Friday, March 2, 2018

🏥🏥…GIẢI NGỐ VỀ UNG THƯ




  • (*): Hình ảnh trong bài là của các bệnh nhi chiến đấu với căn bệnh ung thư tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi trung ương và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, không phải nhân vật . 
📖

Định làm một bài ngắn gọn về ung thư, mà rồi tự thấy đấy quả là nhiệm vụ bất khả thi. Bởi vậy mới đẻ ra cái series dài như quỷ này. Nhưng cái gì cũng có lí do của nó. Không thể nào tung lên mạng một bài kiểu “10 điều khiến giới trẻ phát cuồng về XYZ” trong khi giới trẻ còn đếch biết chính xác XYZ là ai, có tài năng gì xuất chúng, có cool hay không, sao mà nổi tiếng.

Thế nên trước khi đến mấy đoạn đi dọn bullshit thì phải biết thật ra shit là gì đã
  • Ung thư là gì?
  • Nguyên nhân gây ung thư và cách phòng tránh ung thư
  • Tầm soát, chẩn đoán và điều trị ung thư
  • Những quan niệm sai lầm về ung thư

Các bạn nào quan tâm có thể tìm đọc thêm về chủ đề này từ các trang web uy tín như

Disclaimer: mình không phải là bác sĩ nên nếu có sai sót gì trong bài viết này, các bạn có kiến thức/ kinh nghiệm y khoa vui lòng góp ý nhé.

📖


PHẦN 1 – UNG THƯ LÀ GÌ?

Trong tiếng Hán Nôm, ung thư nghĩa là …Định viết mở đầu như thế nhưng mà google mãi chả ra cái khỉ gì. Ra được một trang nói ung là những loại nhọt độc ở ngoài da, miệng loét. Thư có nghĩa là nhọt độc ngầm trong thịt. Túm lại ung thư giống như nhọt độc ở khắp nơi trong cơ thể. Nghe cũng hơi hơi có lý, mà ko biết đúng hay ko. Ai biết tiếng Hán Nôm thì kiểm chứng hộ nhé.


Ung thư trong tiếng Anh là cancer, giống tên của cung hoàng đạo Cự giải (Cancer 22/06-23/07) hình con cua. Từ này xuất phát từ carcinoma trong tiếng Hi Lạp cổ nghĩa là cua. Hippocrates dùng hình ảnh con cua để thể hiện những chân rễ lan ra từ khối u. Nếu tinh ý, bạn sẽ nhận thấy hình ảnh này chỉ có thể áp dụng với các khối u đặc, còn với ung thư máu thì chắc phải dùng hình ảnh đàn sứa.

Siddhartha Mukherjee thì gọi ung thư bằng một cái tên hoành tráng “Ông hoàng của các loại bệnh”, và làm hẳn một quyển sách to tổ bố về bệnh ung thư có tiêu đề The emperor of all maladies: a biography of cancer (Tạm dịch: Ông hoàng của các loại bệnh: tiểu sử ung thư). Đây là một trong những quyển sách hay nhất mình đã từng đọc. Nhờ cuốn này mà Siddartha Mukherjee đã được trao giải Pulitzer năm 2011 cho thể loại General Nonfiction.

Còn trên các trang thông tin chính thống của WHO, các bộ y tế, các viện nghiên cứu, v.v, ung thư thường được định nghĩa là
một NHÓM các bệnh (không phải một bệnh, có hơn 200 bệnh ung thư khác nhau)
liên quan tới việc phát triển một cách mất kiểm soát của các tế bào bất bình thường,
và những tế bào đó có khả năng di chuyển và xâm lấn những mô khác.

Để dễ hiểu hơn, mọi người có thể tưởng tượng thế này: Cơ thể chúng ta gồm hàng tỉ tế bào, mỗi tế bào có một chức năng nhất định và phát triển một cách có trật tự. Tế bào sinh ra, trưởng thành, rồi chết đi theo một chu kỳ được kiểm soát chặt chẽ. Nó giống như hình ảnh xã hội của chúng ta, mỗi người làm một việc nhất định, người là kĩ sư, người là bác sĩ, người là giáo viên…Con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành, già đi, rồi chết. Trẻ phải đi học, đỗ cấp 1, cấp 2, cấp 3, rồi mới vào đại học. Đỗ đạt đầy đủ mới có ‘giấy phép hành nghề’ để làm bác sĩ, kĩ sư, giáo viên, v.v. Bác sĩ thì làm trong bệnh viện, giáo viên thì làm trong trường học, túm lại là chuyên môn hóa cao và được tổ chức rõ ràng. Xã hội có luật pháp, cảnh sát, tòa án, v.v. để đảm bảo mọi thứ vận hành trôi chảy và theo đúng trật tự. Cơ thể chúng ta ở mức độ tế bào cũng như vậy.

Ung thư xảy ra khi chu trình phát triển của tế bào bị mất kiểm soát, khiến cơ thể không hoạt động bình thường. Trở lại ví dụ trên, nó giống như một bộ phim kinh dị mà có một đứa trẻ sinh ra, lớn lên, rồi vì nhiều lí do khó hiểu mà dần biến thành zombie. Dù vậy, nó vẫn qua mắt được các cơ quan đoàn thể để chui vào bệnh viện hay trường học làm việc. Ghê hơn nữa là nó đẻ tiếp ra những đứa cũng như nó. Kinh dị nhất là chúng nó trở thành bất tử, và đi khắp nơi. Hậu quả là chả mấy chốc, chúng trở thành số đông và làm rối tung mọi thứ. Toàn bộ hệ thống sớm muộn cũng sẽ bị đánh sập. Ung thư cũng giống như vậy.

Nếu đọc kĩ định nghĩa về ung thư, mọi người cũng có thể thấy ngay được sự khác biệt giữa u lành tính và u ác tính. Dù các khối u có thể xảy ra ở bất kì đâu trong cơ thể, và đều hình thành do sự phát triển bất bình thường của tế bào, u lành tính không xâm lấn sang các bộ phận khác nên không được coi là ung thư. U lành tính có thể dễ dàng được cắt bỏ. Tuy nhiên, đôi khi các u lành tính có thể phát triển đến một kích thước lớn, gây tác hại do chèn ép tới các cấu trúc xung quanh. Trong khi đó, u ác tính có khả năng phát triển nhanh chóng và xâm lấn sang các bộ phận khác của cơ thể, do đó gọi là ung thư.

