Saturday, October 27, 2018

📖. ...WIN-WIN: TƯ DUY CÙNG THẮNG



Khi đang giảng bài trên lớp một ngày, một vị giáo sư đại học đột nhiên dừng lại.

Ông đưa mỗi sinh viên một quả bóng bay, yêu cầu họ thổi phồng nó lên rồi viết tên của mình lên trên. Sau đó, ông yêu cầu họ bỏ quả bóng bay sang căn phòng bên cạnh.

Sau khi tất cả hoàn thành nhiệm vụ, các sinh tập trung bên ngoài căn phòng, bây giờ đã chứa đầy bóng.

"Các em có 5 phút," vị giáo sư giải thích, "để sang phòng bên kia, tìm quả bóng viết tên của mình, và quay lại giảng đường."

5 phút trôi qua nhanh chóng, và không một ai tìm được quả bóng của mình. Tất cả đều bước ra khỏi phòng.

Sau đó, vị giáo sư yêu cầu họ thay đổi cách mình tìm quả bóng. Bây giờ họ có thể lấy bất kì quả bóng nào rồi đi tìm người viết tên trên đó để đưa cho họ.

Kết quả là, mọi người đều lấy được quả bóng mang tên mình trước khi hết 5 phút.

"Đây là một ẩn dụ, chính xác là những gì đang xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Mọi người đều điên cuồng đi tìm hạnh phúc của mình, nhưng không ai biết nên tìm nó ở đâu. Hạnh phúc đích thực của chúng ta,  bạn bè, gia đình , đồng nghiệp xung quanh chúng ta  đang giữ dùm . Nếu bạn mang lại cho người khác hạnh phúc, bạn cũng sẽ có hạnh phúc của mình."


📖


TƯ DUY CÙNG THẮNG
ĐỜI LÀ BỮA TIỆC BUFFET “MỌI NGƯỜI CÙNG NO CẢ”!

Chúng ta sống vì cái gì, nếu không phải là để làm cho cuộc đời của mỗi người ít khó khăn hơn.
- Nhà văn GEORGE ELIOT

Tôi từng theo học ở một trường kinh doanh khá khắc nghiệt, ở đó áp dụng phương pháp phân hạng loại trừ. Mỗi lớp có 90 học viên, và sẽ có 10% sĩ số, tức 9 người, nhận một thứ hạng gọi là Hạng III. Hạng III là một cách nói lịch sự của câu: “Anh đã bị loại!”. Nói cách khác, bất kể thành tích của lớp tốt hay xấu, sẽ có 9 người bị loại ra. Và nếu bạn bị loại khỏi quá nhiều lớp, bạn bị đuổi khỏi trường. Áp lực khá nặng nề! Vấn đề là, mọi người trong lớp đều thông minh. Vì thế sự cạnh tranh rất căng, nó tác động một cách tồi tệ đến tôi và các bạn trong lớp.

Thay vì đặt mục tiêu là có nhiều điểm tốt, như hồi trung học và đại học, tôi cố làm sao để không nằm trong số 9 người bị loại. Thay vì chiến đấu để chiến thắng, tôi đã chiến đấu để không bị thua. Điều này làm tôi nhớ tới câu chuyện về hai người bạn đang bị một con gấu đuổi theo. Một người quay sang người kia nói: “Tớ vừa nhận ra rằng tớ không cần chạy nhanh hơn con gấu mà chỉ cần chạy nhanh hơn cậu!”.

Trong giờ học, tôi cố tìm ra 9 người kém cỏi hơn tôi. Khi có ai đó phát biểu một câu ngu ngốc, tôi bắt gặp mình đang nghĩ: “Chà, đã thật, chắc ăn là anh ta bị loại rồi. Chỉ cần có thêm 8 người nữa!”. Đôi khi, tôi không muốn chia sẻ những ý tưởng hay nhất cho cho cá bạn cùng học nhóm vì sợ họ “chôm” mất các ý tưởng của mình. Tất cả những cảm giacs này đè nặng lên vai tôi và tôi cảm thấy mình thật nhỏ mọn, như thể trái tim tôi chỉ lớn bằng trái nho. Vấn đề là tôi đang tư duy theo kiểu Ta thắng – Người thua. Và cách tư duy này chỉ làm tôi tràn đầy đố kị. May mắn thay, có cách nghĩ thông minh hơn. Nó có tên là Tư duy Cùng thắng và nó chính là thói quen 4.

