Wednesday, September 11, 2019

🗽 ... NGÀY NÀY NĂM ẤY : BỨC ẢNH “THE FALLING MAN”



.
Cứ đến ngày 11/9, người Mỹ lại nhớ lại bức hình đầy ám ảnh này. Từ trên ngọn tháp cao đang bốc cháy, người đàn ông này đã nhảy xuống, có lẽ với một chút hy vọng mong manh là vào cõi chết để truy tầm sự sống. Rất nhiều người đã nhảy xuống trong giờ phút định mạng ấy, chỉ có duy nhất người đàn ông này được gọi là “The Falling man”.

Trong bức ảnh ấy, ta thấy cơ thể anh đang lao thẳng xuống như một VĐV nhảy cầu. Hay tay buông thõng, quần áo chỉn chu, giày vẫn còn trên chân, không có chút dấu hiệu nào của sự hoảng loạn. Và thân hình anh rất thẳng, gần như song song với những trụ xám, trắng của tòa nhà.

Người đàn ông chụp bức ảnh ấy, Richard Drew, không xa lạ gì với những thời khắc lịch sử. Ông là phóng viên chiến của hãng AP. Năm 21 tuổi, Richard đứng ngay sau lưng Bobby Kennedy khi ông này bị một viên đạn ghim vào đầu. Máu của Kennedy văng đầy chiếc áo khoác của Richard. Và phản xạ đầu tiên của ông là… đưa máy lên chụp. Người vợ Ethel phải ôm ông lại, cầu xin ông đừng chụp. Richard buông máy xuống. Lúc ấy phần người trong ông mới trở lại. Ông quan sát thảm cảnh vừa diễn ra và quyết định cất máy. Nhưng chiếc áo dính đầy máu của Richard thì ông vẫn giữ ở nhà làm… kỷ niệm tác nghiệp.

Phóng viên ảnh có lẽ là những người máu lạnh nhất thế giới. Họ xông vào chiến trường, dù đấy có khi chả phải là cuộc chiến của họ. Họ sống vì những khoảnh khắc. Nó là tất cả với họ. Làm sao có thể quên được khi đã trót một lần nhìn qua bức ảnh “Kền kền chờ đợi” của Kevin Carter. Tác phẩm để đời ấy mang về cho Kevin Carter một giải Pulitzer danh giá, nhưng cơn trầm cảm đã đánh quỵ ông, để rồi ông tự vẫn ở tuổi 33. Trước khi chết, Carter còn viết một lá thư tuyệt mệnh: “Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức sờ sờ về sự chết chóc, những xác chết, cơn giận dữ và nỗi đau… về những đứa trẻ chết đói… về những người đàn ông điên khùng, thường là những kẻ hành hình…”.

Carter đã chứng kiến người da đen bị hành hình ở Nam Phi. ông chụp rất nhiều những hình ảnh mà người bị hành hình bị quấn dây ngâm dầu quanh cổ, trước khi sợi dây ấy bị châm lửa. Những hình ảnh này đã có sức phảng kháng cực lớn lên chủ nghĩa apartheid toàn cầu trong thập niên 1980. Tháng 3/1993, ông xin nghỉ phép để bay đến Sudan, chụp ảnh về cuộc nội chiến và sự nghèo đói ở đó.

Để rồi Sudan, một thế giới bị lãng quên hoàn toàn, bỗng dưng được cả thế giới chú ý với bức ảnh “Kền kền chờ đợi”. Một bé gái trơ xương, gần chết, cố lê mình đến trung tâm cứu trợ. Và ở gần đó, một con kền kền hạ cánh, như chờ đợi bữa ăn. Bức ảnh lên The New York Times vào ngày 26/3/1993 và tạo ra một sự lan tỏa khủng khiếp. Tờ báo buộc phải làm một điều chưa từng có tiền lệ: đăng thông báo về số phận cô bé. Người ta khinh miệt người phóng viên đã chụp bức ảnh “vô cảm” ấy. Trong giây phút ấy, máu nghề trong Kevin Carter đã chiến thắng nhân tính.