Tế bào ung thư giống và khác tế bào bình thường như thế nào?
Tế bào ung thư chắc chắn là phải khác tế bào thường, nếu không đã chả có ai chết vì ung thư. Câu hỏi là khác tới mức nào. Năm 2000, hai nhà khoa học Hanahan và Weinberg đã viết một bài báo để đời trên tạp chí Cell có tên Hallmarks of cancer, đưa ra 6 điểm khác biệt cơ bản của tế bào ung thư với tế bào thường. Năm 2011, hai tác giả này viết một bài update với 4 điểm khác biệt mới, nâng tổng số lên 10. Hai bài báo này hiện vẫn xếp hạng #1 và #2 trong số những bài báo được trích dẫn nhiều nhất của tạp chí Cell. Bạn nào hứng thú có thể tìm đọc Hallmarks of cancer: the next generation.

  1. Khả năng tự kích thích sinh trưởng (Self-sufficiency in growth signals): Bình thường các tế bào trong cơ thể chúng ta chỉ phân chia khi nào và ở chỗ nào cần thiết. Chúng ngừng sinh trưởng và phân chia khi số lượng tế bào đạt đến một ngưỡng nhất định. Giống như mô hình kế hoạch hóa gia đình lí tưởng ở cả mức vi mô và vĩ mô. Chỗ nào ít dân thì tự động đẻ thêm, chỗ nào nhiều quá thì tự động ko đẻ nữa. Đó là lí do khi bạn bị một vết cắt trên da chẳng hạn, da non chỉ mọc lên đến khi lấp đầy vết thương, chứ không tiếp tục sinh sôi thêm. Các tế bào thường cần các ”tín hiệu” chỉ dẫn khi nào thì tăng trưởng, khi nào thì phân chia, v.v. Tế bào ung thư có khả năng sinh trưởng mà không cần tới các tín hiệu này bằng nhiều cách khác nhau. Giống như một chiếc xe đi trên đường, thay vì tuân theo luật giao thông, tuân thủ biển báo tốc độ, đi theo đèn tín hiệu, chiếc xe ung thư có khả năng lao nhanh hết sức vì chân ga bị kẹt, đồng thời nó có khả năng làm hỏng đèn đỏ và đổi màu tất cả các đèn giao thông trên tuyến đường nó đi qua sang đèn xanh.
  2. Mất khả năng phản ứng với tín hiệu chống tăng sinh (Insensitivity to anti-growth signals): ngoài ‘chân ga’ là các tín hiệu tăng sinh (tăng trưởng + sinh sản), tế bào cũng có ‘chân phanh’ là các tín hiệu chống tăng sinh, ví dụ khi DNA bị hư hỏng, hay khi số lượng tế bào đã đủ lấp đầy không gian xung quanh. Tế bào ung thư bị hỏng mất ‘chân phanh’ này nên có khả năng tăng trưởng và phân chia ngay cả khi DNA bị hư hỏng nặng.
  3. Chống lại cơ chế tự chết theo chương trình (Evading apoptosis): khi bị hư hỏng hoặc già đi, tế bào thường tự sửa chữa các lỗi hư hoặc sẽ làm ‘cảm tử quân’ tự chết theo chương trình được lập sẵn (apoptosis). Tế bào ung thư thì ngược lại, chả thèm sửa, và cũng chả buồn chết dù hỏng hóc đầy mình. Chúng có thể làm được điều này bằng cách thay đổi cơ chế phát hiện các tổn thương hay bất thường, hoặc có hỏng hóc ở chính đường truyền tín hiệu tự chết.
  4. Khả năng nhân bản vô hạn (Limitless replicative potential): các tế bào thường sẽ chết sau một số lượt phân chia nhất định. Nhưng tế bào ung thư có khả năng nhân bản vô hạn, và trở thành ‘bất tử’. Dòng tế bào người ‘bất tử’ nổi tiếng nhất thế giới Hela có nguồn gốc từ các tế bào ung thư cổ tử cung của bệnh nhân Henrietta Lacks được lấy từ ngày 8/2/1951. Đây là dòng tế bào người bất tử lâu đời nhất, và được sử dụng nhiều nhất lại các phòng thí nghiệm. Trong khi các tế bào thường lấy từ mô của người/động vật cho ra nuôi cấy chỉ vài bữa là chết hết, bản thân bệnh nhân Henrietta Lacks đã mất từ ngày 4/10/1951, tế bào Hela sau hơn 60 năm vẫn ‘trường thọ’ trong các phòng thí nghiệm. Mình vẫn nhớ hồi xưa từng khai quật một dòng tế bào xuất thân từ tế bào ung thư gan được trữ lạnh mấy chục năm. Thế mà cho ra nuôi cấy cũng sống ầm ầm.
  5. Khả năng tăng sinh mạch máu bền vững (Sustained angiogienesis): hệ thống mạch máu trong cơ thể chúng ta thâm nhập vào tất cả các mô, các cơ quan nội tạng để đảm bảo tất cả các tế bào nhận được đầy đủ oxy. Thường mạch máu mới chỉ phát triển trong một số trường hợp nhất định như trong quá trình bào thai lớn lên, khi cơ thể làm lành vết thương, hoặc trong chu trình kinh nguyệt ở nữ giới. Khi khối ung bướu phát triển, nó có khả năng ‘lừa’ cơ thể để sản sinh các mạch máu cung cấp oxy cho các tế bào ung thư.
  6. Khả năng xâm lấn mô xung quanh và di căn (Tissue invasion and metastasis): tế bào thường tiết ra các chất giúp chúng ‘dính’ với nhau và ở một chỗ nhất định tùy thuộc vào chức năng của tế bào đó. Các tế bào gan ở chung với nhau trong gan, các tế bào phổi ở chung với nhau ở trong phổi, không có lang chạ sang nhà hàng xóm. Nhưng tế bào ung thư thiếu các chất kết dính này nên chúng có thể đi tha hương, lang thang theo đường máu hoặc hệ bạch huyết đến các vùng đất mới. Gặp chỗ đất lành chim đậu, các tế bào ung thư sẽ tạm dừng chân, sinh sôi này nở, tạo thành các khối u ở những vị trí mới cách xa khối u ban đầu. Đấy chính là ung thư di căn.
  7. Trao đổi chất không kiểm soát (Deregulated metabolism): đa số các tế bào ung thư sử dụng các quá trình trao đổi chất bất thường để sản sinh năng lượng. Mấy bài báo nhảm nhí chia sẻ chế độ ăn kiêng đường, rồi thực dưỡng chữa ung thư cũng sinh ra từ việc hiểu sai đặc điểm này của tế bào ung thư. Mình sẽ viết thêm về chủ đề này trong các phần tiếp theo.
  8. Khả năng qua mặt hệ miễn dịch (Evading the immune system): hệ miễn dịch của cơ thể là một hệ thống phòng ngự thông minh tuyệt vời. Khi phát hiện các ‘vật thể lạ’ như vi khuẩn, virus, các tế bào lạ, hay các khi tế bào thường bị hư hỏng nặng, hệ miễn dịch sẽ ra tay loại bỏ. Thế nên mới có chuyện khi hệ miễn dịch bị suy yếu như trong trường hợp AIDS, bệnh nhân sẽ rất dễ tử vong vì nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, v.v. Ngược lại, trong trường hợp ghép tạng, bệnh nhân buộc phải dùng thuốc chống thải ghép, nếu không hệ miễn dịch sẽ tấn công và đào thải tạng được ghép. Tế bào ung thư có khả năng qua mặt hệ miễn dịch bằng 2 cách: ‘lừa’ các tế bào miễn dịch khiến chúng không nhận ra tế bào ung thư, hoặc tiết ra các chất làm vô hiệu quá tế bào miễn dịch. Khôn chưa?
  9. Sự bất ổn trong bộ gene (Genome instability): các tế bào ung thư thường có các bất thường trong bộ gene, và các bất thường này sẽ càng trầm trọng hơn khi ung thư tiến triển. Tế bào Hela là một ví dụ điển hình khi có tới 82 nhiễm sắc thể, trong khi tế bào thường chỉ có 46. Quái vật! Do sự bất ổn này mà nhiều tế bào ung thư không phát triển bình thường, do đó cũng không hoạt động được bình thường. Ví dụ bạch cầu (một loại tế bào máu) giúp cơ thể chiến đấu chống lại các bệnh truyền nhiễm và các bệnh khác. Khi bị ung thư bạch cầu (một dạng ung thư máu, hay còn gọi là bệnh máu trắng), dù số lượng bạch cầu trong máu cao hơn bình thường, nhưng đa số các tế bào này không phải tế bào bạch cầu trưởng thành nên không chống được cái gì sất, dẫn đến nguy cơ bị nhiễm trùng cao.
  10. Viêm giúp thúc đẩy khối u (Tumor-promoting inflammation): nghe hơi ngược đời, nhưng các khối ung bướu thường có rất nhiều các tế bào miễn dịch xâm nhập, giống như trong trường hợp viêm nhiễm ở các mô thường. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy phản ứng viêm này có tác dụng giúp cho ung thư tiến triển bằng cách cung cấp các tín hiệu cần thiết cho sinh trưởng, các enzyme giúp tế bào ung thư di căn, v.v. Giống như cảnh sát xuất hiện đầy đường nhưng thay vì bắt kẻ cướp nhà băng thì lại bị nó thôi miên để giúp trốn thoát.