Tư duy cùng thắng là một thái độ đới với cuộc đời, một trạng thái tinh thần bảo rằng tôi có thể thắng, và bạn cũng vậy. Chiến thắng không phải chỉ dành cho tôi hoặc bạn, mà cả hai cùng thắng. Đây là nền tảng để hòa hợp tốt với mọi người. Nó dựa trên cơ sở là mọi người đều bình đẳng, không ai hơn hay kém người khác và cũng không cần như vậy.

Bạn có thể kêu lên “Thực tế một chút đi Sean. Cả thế giới toàn lâ sự cạnh tranh. Làm thế nào mà tất cùng thắng được?”

Thạt ra, cuộc sống không phải là một cuộc cạnh tranh hay là ganh đua để vượt qua người khác. Điều đó có thể xảy trong thể thao, kinh doanh và học tập nhưng đó chỉ là những tình huống do chính chúng ta tạo ra. Còn những quan hệ tình cảm thì không như vậy. Quan hệ tình cảm, như chúng ta đã biết, là những vật liệu tạo nên cuộc sống. Thạt là ngu ngốc khi nghĩ:”Ai là kẻ chiến thắng trong quan hệ, mình hay bạn mình?”

Vạy chúng ta hãy khám phá ý tưởng lạ lùng gọi là cả hai cùng thắng này nhé. Theo kinh nghiệm của tôi, cách hay nhất để nhận ra cách tư duy này là hãy xét qua những tâm lý nào không phải là cả hai cùng thắng, thí dụ tâm lý “mình thắng người thua”, “mình thua người thắng” hay “cả hai cùng thắng”.


/
1

 WIN-LOSE 

MÌNH THẮNG – NGƯỜI THUA

MÌNH THẮNG – NGƯỜI THUA

“Mẹ ơi, con muốn lấy xe đi chơi tối nay.”

“Mẹ rất tiếc, Marie, nhưng mẹ phải lấy xe đi mua sắm tối nay. Con nhờ bạn chở vậy.”

“Nhà mình hết đồ ăn rồi, mà mẹ chỉ rảnh lúc này thôi. Mẹ rất tiếc.”

“Mẹ không thương con. Nếu mẹ tiếc thì mẹ đã cho con lấy xe!”

“Thôi được, thôi được. Con đi đi. Nhưng nếu không có gì để ăn thì đừng trách mẹ nhé”.

Maire đã thắng và mẹ đã thua. Đó gọi là mình thắng – người thua. Nhưng thật sự Marie có thắng không? Có thể lúc này là thắng nhứng mẹ cảm thấy thế nào? Và lần sau thì mẹ cảm thấy thế nào? Đó là lý do không nên nghĩ theo kiểu mình thắng – người thua.

Nếu bạn cứ có thái độ mình thắng – người thua thì bạn sẽ luôn phải căng thẳng với cảm giác đời là một cuộc cạnh tranh hay một trận chiến.

Thái độ mình thắng – người thua có nhiều mặt mà thông thường có thể biểu hiện như sau:

Lợi dụng người khác, về tinh thần hay vật chất cho mục đích ích kỷ của riêng mình.

Làm lợi cho mình mà thiệt hại cho người khác.

Đồn đại diều xấu về người khác(vì hạ thấp người khác là đồng nghĩa tự nâng cao mình lên).

Độc đoán trong hành động mà không quan tâm đến cảm giác của người khác.

Trở nên đố kỵ và ganh ghét khi mọi người thân thiết với mình có những điều gì tốt.

Nói chung, suy nghĩ theo kiểu mình thắng – người thua sẽ tác động ngược lại bạn, “gậy ông đập lưng ông”. Hơn nữa bạn sẽ trở nên cô độc và không có bạn bè.

//
2

 LOSE  -WIN 

MÌNH THUA – NGƯỜI THẮNG


/MÌNH THUA – NGƯỜI THẮNG

Có bạn trẻ viết cho tôi “Tôi là một người làm nên hòa bình. Tôi thà chịu phần thiệt về mình để tránh khỏi gây gổ. Tôi thường giả câm giả điếc…”

Bạn có bao giờ thấy mình như vậy không? Nếu có thì bạn đã rơi và trường hợp mình thua – người thắng. Bề ngoài có vẻ mình thắng – người thua nhưng thật ra nó còn nguy hiểm hơn, vì đó là hội chứng nhu nhược.

Một người bạn tên Jenny đã kể cho tôi nghe về trường hợp của cô ấy vào năm lớp 8:

Một hôm mẹ bảo tôi:”Trời ơi, con thật là hỗn láo”. Tôi thấy hối hận nên quyết định không làm phật lòng mẹ nữa. Mỗi khi mẹ nói điều gì, dù không đồng ý tôi vẫn nói:”Được, con sẽ làm những gì mẹ muốn”. Thường thì mẹ tôi không biết điều làm tôi buồn bực vì tôi cũng chẳng nói gì với mẹ.

