Saturday, July 21, 2018

🏮🏮…NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ BÁNH TRUNG THU


 
 




📖

Bánh Trung thu xưa kia là món quà của con người dâng lên Trời Phật nên người xưa cũng làm ra nó với tất cả sự cẩn trọng và cầu kỳ. Chiếc bánh tưởng giản dị ấy chứa đựng biết mấy công phu và tâm huyết của những người phụ nữ xưa vừa khéo tay, khẩu vị tinh tế và hết mực cẩn thận. Từ những nguyên liệu chính là những sản vật gần gũi tự nhiên xung quanh như mứt sen, mứt bí, hạt dưa, mỡ, lá chanh, đậu xanh, sen, cốm, người xưa khéo léo kết hợp để làm ra một chiếc bánh thơm ngọt, dậy mùi đặc trưng, hòa quyện hương vị như biểu tượng về sự no đủ, tròn đầy, viên mãn.

Bánh Trung thu không hẳn là loại bánh khó làm, cái khó là bánh trải qua rất nhiều công đoạn. Nước đường làm vỏ bánh phải được nấu trước vài tháng thậm chỉ cả năm, mới lên được màu bánh đẹp và thơm. Mỡ lợn được phơi vài nắng đến khi trong veo, ăn béo mà không ngấy, bánh dẻo được làm từ thứ gạo nếp mới trắng ngần, cốm phải là loại cốm tươi; sen, đậu xanh, đậu đỏ, vừng mè đều là những sản vật của mùa.

Ngày này, người ta không xem trọng hương vị mà quan tâm đến giá tiền, độ cao cấp sang trọng. Để đáp ứng nhu cầu này, nhà sản xuất đua nhau ra đời những dòng bánh cao cấp, thay thế nguyên liệu truyền thống vốn đã trở nến lỗi thời bằng những nguyên liệu đắt đỏ thể hiện đăng cấp như vi cá mập, yến sào, rượu hoặc là những nguyên liệu hoàn toàn mới lạ nhưng là thứ nguyên liệu làm bánh như phô-mai, socola, trà xanh, café.….

Trung thu trong phong tục truyền thống cổ xưa vốn là lễ thưởng trăng. Từ cảm hứng về vầng trăng tròn đầy, viên mãn, người xưa đã gửi gắm tử tưởng tình cảm của mình trong biểu tượng chiếc bánh tròn trịa được gọi là bánh Nguyệt Bính hay bánh Vầng Trăng. Hình ảnh “tròn” (viên) của trăng với cảnh quây quần “đoàn viên” của con người. Nên bánh Trung thu còn được gọi là bánh đoàn, bánh đoàn viên.

Đối với người hiện đại, thưởng thức một Tết Trung thu theo lối truyền thống đã trở thành điều gì đó xa xỉi. Tự tay làm một chiếc bánh ngon, sạch và cẩn thận dường như là một điều gì quá tầm tay với.

Trung thu Nguyệt bính với ý nghĩa nguyên sơ là dịp gia đình sum vầy, đoàn tụ trong một đêm trăng đẹp, cùng nhau ăn bánh, uống trà và các thứ hoa quả thơm ngọt ngào của mùa, thưởng ngoạn vẻ đẹp huyền ảo, nồng hậu của vầng trăng để thấy ấm nồng hơn bao giờ tình cảm gia đình và tình yêu với quê hương đất nước. Vẻ đẹp trong trẻo và thuần khiết của một giá trị văn hóa có lẽ nào đã dễ dàng mất đi trong dòng xoáy bất tận của sự bán mua đổi chác danh, lợi, tình…

📖