Điều gì xảy ra bên trong tế bào ung thư?
Viễn cảnh một tế bào bình thường trở thành tế bào ung thư cũng giống như việc một đứa trẻ xinh đẹp, thông minh một ngày trở thành quái vật. Khó hiểu phết, nhỉ? Việc này không xảy ra một sớm một chiều mà do nhiều thay đổi nhỏ dần tích tụ lại. Muốn thành cao thủ giang hồ thì phải lăn lộn học hết mấy món võ nghệ, chứ không phải một ngày đẹp trời ngủ dậy là thành cao thủ. Ví dụ một số món võ cần thiết cho ung thư:

  • Tế bào ung thư cần có được khả năng sinh trưởng và phân chia ngay cả khi không cần thiết
  • Tế bào ung thư cần có khả năng qua mặt những tín hiệu nhắn nó ‘thôi ‘bà nội’ bệnh quá rồi, chết đi cho chúng con nhờ’ mà nhe nhởn sống tiếp dù hỏng hóc đầy mình
  • Tế bào ung thư cần có khả năng khinh đời mà không thèm dính lấy các tế bào khác như các tế bào thường. Như vậy mới đi mở rộng thanh thế được (di căn).


Những khả năng này chỉ có được khi có những thay đổi (đột biến) nhất định trong những genes kiểm soát việc sinh trưởng, phân chia tế bào, và sửa chữa DNA. Bình thường, đấy chính là những ‘cảnh sát’, ‘tòa án’, ‘luật pháp’, ‘đèn giao thông’ của tế bào, giúp các tế bào phát triển bình thường, và theo đúng chu trình. Khi các gene này có vấn đề, tế bào sẽ có vấn đề, dẫn đến cơ thể chúng ta có vấn đề.
Một số đột biến gene là do di truyền: cái này thì chỉ biết về bắt đền bố mẹ thôi. Các đột biến dạng này có thể khiến bạn có nguy cơ bị ung thư cao hơn những người khác, chứ không phải chắc chắn bạn sẽ bị ung thư. Đời bạn sẽ xám hơn (xám nhạt hay xám đậm thì tùy loại đột biến và số lượng đột biến) nhưng không phải là màu đen hoàn toàn.
Đa số đột biến xảy ra sau khi bạn ra đời, do yếu tố môi trường và không di truyền (bạn không bắt đền bố mẹ được). Đột biến gene xảy ra thường xuyên trong quá trình phát triển của tế bào, nhưng các tế bào rất thông minh và có các cơ chế để nhận ra, và sửa chữa các đột biến này. Nhưng giống như bất kì hệ thống nào, thỉnh thoảng cũng có lỗi, và các đột biến bị bỏ qua, ko được sửa chữa.

