá gấp, trung bình 3,5 ngày phải đổ một sàn, chúng tôi phải làm việc suốt 14 tháng và trong 14 tháng đó, mỗi ngày chúng tôi phải làm 24 tiếng liên tục. Nếu không kiên trì và dũng cảm thì không thể làm nổi”, anh Thanh nói.

Tháng 2/2018, Coteccons vượt tiến độ phần thô toàn dự án 45 ngày và cất nóc. Khi cất nóc, công trình đã đạt độ cao gần 400 m.

Tòa nhà ghi dấu kỷ lục về thời gian với hơn 9 triệu giờ công, hơn 2.000 công nhân cùng hàng trăm kỹ sư làm việc liên tục. Landmark 81 có tổng diện tích sàn xây dựng lên tới 203.829 m2, 90.000 m2 diện tích hầm, sử dụng hơn 170.000 m3 bê tông, 80.000 tấn thép.