“Có khi nào mẹ quan tâm đến con đâu!”, tôi nghĩ vậy. Nhưng tôi chẳng nói gì và câm lặng. Có lẽ mẹ sẽ sẵn lòng nghe tôi nếu tôi cho mẹ biết điều đó quan trọng đối với tôi như thế nào? Nhưng tôi cảm thấy mình như một nạn nhân và vẫn làm bất cứ điều gì mẹ bảo.

Cuối cùng, tôi bùng nổ. “Mẹ, điều này phải thay đổi. Con không chịu đựng nổi nữa. Mẹ bảo con làm theo mọi thứ mà mẹ muốn và con làm theo ý mẹ vì như thế dễ hơn là đấu tranh. Ôi, con muốn phát ốm lên vì điều đó rồi. “Tôi trút hết tâm sự và nói cho mẹ biết về tất cả những cảm giác tôi chất chứa trong lòng. Những chuyện này làm cho mẹ rất ngạc nhiên.

Sau đó chúng tôi bắt đầu lại từ đầu. Nhưng giờ đây quan hệ mẹ con tôi đã tốt hơn và tôi luôn bày tỏ những cảm nghĩ của mình với mẹ.

Nếu bạn chọn cách nghĩ mình thua – người thắng làm thái độ căn bản cho đời mình thì bạn sẽ bị người khác đứng lên trên bạn. Và bạn cũng sẽ không thể hiện được những suy nghĩ bên trong của mình.

Cũng có khi cần phải nhân nhượng trong những chuyện nhỏ, ví dụ như bạn và chị bạn giành phần đi tắm trước hay mẹ bạn không hài lòng cách bạn cầm muỗng. Hãy để người khác giành phần thắng trong những chuyện nhỏ và đó sẽ là một khoản gửi vào tài khoản quan hệ của bạn. Nhưng hãy chắc rằng bạn có lập trường trong những chuyện lớn.

Nếu bạn dính vào một quan hệ tình cảm có tính chất lạm dụng, chính là bạn đang chìm sâu vào tâm lý mình thua – người thắng. Lạm dụng tình cảm là một chu kỳ không kết thúc của sự gây tổn thương và làm hòa, gây tổn thương tiếp rồi lại làm hòa. Nó không bao giờ tốt hơn lên. Bạn không tìm được chút thắng lợi nào trong đó, và bạn phải thoát ra. Đừng nghĩ rằng bạn đã có lỗi lầm gì đó hay bạn đáng bị lạm dụng. Không có ai đáng bị lạm dụng cả.

//
3

 LOSE - LOSE 

CẢ HAI CÙNG THUA


/CẢ HAI CÙNG THUA

Người có tâm lý cả hai cùng thua nói rằng:”Nếu tôi thất bại thì anh cũng phải thất bại theo!”. Chiến tranh là một ví dụ sống động về cả hai cùng thua. Thù hận cũng là cả hai cùng thua. Với lòng thù hận, bạn nghĩ mình thắng nhưng bạn chỉ thêm đau khổ.

Cả hai cùng thua thường xảy ra khi cả hai có cùng tâm lý mình thắng – người thua gặp nhau. Nếu bạn muốn thắng bằng bất kỳ giá nào và người kia cũng vậy thì cả hai sẽ cùng đi tới thất bại.

Cả hai cùng thua cũng có thể xảy ra khi người này nhìn người kia dưới cái nhìn đối nghịch, đặc biệt là giữa những người thân với nhau.

//
4

 WIN - WIN 

CẢ HAI CÙNG THẮNG 


//CẢ HAI CÙNG THẮNG

Cả hai cùng thắng là niềm tin rằng ai cũng có thể thắng. nó vừa tốt lại vừa khó thực hiện. Tôi không giẫm lên bạn nhưng bạn cũng không thể giẫm lên tôi. Bạn quan tâm tới người khác và muốn họ chiến thắng nhưng bạn cũng tự quan tâm và muốn bản thân mình chiến thắng. Đó là niềm tin rằng có nhiều chiến thắng để đoạt lấy chứ không của riêng ai. Cũng như một buổi tiệc buffet mà có đủ thức ăn cho tất cả. và món nào bạn cũng có thể ăn.

Một người bạn của tôi là Dawn Meeves đã kể cho tôi nghe về sức mạnh tâm lý của cả hai cùng thắng:

Khi vừa mới lên trung học tôi đã chọn chơi trong đội bóng rổ của nữ. Một người bạn cùng lớp của tôi là Pam cũng chơi cùng đội.