Các đột biến bạn sinh ra đã có (di truyền) và các đột biến bạn tích tụ được theo thời gian có thể tương tác với nhau, và gây ra ung thư. Không ai biết cần có bao nhiêu đột biến thì một tế bào thường mới trở thành ung thư. Điều này phụ thuộc vào kiểu đột biến, và loại tế bào. Thế mới khó!

PHẦN 2: NGUYÊN NHÂN GÂY UNG THƯ VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH UNG THƯ.

Nguyên nhân gây ung thư

Như đã nói ở phần trước, ung thư là do các tế bào bất bình thường phát triển một cách mất kiểm soát. Điều này xảy ra khi có các đột biến ở các gene kiểm soát việc tăng trưởng, phân chia, và sửa chữa DNA. Nhưng chính xác là cái gì gây ra các đột biến này? Yếu tố nào gây ra đột biến nào? Cần bao nhiêu đột biến ở những genes nào thì sẽ gây ra ung thư? Câu trả lời là … biết chết liền.

Lí do tại sao lại khó phòng chống ung thư chính là vì chả ai biết được chính xác nguyên nhân gây ra ung thư là gì. Không chỉ ung thư, rất nhiều các bệnh khác như tiểu đường, tim mạch, v.v. đều có nguyên nhân rất phức tạp. Đơn giản vì:
Đặc điểm hay tính trạng (Ngôn ngữ khoa học là kiểu hình (phenotype)) = Genes (chính xác hơn là kiểu gene (genotype)) + Môi trường (environment) + Tác động (triggers) + Ngẫu nhiên (chance)


Ví dụ đơn giản: chiều cao (phenotype). Nhà nào bố mẹ cao thì con cái cũng thường có xu hướng cao (genotype). Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập luyện thể thao, v.v. (environment) cũng giúp tăng chiều cao. Tuy nhiên, mình đã gặp trường hợp một gái người Pháp hận đời vì bố mẹ cao, 3 chị em gái đều cao trên 1.70m, có mình gái mi nhon 1.55m dù cũng chăm ăn uống, thể dục thể thao như ai. Cái này gọi là số xui (chance) vì rơi trúng gene lặn (genotype), hay một nguyên nhân nào khác

Với ung thư (phenotype) cũng tương tự. Nếu có nhiều người trong gia đình bạn bị ung thư, thì có thể có một số đột biến gene liên quan tới ung thư được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác (genotype), và bạn sẽ có nguy cơ bị ung thư cao hơn (chứ không phải chắc chắn sẽ bị ung thư). Chả thế mà Angelina Jolie có mẹ mất vì ung thư buồng trứng. Sau khi xét nghiệm ra mình ‘được thừa hưởng’ đột biến gene BRCA1 và có 87% nguy cơ bị ung thư vú và 50% nguy cơ bị ung thư buống trứng trong đời, cô đã thất kinh mà quyết định cắt bỏ tuyến vú (đoạn nhũ) và buồng trứng để giảm nguy cơ bị ung thư, nghe đồn giảm xuống 5%, thấp hơn cả ở người bình thường. Tuy nhiên, không phải ai bị đột biến gene BRCA1 như Angelina Jolie cũng sẽ bị ung thư (vậy mới có 2 con số 87% và 50% chứ không phải 100%), và số bệnh nhân ung thư vú có đột biến BRCA1/2 chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ (~5%) trong tổng số các ca ung thư vú. Ngoài BRCA1/2, hiện các nhà khoa học đã tìm ra gần cả trăm genes có liên quan tới ung thư vú, nhưng ảnh hưởng của mỗi gene đơn lẻ là rất rất nhỏ. Kể cả khi cộng gộp nguy cơ của tất cả các gene này lại cũng chỉ giải thích được giỏi lắm là một nửa các ca ung thư vú di truyền. Rồi tới lượt các ca ung thư di truyền chỉ chiếm 5-10% tổng số ca ung thư. Thế nên mới có nhiều người không có lịch sử ung thư trong gia đình nhưng vẫn bị ung thư.

Ngoài yếu tố di truyền, môi trường (environment) cũng có ảnh hưởng tới nguy cơ bị ung thư. Danh sách các yếu tố nguy cơ (risk factors) có khả năng làm tăng nguy cơ bị ung thư phải nói là dài ngoằng. Dưới đây là một số danh mục chính:

  • Virus, vi khuẩn, và kí sinh trùng:
  • Các chất gây ung thư
  • Chế độ ăn uống và luyện tập
  • Phóng xạ (bao gồm cả bức xạ mặt trời, tia X dùng trong chụp, chiếu X-quang, CT, các tia gamma, alpha, và beta phát ra bởi các hạt nguyên tố phóng xạ khi chúng phân rã)
  • Hormones
  • Một số tác nhân khác như kí sinh trùng, cách thức chuẩn bị và bảo quản đồ ăn, v.v
  • Một số virus có thể gây ung thư: HPV (ung thư cổ tử cung), Epstein-Barr virus (ung thư vòm họng), HCV/HBV (ung thư gan)
  • Một số vi khuẩn cũng có khả năng tăng nguy cơ bị ung thư, điển hình là Helicobacter pylori(ung thư dạ dày)
  • Một số kí sinh trùng có thể năng gây ung thư: Schistosoma Haematobium (ung thư bàng quang)
  • Thuốc lá
  • Rượu
  • Benzene
  • Asbestos (amiăng)
  • Thừa cân, béo phì
  • Không luyện tập
  • Chế độ ăn ít chất xơ (rau, hoa quả, ngũ cốc), nhiều đồ chế biến sẵn, nhiều muối


Phức tạp ở chỗ ảnh hưởng của môi trường lên các cá thể khác nhau là khác nhau, tùy thuộc vào kiểu gene (genotype) của cá thể đó. Thế mới có chuyện 10 người ung thư phổi thì 8 người là do hút thuốc (xem ví dụ reference ở đây, đây, và trên website của CDC & Cancer Research UK). Nhưng không phải người nào hút thuốc cũng bị ung thư phổi, và không phải người nào ung thư phổi cũng do hút thuốc.

