Sunday, September 2, 2018

📖. CÁC BẠN KHÔNG NÊN VỀ TRƯỚC 7H, GIỜ ĐÓ LÀ QUÁ SỚM RỒI


CÁC BẠN KHÔNG NÊN VỀ TRƯỚC 7H, GIỜ ĐÓ LÀ QUÁ SỚM RỒI. CÁC BẠN CÓ THỂ Ở LẠI LÀM THÊM CÔNG VIỆC KHÁC, TRẢ LỜI EMAIL, NGHIÊN CỨU THÊM, TỚI KHI VỀ RỒI CŨNG CÓ THỂ NGHIÊN CỨU THÊM NỮA. CHỈ CÓ NHƯ VẬY CÁC BẠN MỚI CÓ ĐỦ SỰ CHUẨN BỊ ĐỂ NẮM LẤY CƠ HỘI", .

Không phải ngôi sao truyền hình hay diễn viên nổi tiếng nhưng Shark Thái Vân Linh, Giám đốc chiến lược và vận hành Quỹ đầu tư VinaCapital vẫn được nhiều bạn trẻ yêu mến nhờ những chia sẻ thẳng thắn, mang tính định hướng cao. Gần đây, khi xuất hiện tại một sự kiện tổ chức ở TPHCM, Shark Linh tiếp tục truyền cảm hứng đến những người tham dự khi nói về may mắn và sự chuẩn bị cần thiết để đón nhận may mắn.
 Trước đó, Shark Thái Vân Linh đã từng làm việc tại các công ty tài chính lớn cũng như công ty khởi nghiệp ở Mỹ. Năm 2008, chị về Việt Nam làm giám đốc vận hành cho VinaCapital chỉ sau 3 cuộc phỏng vấn qua điện thoại. "Ba lần phỏng vấn, nghe rất cơ bản nhưng thật ra mỗi lần phỏng vấn là một cuộc nói chuyện từ 1-1,5 tiếng. Ba lần là khoảng 4-5 tiếng. Linh nói ở đây chưa đến 10 phút đã có người ngáp rồi, nếu nói 4-5 tiếng về một chủ đề thì phải hiểu rất sâu", Shark Linh cho biết.
 Chia sẻ cụ thể hơn, chị cho rằng 3 cuộc phỏng vấn tương đương với 10 năm chuẩn bị. Bởi vì chỉ được hỏi tất cả kiến thức đã thu nhận trong 9-10 năm trước đó, hỏi về phân tích tài chính, về thị trường, về vận hành, chiến lược,... nói chung phải biết tất cả. "Những thứ ấy không thể "ôn bài" trong 1-2 ngày là biết hết được", chị khẳng định.
Cũng theo Shark Linh, may mắn là do bản thân mỗi người tự tạo ra. Nhiều người thường cho rằng cuộc đời mình không may mắn, hay gặp xui xẻo trong khi những người khác vẫn gặp may. Nhưng rất có thể những người than phiền đã gặp may mắn rồi, chỉ là họ không biết cách nắm lấy. "Khi Linh tình cờ gặp cơ hội, Linh đã chuẩn bị trước đó 10 năm rồi. Lời khuyên cho các bạn là không quan trọng bạn muốn làm gì, làm ngành nào, làm lĩnh vực nào mà quan trọng là bạn đang tăng trưởng như thế nào". "
Điều cơ bản nhất là các bạn đi làm từ 9h sáng đến 6h chiều về, nhưng sau đấy các bạn phải làm thêm cái gì đó nữa. Nghĩa là: Các bạn không nên về trước 7h, giờ đó là quá sớm rồi. Các bạn có thể ở lại làm thêm công việc khác, trả lời email, nghiên cứu thêm, tới khi về rồi cũng có thể nghiên cứu thêm nữa". "Chỉ có như vậy các bạn mới có đủ sự chuẩn bị để nắm lấy cơ hội", Shark Thái Vân Linh kết luận.
📖

Shark Thái Vân Linh “Các bạn trẻ đi làm không nên về trước 7h tối, như vậy là quá sớm” - còn trẻ nên nỗ lực hơn 200% khả năng để sau này không phải hối tiếc.

Những ai đã ra trường hơn 10 năm, nhìn lại bạn bè, những người đồng trang lứa sẽ rất dễ dàng nhận ra hiện tượng:

- Có một nhóm nhỏ bạn bè có sự vượt trội, họ tiến nhanh và vững chắc trên con đường sự nghiệp, họ luôn tràn đầy năng lượng, tư duy tích cực và luôn dám thử thách bản thân, họ thành công về tài chính về mối quan hệ, họ hạnh phúc với gia đình.

- Một nhóm nhiều hơn là có cuộc sống bình bình, công việc ổn định, có cơ hội thăng tiến làng nhàng, họ mong muốn mọi việc sẽ diễn ra như vậy trong suốt quãng đời còn lại, chẳng phải lo nghĩ nhiều, sáng cắp cặp đi làm, chiều về nhà vui thú điền viên gia đình, họ tự hào với thành tựu đạt được và cảm thấy cố gắng như vậy là đủ hay quá sức rồi.

