Thursday, May 24, 2018

🕊️🕊️...SOI LÒNG...



📖

Có đôi lúc ta cần nên thận trọng
Ngồi lắng nghe dư luận nói về mình.
Không lệ thuộc trước những lời hư vọng,
Chẳng coi thường bao góp ý công minh..

Vì..'' không lửa thì làm sao có khói! ''
Nên lắng lòng xem xét lẽ thực, hư.
Và cười nhẹ khi biết mình không lỗi
Hiểu thêm rằng.. dư luận vốn luận dư..

Khi cầm mảnh gương soi vào tâm khảm
Ta biết mình đẹp, xấu, đục hay trong?
Vườn tâm địa giăng mắc nhiều cỏ dại
Mà cũng không thiếu vắng những hoa hồng.

- Thánh nhân nào mà không mang quá khứ
Tội đồ nào chẳng thể có tương lai!
Chính vì vậy, nhủ lòng luôn khoan thứ
Kiếp con người ai thoát khỏi lầm sai ?

Sau mưa gió bên kia trời ửng nắng
Sau lỗi lầm, cay đắng, trưởng thành hơn.
Điều quan trọng là tự tri, vượt thắng
Những đam mê, giới hạn của tâm hồn.

Thường soi bóng bên dòng sông tâm niệm
Nếu ta cười.. ảnh hiện nụ cười ta
Cùng thế ấy, luôn sống đời hướng thiện
Vững tin mai Hạnh phúc lại trao quà.

Có đôi lúc ta hãy nên nhìn ngắm
Thế gian này bằng đôi mắt trẻ thơ
Để nghe tiếng Thương yêu từ sâu thẳm
Chỉ cái nhìn nhân thế hết bơ vơ..

(Thích Tánh Tuệ)

📖


Chẳng ai chưa từng bị nói xấu một vài lần. Những lời nói xấu có thể sẽ khiến bạn buồn, hụt hẫng và thậm chí là căng thẳng, mệt mỏi. Vậy làm sao có thể vượt qua được những điều ấy?

1. Đi tìm nguyên nhân
“Không có lửa thì làm sao có khói”, biết đâu bạn chưa có cách cư xử phù hợp với mọi người xung quanh hay có những hành động khiến người khác dễ mất cảm tình nên mới bị nói xấu.
Ngoài ra, cũng có thể người ta đang hiểu lầm bạn. Vì vậy, đi tìm nguyên nhân là một cách thức tốt để bạn điều chỉnh lại hành vi của của mình và hóa giải những hiểu lầm không đáng có với người khác đấy.

2. Tìm ra người tung tin ác ý
Đôi lúc bạn sẽ bị ai đó tung tin đồn ác ý nhằm làm xấu hình ảnh của mình trong mắt mọi người. Việc bạn cần làm trong lúc này là khoanh vùng đối tượng để truy ra người đặt điều không hay về bạn. Nếu đã tìm ra hung thủ, bạn nên có những cuộc đối thoại trực tiếp với họ để chứng minh họ đã nói sai về bạn và yêu cầu họ đính chính nếu cần thiết. Hoặc nếu họ là kẻ cứng đầu và bạn không hề muốn tiếp xúc với họ thì bạn có thể dùng cách lẳng lặng tránh xa, không cho họ có cơ hội bới móc, đặt điều về bạn nữa.

3. Không bận tâm
Không phải ai cũng làm được điều này nhưng rõ ràng đây là một phương thức vô cùng hiệu quả để bạn luôn thấy thanh thản và bình yên trước những lời nói xấu. Những lời lẽ không hay đó chẳng mang lại lợi ích gì cho bạn cả, vậy nên bạn cũng chẳng phải bỏ công sức và thì giờ của mình để bận tâm đến nó. Hãy mặc kệ vì đó là những điều không xứng đáng để bạn phải mất thời gian.