Cái này cũng giống như đi vào rừng mà quăng mồi lửa, không phải lúc nào nó cũng biến thành cháy rừng. Có nhiều nguyên nhân:

  • Có thể là do mồi lửa quăng xuống rơi vào…vũng nước, hay hòn đá. Thế là tèo.
  • Có thể là khu rừng xanh tốt, chả có đám cỏ khô nào mà cháy.
  • Có thể là do trời mới mưa, nên cỏ khô cũng thành ướt, và không bắt lửa.
  • Có thể là cỏ khô nhưng mồi lửa đã tàn trước khi kịp gây cháy
  • Có thể là mồi lửa gây cháy cỏ khô nhưng xung quanh đám cỏ là một ao nước nên cánh rừng không bị ảnh hưởng
  • Có thể là có cháy nhưng gió mạnh quá hay mưa xuống nên dập luôn lửa


Mồi lửa trong câu truyện này cũng giống như một trong những yếu tố môi trường có khả năng gây ung thư, cháy rừng giống như ung thư, còn cỏ khô giống như các yếu tố di truyền. Các tác nhân như vũng nước, hòn đá, mưa, hay gió là các cơ chế của cơ thể để chống lại ung thư, ví dụ như một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Các bác cứ hút thuốc, uống rượu như không có ngày mai cũng giống như cố tình quăng nhiều mồi lửa trong rừng, khả năng gây cháy rừng sẽ cao hơn nhiều so với người đi cầm máy ảnh chụp choẹt, picnic nấu nướng chả may đánh rơi que diêm đang cháy dở. Đừng chết vì cố tình muốn tỏ ra nguy hiểm.

Còn một yếu tố nguy cơ lớn nhất với ung thư mà mọi người thường không nghĩ tới. Đó là tuổi tác (triggers). Đơn giản vì sống càng lâu thì các đột biến gene có thể dẫn tới ung thư càng có nhiều có hội tích tụ. Nếu lấy ví dụ cánh rừng ở trên thì nó giống như việc các cây cỏ chết dần. Theo thời gian, ngày càng có nhiều đám cây cỏ khô xuất hiện, và các đám này sẽ lớn dần lên. Mấy mồi lửa nhỏ giờ quăng bâng quơ cũng có khi cũng trúng đám cỏ đã khô quắt, gây bùng lửa. Đấy cũng là lí do tại sao có nhiều người già bị ung thư hơn là người trẻ. Nhưng ung thư có thể xảy xa ở bất kì độ tuổi nào. Một số yếu tố môi trường như stress, hút thuốc, hay béo phì có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa (làm cây cỏ khô nhanh hơn), góp phần làm tăng nguy cơ bị ung thư (cháy rừng).

Nói loạn xạ một hồi, thấy còn một yếu tố nữa là ngẫu nhiên hay không may (chance/ bad luck). Bạn nào hứng thú có thể tìm đọc các tài liệu nghiên cứu về ung thư ở các cặp song sinh đồng trứng và khác trứng (eg: here and here). Về mặt di truyền, những cặp sinh đôi đồng trứng giống hệt nhau. Các cặp sinh đôi lớn lên trong cùng một môi trường, và già đi cùng nhau. Khi một trong 2 người sinh đôi đồng trứng bị ung thư, người kia cũng có nguy cơ cao sẽ bị ung thư, nhưng không phải chắc chắn 100%. Kể cả đen đủi cả hai cùng bị ung thư thì cũng chưa chắc sẽ cùng bị một loại ung thư (ví dụ một người bị ung thư phổi, trong khi người kia bị ung thư dạ dày). Vậy mới nói ‘trời gọi ai nấy dạ’.

Phòng tránh ung thư
Do các yếu tố nguy cơ gây ung thư rất đa dạng, có rất nhiều loại ung thư khác nhau (>200), và không có một công thức cố định cho những tổ hợp yếu tố nguy cơ nào sẽ dẫn đến loại ung thư nào nên rất khó có câu trả lời chính xác cho câu hỏi làm thế nào để tránh bị ung thư. Nếu nhìn vào danh sách các yếu tố nguy cơ từ môi trường, mọi người có thể tự kết luận được là rất khó phòng chống được 100%, nhưng có một số thứ bạn có thể làm để giảm nguy cơ bị ung thư do các yếu tố môi trường:

  • Chích ngừa viêm gan siêu vi, HPV, v.v.
  • Tránh các chất gây ung thư – không hút thuốc và tránh xa khói thuốc, hạn chế uống rượu, tránh tiếp xúc nhiều với asbestos
  • Tránh tiếp xúc với các chất gây phóng xạ. Bôi kem chống nắng thường xuyên khi đi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với ánh mặt trời vào giữa ngày.
  • Ăn uống lành mạnh, ăn nhiều chất xơ (rau quả, ngũ cốc), giảm muối, giảm đồ chế biến sẵn
  • Duy trì cân nặng hợp lý và thể dục thường xuyên


Các yếu tố di truyền thì tạm thời bó tay, trừ phi bạn ở trong một số trường hợp đặc biệt như Angelina Jolie. Chuyện già đi thì không tránh khỏi, còn yếu tố ngẫu nhiên thì chắc chỉ có Chúa mới giải thích được, khỏi quan tâm.

PHẦN 3 – TẦM SOÁT, CHẨN ĐOÁN, VÀ ĐIỀU TRỊ UNG THƯ.

Tầm soát ung thư
Trước hết phải hiểu tầm soát (screening) là gì đã. Tầm soát dành cho người khỏe mạnh, không có triệu chứng gì để xem có bị bệnh không. Tầm soát có thể giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn.

