Saturday, August 17, 2019

📖... CON ĐƯỜNG LẬP THÂN : ĐI DỌC HAY ĐI NGANG?











..










..









..











📖

Hôm nọ có cựu sinh viên tâm sự về nỗi bối rối của em như sau:

Sau khi ra trường và bắt đầu làm việc trong ngành của em, em thích làm ở vị trí này để học một chút, khi biết được kha khá rồi em lại thích chuyển qua vị trí kia để học một chút.
Ở mỗi giai đoạn, em đều thấy mình học được kiến thức mới và tăng kinh nghiệm làm việc, nhưng em chưa thấy mình muốn tìm hiểu sâu một cái gì cả.
Em vẫn rất thích kiểu lang thang này, có điều em cũng sợ vì nhìn quanh bạn bè những ai đã ở lâu trong một vị trí thì họ lên chức, lên lương trong khi em thì lương và chức vẫn như ngày đầu tiên chập chững vào ngành.


Tôi có chia sẻ với em rằng trong hướng nghiệp có một khái niệm gọi là phát triển dọc hay ngang, và tôi dùng hình vẽ dưới đây để giúp em hiểu ý tôi.

BIỂU ĐỒ PHÁT TRIỂN NGHỀ NGHIỆP DỌC – NGANG

Hãy tưởng tượng biểu đồ này đại diện cho sự phát triển của một người bên trong một ngành nghề nào đó. 
Sẽ có người (đường vẽ màu xanh) từ khi bắt đầu đã biết mình thích phát triển trong lĩnh vực nào của ngành nghề này, và cứ như vậy đào sâu, học hỏi, tăng kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực ấy thôi. 
Đó là một ví dụ của người sẽ phát triển nghề nghiệp của họ theo chiều dọc.
 Kết quả là sự tăng chức và tăng lương của họ sẽ tỉ lệ thuận với thời gian và sức lực họ đầu tư vào lĩnh vực ấy. 
Đến một lúc nào đó (tại điểm A) hoặc tự bản thân họ, hoặc công việc bắt buộc họ tìm hiểu những lĩnh vực khác liên quan chặt chẽ đến lĩnh vực họ luôn làm bấy lâu này. 
Vì vậy họ sẽ bắt đầu phát triển theo chiều ngang, học hỏi chuyên môn, tăng kinh nghiệm.
 Ở thời điểm này, họ sẽ không tăng lương và tăng chức như trong thời kỳ trước đó vì họ gần như phải học lại từ đầu trong lĩnh vực mới.




Khác với đường vẽ màu xanh, sẽ có người (đường vẽ màu cam) từ khi bắt đầu chưa hề biết mình thích phát triển trong lĩnh vực nào của ngành nghề này, và cứ như vậy họ trải nghiệm, học hỏi, làm việc từ lĩnh vực này qua lĩnh vực khác. 
Mỗi thứ họ đều thích một chút, và kiến thức cùng kinh nghiệm sẽ phát triển theo diện rộng hơn là chiều sâu. 
Đây là một ví dụ của người sẽ phát triển nghề nghiệp của họ theo chiều ngang. 
Kết quả là trải nghiệm, kiến thức và kinh nghiệm tổng quát trong ngành của họ sẽ phát triển theo thời gian, nhưng chức vụ và tiền lương thì gần như vẫn vậy. 
Đến một lúc nào đó (tại điểm B) họ nhận ra lĩnh vực họ thích thú nhất hay phù hợp nhất để phát triển nghề nghiệp. 
Họ bắt đầu tập trung đầu tư thời gian và công sức vào lĩnh vực ấy. Nhờ kiến thức tổng quát và kinh nghiệm bấy lâu này, họ lên chức và tăng lương rất nhanh từ lúc này.

Cũng sẽ có người (hai đường vẽ màu hồng) đi theo một con đường khác, hơi zig zag và nằm giữa hai trường hợp trên. 
Nhưng dù là con đường nào đi nữa, sau một khoảng thời gian nào đó, các con đường đều sẽ gặp nhau ở điểm C, nơi mà họ đạt được một mức lương gần nhau, kiến thức chuyên môn tương đương nhau, vị trí công việc không xê xích nhiều lắm.

Từ biểu đồ này, tôi khuyên em ấy rằng điều quan trọng trong phát triển sự nghiệp là:
biết rõ con đường màu nào mình đang theo đuổi, lý do vì sau mình theo đuổi nó, những điểm mạnh và yếu của nó, được và mất của quyết định ấy. Để rồi khi làm quyết định thì không so sánh một cách vô lý với hai màu kia.
không chia sẻ ý định của mình quá nhiều với cha mẹ của mình nếu mình nghĩ họ sẽ khó thông cảm được. Nói cách khác, chia sẻ những gì họ có thể hiểu để giúp họ an tâm mà thôi. Còn lại những thông tin khác thì hãy giữ cho mình, kể cho bạn bè có thể hiểu, hay gặp chuyên gia như tôi chẳng hạn 🙂

so sánh mình với ngày hôm qua hơn là so sánh mình với người khác vì có thể họ đi con đường màu khác với mình.


Kết luận
Đây chỉ là một khái niệm tôi dùng để giúp các em hiểu hơn về sự phát triển nghề nghiệp của mình ở những năm đầu đời. Nó không bao quát được tất cả, và nó cũng không đơn giản là ba con đường với ba màu khác nhau gặp nhau ở một điểm chung vì sự phát triển nghề nghiệp của một người bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau mà biểu đồ này không hề ghi nhận.

Điều quan trọng là các em phải luôn luôn hành động, và tiếp theo hành động là suy ngẫm về hành động của mình. Cân bằng giữa hai điều trên sẽ giúp các em rất nhiều.
 Đừng bao giờ đứng ỳ một chỗ không làm gì cả và đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác. Làm được điều này, các em sẽ ổn thôi.

Chúc các em một cuối tuần bình an.

Thương yêu.

Ngày 3 tháng 3, 2017

Sài Gòn, Việt Nam

📖

PHOENIX HO

Career Support & Advisory Manager tại ĐH RMIT | hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục và tư vấn, và yêu thích làm việc với thế hệ trẻ ở lứa tuổi 17 đến 25 | Tác giả 2 cuốn sách ‘Mẹ Dắt Con Đi’ và 'Cứ Đi Để Lối Thành Đường