Tôi có khả năng thực hiện một cú ném tốt từ khoảng cách 4 mét. Tôi bắt đầu có 4 đến 5 cú ném ghi bàn trong mỗi trận đấu và được công nhận về khả năng này. Pam không thích mọi sự chú ý dành cho tôi và quyết định không chuyền bóng cho tôi, dù tôi ở những vị trí thuận lợi nhất.

Sau một trận đấu tệ hại mà suốt trận Pam không đưa bóng cho tôi, tôi nổi khùng và thổ lộ hết với bố tôi, bày tỏ sự giận dữ với người bạn mà giờ đây gần như đã trở thành kẻ thù – Pam. Sau buổi nói chuyện, bố khuyên tôi cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là mỗi lần tôi có bóng, tôi nên chuyền cho Pam. Tôi nghĩ đó là một lời khuyên kỳ quặc nhưng bố bảo tôi nên suy nghĩ kỹ trước khi hành động.

Khi trận đấu sau diễn ra, mỗi lần có bóng tôi đều nghe tiếng bố hét to trên khán đài:”Đưa bóng cho cô ta” và sau một giây phút suy nghĩ tôi quyết định làm theo lời bố. khi nhận được bóng, Pam sững sờ trong vài giây rồi cô ta mới quay lại ném bóng vào rổ. Lần đầu tiên tôi có cảm giác vui sướng trước chiến thắng của người khác. Và từ đó cho tới cuối trận đấu, mỗi lần có bóng dù ở vị trí thuận lợi hay không tôi đều chuyền bóng cho Pam. Cuối cùng đội của tôi đã thắng trận đó.

Từ trận đó trở đi, Pam bắt đầu chuyền bóng lại cho tôi cũng như tôi chuyền cho cô ấy. Đội bóng của chúng tôi mạnh hơn và tình bạn của chúng tôi cũng thế. Đội chúng tôi đoạt giải năm đó và chúng tôi trở thành một cặp bài trùng. Thậm chí tờ thể thao địa phương cũng phỏng vấn chúng tôi. Nhưng trên hết, tôi còn ghi được nhiều điểm hơn lúc trước.

Bạn cũng có thể thực tập tâm lý cả hai cùng thắng theo những ví dụ sau:

- Bạn nhận được tiền thưởng từ công việc. Hãy chia sẻ niềm vui với những người đã giúp bạn.

- Bạn mới vừa được đề cử một chức vụ trong trường học và quyết định không làm những hành vi “chơi nổi”. Bạn đối xử với ai cũng như ai, ngay cả những người không quen.

- Bạn của bạn được nhận vào trường đại học mà bạn mong ước. Dù bạn cảm thấy mình thật tệ so với người ta nhưng bạn vẫn mừng cho người bạn đó.

- Bạn muốn đi ăn trưa còn bạn của bạn lại muốn xem phim. Cuối cùng cả hai người mướn một bộ phim và mua thức ăn về nhà vừa ăn vừa xem phim.



LÀM THẾ NÀO ĐỂ NGHĨ ĐƯỢC “CẢ HAI CÙNG THẮNG?”

Vậy làm thế nào để tìm ra giải pháp cho cả hai cùng thắng? Tôi đề nghị hai điều là phải chiến thắng bản thân trước và tránh “bộ đôi khối U” (tôi sẽ bàn về “bộ đôi khối U” này sau).

PHẢI CHIẾN THẮNG BẢN THÂN TRƯỚC

Phải chiến thắng bản thân trước, vì nếu bạn không chiến thắng được bản thân thì bạn sẽ khó nghĩ về cả hai cùng thắng. Bạn sẽ bị đe dọa bởi những người khác. Bạn khó mà hạnh phúc với thành công của họ. Bạn khó mà thừa nhận hay ca ngợi người khác. Những người có tâm trạng chưa ổn rất dễ nổi lòng đố kỵ. Đoạn đối thoại sau giữa Doug và bạn gái của anh ta là một điển hình của mẫu người có tâm trạng bất an:

“Amy, anh chàng mà em vừa nói chuyện là ai vậy?”

“Chỉ là một người bạn từ hồi còn nhỏ của em thôi mà.”

“Anh không muốn em nói chuyện với anh ta nữa.”

“Doug, anh ấy chỉ là một người bạn em đã quen biết từ lâu. Chúng em đi học cấp 1 cùng nhau.”

“Anh không quan tâm tới việc em biết anh ta bao lâu. Em không nên quá thân mật với anh ta.”

“Có gì lớn lao đâu. Anh ấy đang gặp rắc rối và cần có một người bạn.”