Nghe đến đây chắc chắn nhiều người sẽ nhổm ngay dậy hỏi vậy làm sao để tầm soát ung thư? Không biết phòng chống dư lào thì thôi tầm soát ra bệnh sớm cũng được. Tuy nhiên, với hơn 200 loại ung thư, rất khó để có thể tầm soát tất cả mọi thứ. Có nhiều bệnh ung thư cũng chưa có phương pháp tầm soát hiệu quả. Ngay cả với những phương pháp tầm soát hiện đang có, các bạn cũng cần cân nhắc nguy cơ và lợi ích:
Nguy cơ gây hại: một số phương pháp tầm soát như dùng tia X quang có thể khiến chúng ta bị phơi nhiễm phóng xạ, và có khả năng (dù rất thấp) gây ung thư (Đi tầm soát ung thư mà lại dẫn đến bị ung thư thì đúng là họa vô đơn chí)
Độ nhạy (sensitivity) và độ chuyên/ độ đặc hiệu (specificity): Nếu các xét nghiệm không đủ nhạy (sensitive), rất dễ dẫn đến kết quả âm tính giả (có bệnh mà test ra là không có). Trường hợp này tốn tiền vô ích. Nếu các xét nghiệm không đủ đặc hiệu (specific), rất dễ dẫn đến kết quả dương tính giả (không có bệnh mà test ra là có bệnh). Trường hợp này dẫn đến việc có thể phải làm thêm nhiều xét nghiệm khác không cần thiết, tốn tiền và gây ảnh hưởng tâm lý, thậm chí nguy hiểm cho người bị xét nghiệm.
Khả năng tìm ra bệnh: với các bệnh ung thư hiếm gặp, gần như không thể tầm soát được (thế mới gọi là hiếm). Những người trẻ tuổi cũng ít khi được khuyến khích tầm soát ung thư, vì đa số bệnh nhân ung thư ngoài 50 tuổi (lại nhắc lại tuổi tác là yếu tố nguy cơ hàng đầu cho ung thư). Các chương trình tầm soát quốc gia thường tập trung vào những loại ung thư nào phổ biến nhất ở nước đó, và dành cho đối tượng có nguy cơ cao, chứ không ai đi tầm soát toàn dân cho toàn bộ các loại ung thư cả.
Có thuốc chữa hay không: nếu không có thuốc điều trị, có tầm soát ra bệnh cũng chẳng giải quyết vấn đề gì, mà lại còn gây ảnh hưởng tâm lý cho người bệnh.
Tầm soát sớm có giúp cải thiện hiệu quả điều trị không, thậm chí có cần điều trị không? Một số loại ung thư phát triển rất chậm, nên bệnh nhân có thể sống nhiều năm mà không cần điều trị. Trong trường hợp đó, tầm soát có thể không mang lại lợi ích gì. Một số trường hợp bệnh nhân bị những bệnh khác và không còn sống lâu được (ví dụ bệnh thận giai đoạn cuối) thì có phát hiện ra ung thư hay không cũng không quan trọng.
Chi phí, cả về mặt tiền bạc và thời gian

Hiện tại, chỉ có một số loại xét nghiệm tầm soát đã được chứng minh là giúp giảm tỉ lệ tử vong do ung thư, và được khuyến khích sử dụng cho các đối tượng nguy cơ cao. Bạn nên thảo luận với bác sĩ để biết tần suất phù hợp nhất với mình:
Nội soi đại trực tràng và xét nghiệm máu tiềm ẩn trong phân độ nhạy cao (high-sensitivity fecal occult blood tests – FOBTs): để tầm soát ung thư đại trực tràng, dành cho những người ở độ tuổi ngoài 50, hoặc những người có nguy cơ cao (có lịch sử gia đình bị ung thư đại trực tràng) ở độ tuổi ngoài 45.
Chụp cắt lớp liều thấp (low-dose helical computed tomography): để tầm soát ung thư phổi ở đối tượng nguy cơ cao là những người hút thuốc nhiều ở độ tuổi ngoài 55
Chụp nhũ ảnh (mammography) và khám vú: để tầm soát ung thư vú dành cho phụ nữ ở độ tuổi ngoài 40, đặc biệt là từ 50 trở lên. Với những phụ nữ có nguy cơ cao do yếu tố di truyền (ví dụ có đột biến BRCA1/2) thì có thêm chụp MRI tuyến vú.
PAP smear: để tầm soát ung thư cổ tử cung, thường được khuyến khích dùng cho phụ nữ đã có quan hệ tình dục (chứ chả liên quan đến chuyện đã lấy chồng chưa như các bác sĩ Việt Nam vẫn hay hỏi). Với các đối tượng nguy cơ cao (HIV dương tính), tần suất làm PAP smear sẽ cao hơn ở phụ nữ bình thường.
Xét nghiệm α-feto protein: để tầm soát ung thư gan dành cho các đối tượng nguy cơ cao (viêm gan siêu vi B/C mãn tính). Với các bệnh nhân xơ gan có thể dùng siêu âm.

Vậy khám sức khỏe định kỳ thì sao, có giúp phát hiện ra ung thư ko? Câu trả lời là tùy gói khám sức khỏe của bạn có cái gì. Nhưng nói thật, cơ hội phát hiện được ung thư sớm thông qua khám sức khỏe định kỳ là không cao, vì các xét nghiệm trong khám sức khỏe định kỳ khá đơn giản, nhất là ở Việt Nam.