4. Thời gian rồi sẽ trả lời tất cả
Nếu những lời nói xấu là không có thật thì sớm muộn chúng cũng sẽ dần lắng xuống và bạn sẽ sớm khẳng định được những phẩm chất tốt đẹp của mình. Trong khoảng thời gian bị nói xấu, bạn hãy tự nhủ rằng “rồi tất cả sẽ trôi qua nhanh thôi” để thấy nhẹ nhõm hơn nhé.

5. Hãy cứ lạc quan và tự tin
Đây là điều mà bạn luôn phải nhớ kỹ vì mỗi người đều có những cá tính khác nhau. Người ta nói xấu bạn có khi đơn giản chỉ vì người ta không thích tính cách của bạn cho dù nó chẳng có gì sai. Dù bạn xinh hay không xinh, mờ nhạt hay nổi bật, điềm tĩnh hay năng động đều có thể trở thành đối tượng bị người ta đem ra mổ xẻ, soi mói. Vì vậy, hãy cứ là chính mình, đừng vì bị nói ngả nói nghiêng mà đánh mất đi bản thân vốn có. Hãy nhớ rằng trên đời này chẳng có ai là hoàn hảo và… bị nói xấu ư, đấy chỉ là chuyện nhỏ mà thôi.


📖

"...Đức Phật dạy: “Cetanāhaṁ bhikkhave kammaṁ vadāmi” (này chư tỳ kheo, Như Lai nói rằng tư tác chính là nghiệp). Định nghĩa này rất phổ thông và bất cứ ai nghiên cứu kinh điển Pāli đều biết đến. Như vậy, nghiệp ở đây được dùng để chỉ những hành động cố ý hay hành động có chủ ý mà thuật ngữ Abhidhamma gọi là tư tâm sở hay tư tác (cetanā). Những hành động này có thể là thiện hay bất thiện, khi thực hiện qua thân gọi là thân nghiệp, qua khẩu gọi là khẩu nghiệp, qua ý gọi là ý nghiệp.

Mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về hậu quả của những hành động thiện hay ác này, dù kết quả đó tốt hay xấu, vui hay khổ. Nghiệp quả này có thể xuất hiện trong kiếp sống hiện tại, kiếp kế cận hay bất cứ kiếp sống nào trong tương lai tùy theo tiềm lực của chúng. Cũng có khi nghiệp quả trở thàmh vô hiệu, vì chúng quá yếu ớt, không có đủ điều kiện, hay nói theo danh từ chuyên môn là không đủ duyên để hiện khởi.

Thật ra, nếu chúng ta nghiên cứu sâu xa hơn, thì sẽ thấy rằng tư tác (cetanā) chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để tạo nghiệp trừ phi đó là ý nghiệp thuần túy. Vì có rất nhiều nghiệp cần đến sự hỗ trợ của thân và khẩu.

Ví dụ như một người chưa thể bị ghép tội sát nhân khi anh ta mới có ý định đó. Vì vậy trong Atthasàlini phân định rất rõ ràng 5 điều kiện hội đủ để phạm tội sát sinh:

  • 1) Người hay vật có thức tánh (còn sống).
  • 2) Biết rằng người hay vật ấy còn sống.
  • 3) Có ý muốn sát hại.
  • 4) Cố gắng sát hại.
  • 5) Người hay vật ấy chết do hành động cố sát.

Như vậy chỉ đơn thuần một điều kiện thứ ba, tức là mới có ý định, chưa đủ để buộc tội sát sinh. Tuy nhiên điều kiện thứ ba là điều kiện chủ yếu, không có nó không thể gọi là nghiệp.

Ví dụ một hành động vô ý có thể gây nên một án mạng, thì đó không phải là tội cố sát, mà chỉ có tội ngộ sát thôi. Những nghiệp biểu hiện qua khẩu cũng vậy, phải đòi hỏi những điều kiện tương tự mới thành tựu được. Nói một cách vắn tắt, nghiệp được dùng trong Phật giáo để chỉ những hành động cố ý qua thân, khẩu, hay ý và được phẩm định giá trị thiện ác tùy theo nhân quả của chúng...

(HT. Viên Minh)