“Em có hứa với anh không nè?”

“Thôi được, Doug, nếu anh muốn thế, em sẽ không trò chuyện với anh ấy nữa.”

Bạn có thể thấy Doug đã gặp khó khăn như thế nào để có thể rộng lượng trong hoàn cảnh đó, vì anh ta bất an và phụ thuộc về mặt tình cảm vào cô bạn gái. Doug cần phải bản thân từ chính mình. Khi anh ấy tạo ra những khoản gởi vào tài khoản cá nhân của mình, chịu trách nhiệm về đời mình và có một kế hoạch chu đáo, sự an toàn và tự tin của anh ta sẽ gia tăng, và Doug sẽ bản thân vui vẻ với mọi người thay vì cảm thấy bị đe dọa. Sự an tâm là nên tảng của tư duy Cùng thắng.

TRÁNH “BỘ ĐÔI KHỐI U”

Có hai thói quen mà những khối u, lặng lẽ tiêu diệt bạn từ bên trong. Chúng là một cặp bài trùng có tên là cạnh tranh và so sánh. Hoàn toàn không thể nghĩ cả hai cùng thắng nếu ta mang chúng trong đầu

//
()

  CẠNH TRANH 


/Cạnh tranh

Cạnh tranh có thể là một điều tốt. Nó có thể dẫn chúng ta đén những thành công. Trong kinh doanh thì nó tạo ra những của cải, trong thể thao thì nó tạo ra những kỷ lục. Nhưng cạnh tranh còn thể hiện dưới một khía cạnh mang ý nghĩa xấu. Khi đọc quyển “Trận đấu nội tâm của môn quần vợt” của Tim Galwey cúng ta có thể thấy rõ điều dó.

Khi cạnh tranh được sử dụng như một công cụ để quan hệ với những người khác thì điều tồi tệ nhất của con người bộc lộ ra: những nỗi sợ hãi tầm thường và sự thất bại được cường điệu hóa. Điều này cũng tương tự như người ta tin rằng chỉ bằng cách bày tỏ ra là người giỏi nhất hay người chiến thắng thì họ mới đạt được những tình cảm và sự tôn trọng mà họ mong muốn. Những đứa trẻ được dạy đỗ theo lối này sẽ trở thành những người bị thành công là mờ mắt trước mọi thứ khác.

Một huấn luyện viên nổi tiếng đã nói với một vận động viên là nỗi sợ thất bại và lòng khao khát chiến thắng một cách quá đáng, muốn chiến thắng bằng mọi giá.

Tôi còn nhớ một lần tôi cãi nhau với thằng em tôi khi có đội bóng chuyền của nó thắng đội của tôi:

“Anh không thể tin nổi mấy đứa em lại thắng bọn anh”

“Có gì mà không tin nổi?” Nó đáp. “Anh cho rằng anh là một cầu thủ giỏi còn hơn em phải không?”

“Anh biết là anh giỏi hơn. Hãy nghe dẫn chứng nhé:Anh tiến xa hơn em trong thể thao.”

“Anh đừng dùng cái định nghĩ nhỏ hẹp của anh về một vận động viên. Em thành thật nghĩ rằng em giỏi hơn vì em có thể nhảy cao hơn và chạy nhanh hơn.”

“Khỉ mốc! Em không thể chạy nhanh hơn anh được. Và dù sao nhảy cao và chạy nhanh thì có can hệ tới chuyện này. Anh có thể đá vào mông em trong mọi môn.”

“Chà, thế sao?”

“Thế đấy!”

Sau khi bình tĩnh lại, hai anh em tôi mới thấy mình như một thằng ngốc. Chúng tôi đã cạnh tranh theo cách xấu. Và điều này chẳng bao giờ dẫ dắt bạn đến điều gì hay ho cả.

Ta hãy sử dụng sự cạnh tranh như là một thước đo để đo lại bản thân của ta, nhưng đừng nên tranh hơn thua với bạn bè, người thân hay cạnh tranh với địa vị, sự nổi tiếng, các chức vụ, sự chú ý,…. Để vui hưởng cuộc sống tốt hơn.

//
()

 SO SÁNH 


/So sánh

Sự so sánh là anh em song sinh với sự cạnh tranh. Và cũng là mầm mống nguy hiểm như vậy. So sánh bản thân với những người khác chẳng đem lại gì ngoài những cảm giác tồi tệ. Vì sao? Vì tất cả chúng ta có một biểu đồ phát triển khác nhau – cả về mặt xã hội, tinh thần, hay thể chất. Một số người trong chúng ta giống như cây dương, khi mới mọc lên nhìn cũng yếu ớt tương tự một loài cỏ dại, số khác giống như tre, suốt bốn năm không thấy lớn lên rồi bỗng cao vọt lên 6, 7 mét vào năm thứ năm.