  • Xét nghiệm máu: ngoài ung thư máu ra thì xét nghiệm máu thông thường khó có thể cho ra kết quả liệu bạn có bị ung thư hay là bị bệnh nào khác không. Tuy nhiên, những bất thường trong máu có thể báo động cho bác sĩ về những vấn đề trong cơ thể bạn, và bác sĩ có thể làm thêm các xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân. Hiện nay đã có một số test xét nghiệm phát hiện tế bào ung thư hoặc các chất do tế bào ung thư thải ra (tumor markers) trong máu nhưng mới chỉ có một số rất ít được các cơ quan quản lý uy tín như FDA (Mỹ) cấp phép, và cũng chưa được sử dụng rộng rãi. Thường các xét nghiệm này cũng chỉ nhắm vào một số loại ung thư nhất định, chứ chưa thể phát hiện được tất cả các loại ung thư. Thế nên chúng ta hãy tiếp tục…chờ các nhà khoa học.
  • Siêu âm (ultrasound): không thể chẩn đoán được ung thư 100%, nhưng có thể giúp phát hiện một số bất thường liên quan tới vú và các cơ quan nội tạng như gan, thận, tụy, lá lách, bàng quang, v.v., bao gồm cả các nang và khối u
  • X-quang: có thể phát hiện ra khối u trong phổi, nhưng do độ nhạy không cao nên chỉ phát hiện được khối u tương đối lớn, còn khi ung thư ở giai đoạn sớm, khối u quá nhỏ thì khó phát hiện được bằng chụp X-quang


Triệu chứng của ung thư
Khó tầm soát vậy giờ sao? Cách tốt nhất lắng nghe cơ thể mình. Sau đây là một số triệu chứng chung của ung thư. Mình phải nhấn mạnh là có những triệu chứng này chưa chắc là bạn đã bị ung thư, mà có thể do các bệnh khác. Tuy nhiên nếu như các triệu chứng này kéo dài hoặc ngày một trầm trọng hơn, bạn nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân: các bệnh nhân ung thư thường sẽ bị giảm cân tại một thời điểm nào đó. Giảm trên 5kg mà không rõ nguyên do có thể là dấu hiệu của ung thư, thường xảy ra với ung thư tụy, ung thư dạ dày, ung thư thực quản, hoặc ung thư phổi
  • Sốt kéo dài: bệnh nhân ung thư thường bị sốt, nhất là ung thư đã di căn, do bệnh ảnh hưởng lên hệ miễn dịch, làm cho sức đề kháng của cơ thể yếu đi. Sốt kéo dài cũng có thể là dấu hiệu của ung thư máu.
  • Kiệt sức: nếu bạn thấy kiệt sức kéo dài, và nghỉ ngơi cũng không giúp hồi phục thì có thể đây là dấu hiệu của ung thư.
  • Đau: đây có thể là triệu chứng sớm của một số bệnh ung thư như ung thư xương, hay ung thư tinh hoàn. Đau đầu kéo dài có thể là triệu chứng của ung thư não. Đau lưng có thể là triệu chứng của ung thư đại trực tràng, hay ung thư buồng trứng. Thường ung thư khi đã di căn sẽ dẫn đến đau.
  • Thay đổi trên da: ngoài ung thư da, một số ung thư khác cũng có thể dẫn đến những thay đổi trên da như: da bị sạm màu, vàng da, đỏ da, ngứa, mọc lông nhiều, v.v.

Ngoài những triệu chứng chung nói trên, có một số triệu chứng khác cho một số bệnh ung thư nhất định. Cũng phải nhắc lại, các triệu chứng này có thể do các bệnh khác gây ra, chứ không phải ung thư. Tuy nhiên, nếu thấy thì bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
  • Thay đổi chức năng đại tiểu tiện: nếu bạn bị táo bón, tiêu chảy, hay phân có dấu hiệu bất thường lâu ngày thì có thể đó là dấu hiệu ung thư đại trực tràng. Khó tiểu, đi tiểu ra máu, hay đi tiểu thường xuyên hoặc ít hơn bình thường có thể liên quan tới ung thư bàng quan hoặc ung thư tuyến tiền liệt.
  • Vết thương không lành: ung thư da có thể dẫn đến chảy máu và nhìn như vết thương mãi không thành. Lở miệng lâu ngày có thể là ung thư miệng. Lở ở vùng kín có thể là dấu hiệu nhiễm trùng, hoặc ung thư.
  • Chảy máu bất bình thường: có thể xảy ra khi bị ung thư. Ho ra máu có thể là dấu hiệu ung thư phổi. Đại tiện ra máu có thể là dấu hiệu ung thư đại trực tràng. Chảy máu vùng kín có thể là dấu hiệu ung thư cổ tử cung. Đi tiểu ra máu có thể là ung thư thận hoặc ung thư bàng quang. Nếu có chảy máu ở vú, có thể là ung thư vú.
  • Nổi cục: một số bệnh ung thư có thể sờ thấy được như ở vú, tinh hoàn, hạch, và một số mô mềm khác.
  • Ho hoặc khản giọng: ho lâu ngày có thể là dấu hiệu của ung thư phổi. Khản giản có thể là dấu hiệu của ung thư thanh quản hoăc ung thư tuyến giáp.

Quá tam ba bận, nhắc lại lần nữa là đây chỉ là các triệu chứng chung phổ biến nhất. Có nhiều triệu chứng khác không được liệt kê ở đây. Và những triệu chứng này có thể là do các nguyên nhân khác chứ ko phải bị ung thư. Nhưng nếu thấy có dấu hiệu gì bất thường trong cơ thể, làm ơn đi khám bác sĩ hộ. Đừng đi gặp lang băm, đừng tự điều trị ở nhà, đừng nghe lời họ hàng, làng xóm chỉ theo ‘kinh nghiệm của tao’. Nếu không bị ung thư thì tốt quá, bác sĩ có thể giúp bạn tìm ra nguyên nhân và điều trị dù đó là bệnh gì. Còn nếu chả may là ung thư thật thì ít ra bạn cũng đã tự cho mình cơ hội được điều trị sớm.

Chẩn đoán ung thư
Mỗi loại ung thư sẽ có các xét nghiệm chẩn đoán khác nhau. Ở đây mình chỉ nêu ra các phương pháp chẩn đoán nói chung. Nói chi tiết về mấy cái này chán phèo nên mình chỉ nói sơ là có 3 nhóm chính:
Xét nghiệm hình ảnh (imaging tests): dùng để chẩn đoán ung thư, xem khối u đã lan ra tới đâu, và để quyết định xem phương pháp điều trị có hiệu quả không. Một số xét nghiệm hình ảnh chính bao gồm: CT scan, PET scan, MRI, X-quang, siêu âm, v.v.
Nội soi (endoscopy procedures): thường dùng cho đại trực tràng
Sinh thiết và xét nghiệm tế bào (biopsy and cytology tests): bác sĩ sẽ lấy một hoặc một vài mẫu mô từ vị trí nghi có khối u ung thư để làm xét nghiệm.