- Nhóm còn lại thì gần như bị bỏ rơi về phía sau, công việc thì khó khăn, cơ hội phát triển bản thân gần như không có, họ cảm thấy cuộc sống quá bon chen, mệt mỏi, gia đình cũng chẳng mấy êm đềm.

Tại sao lại như vậy, đó có phải là do số mệnh ông trời ban cho mỗi người không!?

Câu trả lời là KHÔNG bạn nhé, số mệnh của bạn được quyết định bởi sự nỗ lực của bạn, theo đúng quy luật nhân quả đấy. Tôi trích lời của shark Thái Vân Linh “Các bạn trẻ đi làm không nên về trước 7h tối, như vậy là quá sớm”, người đọc cần đặt mình trong hoàn cảnh mà shark Linh trao đổi với phóng viên, khi đó sẽ có cái hiểu cơ bản như sau “nỗ lực ngày hôm nay sẽ là kết quả ngày mai của bạn, nếu còn trẻ còn khỏe bạn cần tập trung sức lực để phát triển bản thân và để tăng tốc, khi già hơn sức khỏe yếu hơn cơ hội tăng tốc sẽ giảm đi thấy rõ”.

Tôi dùng mấy ý sau của một người bạn để nói rõ hơn về luật nhân quả, sự nỗ lực của tuổi trẻ và đề cập một chút về cách quản lý nhân sự với công ty startup hay SME:

* Khi nhân viên sợ bạn vì quy định công ty: họ ra về trước 17h.

Người nhân viên sợ bạn chỉ vì quy định công ty bạn là sếp (quyền lực cứng) thì họ chỉ làm việc đúng quy định đến 17h, họ chẳng có chút hứng thú nào hay áp lực nào để làm việc với bạn, bạn chẳng qua chỉ là người sếp được quy định trên giấy tờ. Đọc qua có vẻ rất ngờ nghệch nhưng theo quan sát tôi thấy không ít các doanh chủ startup, SME mắc lỗi này vì cho mình cái quyền “cao hơn người”.

* Khi nhân viên sợ bạn vì chỉ tiêu KPIs, sợ bạn thất vọng: họ ra về lúc 19h.

Người nhân viên sợ không đạt được KPIs là người có trách nhiệm với công việc, sợ bạn thất vọng tức là người có tình cảm chân thành. Chắc chắn nhân sự ấy sẽ suy nghĩ phương pháp và cố gắng làm việc để đạt chỉ tiêu và kỳ vọng của sếp. Do đó, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân và ra sức hỗ trợ họ đạt được thành công, họ là những người bạn cần cố gắng giữ lấy và phát triển lên tầm cao mới.

* Khi nhân viên sợ bản thân họ bị lạc hậu, thụt lùi, bị nghèo khó, họ sẽ làm 42/24 và bạn không cần biết họ đang ở đâu.

Đây là hình mẫu của nhóm người đầu tiên mà tôi đề cập ở đầu bài viết. Họ phấn đấu bởi họ hiểu luật nhân quả và có tầm nhìn. Họ phấn đấu vì chính họ, vì tương lai mà không cần ai đưa ra áp lực bởi họ luôn nỗ lực để vượt kỳ vọng và trở nên xuất sắc, họ tự khẳng định bản thân bằng hành động quyết liệt, bằng thành tích đạt được, họ học hỏi liên tục. Người sếp lúc này sẽ đóng vai trò như một người coaching hoặc mentor. Và hơn hết, công ty cần có chính sách rõ ràng, minh bạch, có chính sách chia sẻ cổ phần và phải phát triển nhanh hơn tốc độ phát triển cá nhân của người nhân viên ấy thì mới phát huy được khả năng, năng suất lao động và sự cống hiến dài hạn. Và nên hướng họ trở thành doanh chủ, là đối tác tương lai của bạn.

Và hơn hết, bạn như thế nào thì nhân viên của bạn sẽ như thế, bởi bạn chính là tấm gương mà tất cả nhân viên luôn âm thầm lặng lẽ quan sát và học hỏi. Bạn là người chưa có thành tựu bạn đừng mong người có thành tựu về với bạn, bạn là người không nỗ lực bạn đừng trông chờ người nỗ lực đồng hành với bạn, bạn là người không quân tử thì đừng trông chờ người quân tử đồng hành cùng bạn…

Tất cả là ở bạn!