Có lần tôi nghe người ta diễn tả như thế này: Cuộc đời như một trường đua vượt chướng ngại vật khổng lồ. Mỗi người có một đường đua riêng của mình, ngăn cách với nhau bằng những bức tường cao. Đường đua của bạn sẽ hoàn tất với những chướng ngại vật quen thuộc được thiết kế cho sự tăng trưởng của bạn. Vì vậy, nào có ích lợi gì khi treo lên tường để nhòm xem người hàng xóm của mình đang làm như thế nào hoặc kiểm tra xem các chướng ngại của anh ta so với chính mình ra sao.

Đừng bao giờ xây dựng cuộc đời mình dựa vào việc so sánh với người khác. Nếu tôi tìm được sự tự tin do số điểm trung bình của tôi cao hơn của bạn, hay bạn bè của tôi nổi tiếng hơn bạn bè của bạn, điều gì xảy ra nếu có ai đó xuất hiện với một điểm số trung bình cao hơn hay có nhiều bạn bè nổi tiếng hơn? Sự so sánh làm cho chúng ta có cảm giác giống như một lượn sóng bị quăng quật, dâng lên hạ xuống tùy vào cơn gió. Chúng ta trồi lên hụp xuống, lúc này thấy mình thấp kém, lúc nọ thấy mình hơn người, lúc này thấy mình tự tin, lúc kia thấy mình bị đe dọa. Sự so sánh duy nhất tốt đẹp là so sánh bản thân bạn với khả năng cao nhất của bạn.

Nếu bạn đặt lòng tự tôn – cảm giác của bạn về giá trị bản thân – vào bất cứ thứ gì ngoài phẩm chất của trái tim bạn, tâm hồn bạn, trí tuệ bạn, bạn đã đặt chúng trên một nền tảng rất là lung lay. Bạn và tôi không hoàn hảo về ngoại hình hay thể chất. Bạn và tôi không phải là người giàu có nhất, thông minh nhất hay dí dỏm nhất. Thế thì đã sao?

Tôi đã nghe Anne, người đã sống trong tâm trạng so sánh nhiều năm, lời nói nhắn gởi đến những ai cũng lâm vào tình cảnh ấy:

Bây giờ nghĩ lại tôi không ngờ mình lại lâm vào tình trạng ấy. Tôi có đủ thứ để hạnh phúc nhưng tôi lại bất hạnh. Tôi là cô gái dễ thương, lanh lợi nhưng lại ở trong thế giới của sự so sánh bon chen khiến tôi không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Vấn đề bắt đầu xảy ra khi tôi vào trường trung học. Đa số bạn học của tôi đều giàu có. Và trang phục của bạn là tất cả. Câu hỏi thường xuyên của chúng tôi là:”Hôm nay ai đó sẽ mặc thứ gì?”. Thậm chí còn có những điều luật bất thành văn về quần áo, chẳng hạn không được mặc một bộ đồ hai lần, không mặc những gì mà người khác đã mặc… Bạn phải có những quần áo thuộc hàng hiệu, với đủ màu, đủ kiểu.

Ngay năm thứ nhất tôi có một người bạn trai học ở lớp trên. Ban đầu mối quan hệ của chúng tôi rất tốt nhưng về sau anh ấy thường làm tôi bối rối với những câu như:”Tại sao em không được như cô ây?”, “Dạo này em hơi phì!”, “Nếu em ốm đi một chút thì em sẽ đẹp hơn đấy!”.

Tôi bắt đầu tin vào bạn trai của mình. Tôi ngắm nghía các cô gái khác và phân tích lý do vì sao mình không bằng họ. Dù có đầy một tủ quần áo, tôi vẫn lo âu vì không biết phải mặc bộ nào cho phù hợp. Tôi bắt đầu đi mua sắm quần áo thường xuyên vì muốn có những bộ mới nhất và đẹp nhất. Suốt một thời gian, tôi chỉ xoay quanh việc mình chơi với ai, trông mình như thế nào, bộ quần áo mình đang mặc như thế nào. Vì sao chẳng bao giờ tôi cảm thấy mình hoàn thiện.

Để đối phó, tôi bắt đầu ăn uống thoải mái nhưng lại uống thuốc để xổ ra. Việc cho xổ ra giúp tôi có cảm giác mình có thể kiểm soát được hình thể. Tôi làm việc đó ở bất kỳ nơi nào có thể. Nhưng đó là bí mật của tôi. Tôi không thể nói với cha mẹ vì tôi sợ làm họ lo lắng.