Nhưng chúng ta liệu có thể áp những quy chuẩn bình thường lên những con người đang làm thiên chức của họ chăng? Eddie Adams lạnh lùng nhìn tướng Nguyễn Ngọc Loan ghim viên đạn qua đầu người lính cộng sản Bảy Lốp, trong một bức ảnh cũng mang về cho tác giả của nó một giải Pulitzer. Lúc ấy, với hình ảnh trước mặt và máy ảnh trong tay, điều duy nhất họ có thể phản xạ là đưa máy lên.

Trở lại với bức ảnh “The Falling Man”, Richard Drew sáng hôm 11/9/2001 ấy đi chụp ảnh cho một show thời trang… đầm bầu. Lúc này đã 54 tuổi, Drew được một phóng viên CNN gần đó thông báo về việc tòa tháp đôi vừa bị khủng bố lái máy bay đâm vào. Ông lập tức gom hết đồ nghề, phi ngay đến hiện trường. Tờ Esquire viết:

“Ông đến trạm Chambers Street, thấy tòa tháp đôi đã thành hai cột khói. Ông đi về phía tây tòa nhà, nơi xe cứu thương đang tập trung. Kinh nghiệm lão luyện của tay phóng viên chiến trường mách bảo ông đến đó, vì những người làm nhiệm vụ giải cứu sẽ không tống cổ phóng viên đi. Ở đó, ông nghe tiếng người la hét và thở dốc vì sợ. Từ phía trên cao của tòa tháp bốc cháy, những nạn nhân bị kẹt đang gieo mình xuống đất. Chiếc máy ảnh với ống 200mm giương lên, ông đứng giữa một cảnh sát và một nhân viên cấp cứu. Cứ mỗi người nhảy xuống là hai người bọn họ đều thét lên và khóc.”
Richard Drew không khóc, ông điềm đạm chụp la-phan. Một phần của toà nhà phía nam sập xuống, làm khói bụi mù mịt. Richard còn kịp lấy chiếc mặt nạ gần đó đeo lên và chụp tiếp. Khi thấy đã đủ, ông quay về trụ sở AP. Văn phòng của hãng thông tấn hàng đầu thế giới không hoảng loạn, mà điềm tĩnh vô cùng. Họ biết mình đang đối diện với một ngày lịch sử. Drew cho đĩa vào máy, và trong hàng trăm tấm đã bấm, ông nhìn thấy “The Falling Man”. Và ông quyết định không quan tâm đến những bức ảnh khác.

Một bức ảnh là quá đủ. Một bức ảnh tuyệt vời về mặt bố cục và mang tính biểu tượng. Người ta đã không xác định danh tính của người đàn ông ấy. Ông cũng chỉ là một trong rất nhiều người đã nhảy ra khỏi tòa tháp ấy. Họ bắt đầu nhảy không lâu sau khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tòa tháp phía bắc. Họ nhảy từ khi lửa bắt đầu bén cho đến khi tòa tháp đôi sụp xuống. Họ nhảy qua những ô cửa vỡ, đầu tiên là tự vỡ, sau là họ tự đập để nhảy. Họ nhảy để thoát khỏi khói và đám cháy, họ nhảy trước khi trần nhà rơi xuống đầu, và họ nhảy chỉ để được hít thở một lần cuối cùng trước khi chết. Họ nhảy như những biệt kích dù đang trong một cuộc tổng diễn tập. Chỉ có điều không có cánh dù nào bung ra, và tất cả đều trở thành những máu thịt bầy nhầy khi tiếp đất.

Trong một nỗ lực truy tầm xem ai là “The Falling Man”, phóng viên Tom Junod tìm đến một cái tên: Jonathan Briley. Nhưng rồi y kết bài như sau:

“Liệu Jonathan Briley có phải là the Falling Man? Có thể. Nhưng biết đâu anh ta nhảy khỏi tòa tháp không phải vì bội phản tình yêu của đứa em gái cũng có mặt trong tòa tháp hôm ấy, cũng không phải vì anh ta mất hy vọng. Anh ta nhảy để tìm một điều kỳ diệu. Anh ta nhảy vì mong về với gia đình. Hay anh ta chẳng hề nhảy, vì làm gì có ai nhảy vào vòng tay của Chúa?”
Hay chúng ta ai cũng là the Falling Man, rồi cũng sẽ phải “Fall” vào một ngày nào đó.

📖


BÌNH BỒNG BỘT