CAO TRUNG HIEU 

📖






Các bạn trẻ giờ hết sức thiếu kinh nghiệm và dễ vỡ. 
Bài viết này của bạn Nguyễn Bảo Trung không lạ, tư tưởng của người viết bài này cũng giống với phần lớn các bạn trẻ mà mình đã gặp khi xin việc và làm việc. Dù sao thì mình cũng từng một thời có "ảo tưởng" như vậy, nên cũng chia sẻ đôi lời xem như tự kiểm điểm và giải ảo cho các bạn đi sau. 
Đầu tiên về vấn đề tại sao không nên rời khỏi công ty trước 7h, và không nên ăn uống trong giờ nghỉ mà tranh thủ học thêm và check mail. Bảo Trung viện dẫn cả bộ luật lao động ra để phản biện, đòi hỏi lương OT và thời gian nghỉ bù. Hợp lý thôi, nhưng nó phản ánh rõ một tư duy phổ biến của nhiều người: Sợ bị thiệt, thay vì trách nhiệm trong công việc và vì một mục tiêu xa hơn. 
Các bạn nghĩ tiền của nhà Tư Bản ở đâu? Người ta thường nói nhà Tư Bản bóc lột công nhân để lấy giá trị thặng dư. Điều đó chỉ đúng một phần, và nó chỉ là một phần tất yếu trong giai đoạn phát triển của nhà Tư Bản. Nhưng lời dạy này khiến người ta quên mất rằng để trở thành nhà Tư Bản trước tiên họ phải có một nguồn vốn, và biết cách quản lý sử dụng nguồn vốn đó một cách hợp lý. Các biện pháp nhằm thu lại giá trị thặng dư phần lớn cũng để bảo trì nguồn vốn đó. Phần lớn nguồn vốn này đã được chi dùng vào chiếc máy bạn đang sử dụng, chiếc ghế, chiếc bàn mà bạn đang ngồi, chiếc máy điều hòa hay quạt xua tan cái nóng cho bạn, văn phòng mà bạn đến làm việc, các khoản không tiện kê khai để tránh những phiền nhiễu hay đem lại hợp đồng cho công ty bạn.v.v. sau đó chỉ còn lại rất ít để trả lương cho bạn. 
Mình đã từng chứng kiến những nhân viên phục vụ quán cafe đòi nâng lương lên 3tr một tháng khi mà tình hình kinh doanh của quán còn chưa đến 30 ly nước một ngày...các bạn nghĩ nhà Tư Bản là máy in tiền hay họ khi khởi nghiệp họ là những người lao động không lương và bị chính công nhân bắt phải bán máu vậy. 
Nhưng điểm khác biệt giữa một nhà Tư Bản và một công nhân chính là nhà Tư Bản hiểu rõ luật chơi. Nhà Tư Bản khi khởi nghiệp sẵn sàng chấp nhận là người mang nợ, biết rõ rằng nếu họ thất bại có thể họ sẽ không có nhà mà ở, không có cơm mà ăn. Người công nhân có thể thong thả ngày làm 8 tiếng, làm hết phần việc (phần lớn là không), hết giờ thì về, công ty đang lỗ lãi thế nào họ chẳng phải bận tâm, miễn là lương họ nhận đủ, nếu công ty sập họ chỉ cần nhanh chân nhảy sang chỗ khác, công nhân không phải gánh khối nợ của việc phá sản. 
Vì vậy một công nhân hiểu chuyện họ không hỏi một nhà Tư Bản họ được gì khi phải làm thêm giờ. Họ đơn giản là ngay lập tức chọn chỗ làm tốt hơn (nếu có thể), hoặc uyên bác hơn họ hỏi nhà Tư Bản ông sẽ có nhiều việc hơn thế này chứ?
Có một người bạn từng chia sẻ về việc không thể kiếm được việc làm mà bạn ấy yêu thích mặc dù anh ấy cũng thành công ở công việc hiện tại và than thở "đúng là nghề chọn người". Điều đó đúng vì nếu bạn không thể tự làm một nhà Tư Bản để tạo ra công việc mà bạn yêu thích, thì bạn phải dựa vào nhà Tư Bản đem lại công việc đó cho bạn, hoặc vì vấn đề chạy ăn từng bữa bạn sẽ không còn lựa chọn nữa việc nào cũng được miễn có tiền. Do đó khi có được công việc yêu thích thì tại sao bạn không có trách nhiệm bảo tồn môi trường đã đem lại công việc đó cho bạn? Tôi biết có nhiều luyến tiếc khi mới đây một công ty mà tôi từng gắn bó sa thải một lúc hàng trăm nhân viên. Cuộc chơi là vậy, bạn có thể rất vui vì chỗ đó trả lương tốt, phúc lợi đủ thứ, nhưng đó cũng là lúc rủi ro cao nhất, nhà Tư Bản không thể tốn quá nhiều tiền cho những bộ phận không đem lại doanh thu cần để bảo trì nguồn vốn của họ. Những nhà tư bản non tay, hoặc quá đạo đức thường "chết" rất sớm và đừng mong công nhân nào thương xót họ. 
Khi bạn muốn mặc cả với nhà Tư Bản trước tiên, bạn phải biết mình có thể trở thành nhà Tư Bản nếu bạn hiểu rõ luật chơi. Bạn phải mang lại gấp ba hoặc nhiều lần hơn thế lợi nhuận cho nhà Tư Bản để đòi hỏi được một mức lương, chế độ đãi ngộ và vị trí tương xứng. Còn khi bạn vin luật này luật nọ nhà Tư Bản sừng sỏ chỉ đơn giản: "Ok, tôi sai, ngày mai anh có thể ra đi!". 

PHAN THANH NAM

📖