Cuối cùng mọi việc đi đến chỗ khủng hoảng. Khi đang ở trên sàn diễn một vở kịch, tôi đột nhiên thấy mất phương hướng và ngất đi. Khi tỉnh lại trong phòng thay quần áo tôi thấy mẹ đang có mặt ở đó và tôi thì thào “Con cần sự giúp đỡ”.

Điều chủ yếu giúp tôi hồi phục là tôi gặp được một số người bạn thật đặc biệt. Họ làm cho tôi thấy rằng tôi có ý nghĩa quan trọng vì tôi là chính tôi chứ không phải là bộ quần áo tôi mặc trên người. Họ bảo tôi: “Bạn không cần điều này. Bạn tốt hơn thế nhiều.” Tôi bắt đầu thay đổi cho chính tôi, chứ không vì một ai đó bảo tôi rằng tôi phải thay đổi để xứng đáng với tình yêu của họ.

Bài học khôn ngoan rút ra từ câu chuyện này là : Hãy vứt bỏ thói quen xấu đó ngay. Sự so sánh có thể trở thành một chứng nghiện nặng không thua kém gì rượu hay ma túy đâu. Bạn không cần phải có vẻ đẹp hay quần áo của một người mẫu mới trở nên hoàn hảo. Bạn biết điều thật sự có ý nghĩa là gì. Đừng quá lưu tâm đến việc nổi tiếng trong những tháng ngày tuổi trẻ, vì phần nhiều là nó sẽ đến sau đó trong đời bạn.

NHỮNG THÀNH QUẢ CỦA TINH THẦN “CẢ HAI CÙNG THẮNG”

Tinh thần cả hai cùng thắng có tính lan truyền. Nếu bạn có trái tim nhân hậu, sẵn lòng giúp đỡ và chia sẻ chiến thắng cùng người khác thì bạn sẽ là một thanh nam châm thu hút bạn bè. Hãy suy nghĩ về điều đó. Ai lại không yêu mến một người quan tâm đến mình, mong muốn mình thành công? Và bạn cũng sẽ mong muốn giúp đỡ lại người đã giúp mình, phải không nào?

Tinh thần cả hai cùng thắng có thể được áp dụng trong nhiều trường hợp, từ chuyện lớn tới chuyện nhỏ, như câu chuyện sau đây của Jon:

Chị tôi và tôi thường giành nhau xem ai phải rửa chén bát và ai dắt chó đi dạo. Cả hai đều thích dắt chó đi dạo hơn. Cuối cùng chúng tôi thỏa thuận là tôi sẽ rửa chén và chị tôi lau chén bát rồi cuối cùng cả hai sẽ cùng dắt chó đi dạo. Điều này làm cho chúng tôi thấy vui vì những gì cần làm thì đều được làm với niềm vui được chia sẻ công việc với nhau.

Tuy vậy đôi khi bạn không thể áp dụng được giải pháp cả hai cùng thắng trong những tình huống khó xử. Có những người quá muốn ăn thua và bạn không thể nào tiếp cận họ được. Khi đó đừng nổi giận hay nhún nhường. Chỉ đơn giản là hoặc cả hai cùng thắng hoặc không quan hệ. Nghĩa là không làm gì cả. Ví dụ như khi bạn và một người bạn thân không thể cùng quyết định được sẽ đi đâu chơi tối nay, thay vì làm theo ý riêng một người thì nên hoãn chuyện đi chơi lại vào một dịp khác. Hoặc nếu bạn và người yêu không thể phát triển được cả hai cùng thắng thì tốt nhất không quan hệ và chia tay nhau. Chắc chắn là sự việc sẽ càng xấu thêm nếu bạn muốn ta thắng – người thua, ta thua – người thắng hay tệ hơn là muốn cả hai cùng thua.

Hãy tận hưởng cảm giác “cả hai cùng thắng” Mang lại cho bạn

Phát triển tâm lý cả hai cùng thắng không phải là một chuyện dễ. Nhưng bạn có thể làm được. Nếu bạn đã làm được như vậy 10% trong hành động thì hãy nghĩ tới 20% rồi 30% và cứ thế tiếp tục. Khi nó đã trở thành một thói quen thì bạn chẳng cần suy nghĩ gì cả. Nó đã trở thành một phần của con người bạn.

Có lẽ điều hay nhất của tâm lý cả hai cùng thắng là cảm giác nó mang đến cho ta. Như câu chuyện của Jacques Lusseyran trong quyển hồi ký “Nơi có ánh sáng”. Chủ bút báo Parabola, người viết lời tựa, đã tóm lược câu chuyện như sau:

Sinh năm 1924 tại Paris, Jacques lên 15 tuổi vào lúc quân Đức chiếm đóng, sang tuổi 16, anh đã thành lập và lãnh đạo một phong trào kháng chiến bí mật, lúc đầu chỉ có 52 thành viên, chỉ trong một năm, nó đã lên tới con số 600. Chỉ điều này thôi đã rất đáng chú ý, nhưng còn một điều đặc biệt hơn, Jacques đã bị mù từ năm 8 tuổi.

Dù hoàn toàn mù, Jacques có thể nhìn thấy theo một cách khác. Như lời anh nói:”Tôi nhìn thấy ánh sáng và tiếp tục nhìn thấy nó dù đã mù… Tôi có thể cảm thấy ánh sáng dâng lên, lan trải, đọng lại trên các đồ vật, tạo cho chúng dáng hình, rồi tan biến mất… Tôi sống trong một dòng ánh sáng”. Anh gọi dòng ánh sáng này là “bí mật của tôi”.

Thế nhưng có đôi lúc dòng ánh sáng của Jacques rời bỏ anh và anh trở nên u tối. Đó là những khi anh có tư tưởng mình thua – người thắng. Như anh nói:

“Khi đang chơi đùa với các bạn đồng trang lứa, nếu đột nhiên tôi nôn nóng muốn thắng, muốn là số một bằng mọi giá, ngay khi ấy tôi không còn nhìn thấy gì nữa. Tôi như lạc vào một đám sương mù dày đặc.

Từ đó tôi không bao giờ ghen tị hay thiếu thiện cảm nữa bởi vì mỗi lần như vậy tôi lại bị một lớp băng che kín mắt, tay chân tôi lóng ngóng và thiên hướng của tôi lạc mất. Nhưng khi tôi tiếp xúc mọi người với niềm tin và ý nghĩa tốt đẹp về họ, tôi lại được tưởng thưởng bằng ánh sáng. Vì vậy tôi học cách sống hòa đồng và yêu thương mọi người ngay từ lúc còn nhỏ”.

Cách kiểm chứng bạn đang có tâm lý cả hai cùng thắng hay không chính là tìm xem cảm giác của bạn thế nào. Tư duy mình thắng – người thua hay mình thua – người thắng sẽ che mờ khả năng phán xét của bạn và phủ đầy lòng bạn những cảm giác tiêu cực. Trái lại, như Jacques cho thấy, tâm lý cả hai cùng thắng sẽ làm trái tim bạn tràn đầy hạnh phúc và thanh thản. Nó đem lại cảm giác tự tin và làm cho bạn thêm sáng suốt.

Những bước nhỏ

1. Xác định lĩnh vực mà bạn phải đấu tranh với lòng đố kỵ trong cuộc sống. (Như về quần áo, hình dáng, bạn bè hay tài năng…)
Tôi phải đấu tranh căng thẳng nhất với:
……………………………………………………………………………………………………..
2. Nếu bạn chơi thể thao hãy thể hiện tinh thần thượng võ: Khen ngợi tinh thần đội bạn sau trận đấu.
3. Nếu ai đó nợ tiền bạn thì đừng ngại nhắc nhở họ một cách thân thiện:”Cậu có nhớ cậu đã mượn tiền của mình hồi tuần trước không? Mình đang cần nó”. Hãy nghĩ cả hai cùng thắng, đừng để mình thua – người thắng.
4. Đừng quan tâm chuyện thắng thua, hãy chơi một trò chơi bạn thích để có niềm vui.
5. Bạn sắp có một bài kiểm tra? Nếu có, hãy lập một nhóm học tập và cùng chia sẻ kinh nghiệm làm bài. Tất cả sẽ học khá hơn.
6. Nếu ai đó thân với bạn gặt hái được thành công, hãy vui giùm họ thay vì cảm thấy bị qua mặt.
7. Nghĩ về trạng thái của bạn với cuộc sống. Nó dựa trên suy nghĩ nào (cả hai cùng thắng, mình thắng – người thua….)? Nó có ảnh hưởng gì đến bạn?
8. Nghĩ về một người mà bạn thấy là một mẫu người cả hai cùng thắng lý tưởng. Điểm nào ở người đó làm bạn thích nhất?
9. Bạn có ở trong trạng thái muốn mình thua – người thắng với một người khác phái? Nếu có, hãy thay đổi cho cả hai cùng thắng hoặc biến nó thành “không quan hệ” và từ bỏ mối quan hệ đó.