Gần đây còn xuất hiện một loại test chẩn đoán ung thư dùng kĩ thuật giải mã gene (NGS – next-generation sequencing). Tùy vào loại test do công ty nào bán, số lượng gene được giải mã có thể thay đổi từ vài chục đến vài trăm gene. Đây là các gene đã được chứng minh có liên quan tới ung thư. Dựa vào kết quả giải mã gene và các dữ liệu lâm sàng trên các bệnh nhân ung thư khác, các bác sĩ có thể lựa chọn giải pháp điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân. Các test này có giá thành khá cao so với các loại xét nghiệm chẩn đoán thông thường (có thể lên tới vài nghìn đô) và thường không được chi trả bảo hiểm nên vẫn chưa được sử dụng rộng rãi. Mình không chắc là ở Việt Nam đã có test này chưa, nhưng một số thị trường đã phát triển như Mỹ, châu Âu, Singapore, Hong Kong, Đài Loan, v.v. đều đã launch các sản phẩm này.

Bạn nào tinh ý chắc sẽ nghĩ ngay ‘Ủa, vậy có dùng giải mã gene để tầm soát ung thư được không? Thay vì chờ tới lúc có bệnh rồi mới làm thì làm sớm từ lúc còn trẻ khỏe đi.’ Câu trả lời là hiện nay chưa có nước nào, dùng giải mã gene để tầm soát ung thư ở diện rộng cả. Một số nước phát triển, ví dụ như Mỹ, có chương trình Newborn Screening sử dụng giải mã gene để xét nghiệm khoảng 30 bệnh chuyển hóa và di truyền ở trẻ sơ sinh. Một số trường hợp như Angelina Jolie biết trong gia đình có một số đột biến gene nhất định liên quan tới ung thư thì có thể làm xét nghiệm giải mã những gene này để xem nguy cơ của mình như thế nào. Còn nếu nói về giải mã gene dùng panel hàng trăm, hàng nghìn genes để tầm soát cho tất cả các bệnh ung thư thì hiện này chưa khả thi vì nhiều lí do:
Chỉ có một phần nhỏ các ca ung thư là do di truyền
Ngoài yếu tố di truyền, các gene trong tế bào còn có thể bị đột biến do yếu tố môi trường
Các nhà khoa học chưa biết hết có những đột biến gene nào có thể tăng nguy cơ bị ung thư
Các nhà khoa học cũng chưa hết biết hết những tổ hợp đột biến gene nào dẫn đến bệnh ung thư nào
Kể cả có biết hết các gene đó, và bạn có một vài đột biến trong những gene này cũng không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư, chỉ là có nguy cơ cao hơn thôi
Tốn tiền vì giải mã gene vẫn còn khá đắt so với các xét nghiệm khác dù giá thành đã giảm đi nhiều trong những năm gần đây

Điều trị ung thư
Mỗi loại ung thư sẽ có các bước điều trị khác nhau. Nếu chẳng may bạn hay người thân bị ung thư, các bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể. Các phương pháp điều trị ung thư nói chung được gộp thành 3 nhóm chính:
Các phương pháp điều trị chính thống(Conventional/ mainstream treatment): bao gồm phẫu trị, xạ trị, hóa trị, điều trị nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch, và liệu pháp hormone. Các phương pháp điều trị này đều đã được thử nghiệm kĩ càng trên hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bệnh nhân, và được chứng minh về tính hiệu quả thông qua nhiều thử nghiệm lâm sàng. Tác dụng phụ của các phương pháp điều trị chính thống cũng được ghi nhận đầy đủ. Dù các phương pháp này có thể không chữa khỏi ung thư hoàn toàn, ít nhất bệnh nhân có được kết quả tốt nhất.
Các phương pháp điều trị bổ sung (Complementary Therapy): được dùng cùng với các phương pháp điều trị chính thống. Ví dụ dùng châm cứu để giảm đau. Không có bằng chứng nào cho thấy các phương pháp điều trị bổ sung có thể chữa khỏi ung thư, nhưng chúng có thể giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn và đối đầu với bệnh tật tốt hơn bằng cách giảm đau, giảm stress và lo lắng, v.v.
Các phương pháp điều trị thay thế (Alternative Therapy): đúng như cái tên, đây là các phương pháp điều trị được dùng thay cho các phương pháp điều trị chính thống. Ví dụ như vi lượng đồng căn (homeopathic medicine) và liệu pháp thiên nhiên (naturopathic medicine) ở phương Tây, và thuốc nam/ bắc (Traditional Chinese medicine) và Ayurveda ở phương Đông.

Ở đây mình sẽ chỉ tập trung vào các phương pháp điều trị chính thống và thay thế.

Các phương pháp điều trị chính thống:
  • Các phương pháp điều trị chính thống có thể được chia thành hai nhóm chính:
  • Các phương pháp tại chỗ (local treatment): bao gồm phẫu trị (mổ) và xạ trị
  • Các phương pháp điều trị toàn thân (systemic treatment): bao gồm hóa trị, điều trị nhắm trúng đích, điều trị nội tiết, và điều trị miễn dịch

Các phương pháp tại chỗ chủ yếu dành cho ung thư giai đoạn sớm, chưa có di căn xa. Nếu đã có di căn hoặc nghi có di căn tiềm tàng thì cần điều trị toàn thân. Các bạn có thể nghĩ về điều trị ung thư giống như triệt cỏ dại vậy. Nếu chỉ có một cây thì cách đơn giản nhất là nhổ hoặc đào lên (phẫu trị). Cẩn thận hơn, muốn biết chắc đã triệt tận rễ thì đổ nước nóng vào cái hố vừa đào (xạ trị). Nhưng nếu cỏ đã mọc tùm lum khắp nơi, hoặc bạn nghi gốc rễ của cây cỏ vừa nhổ đã lan ra khắp nơi, chỉ chờ mưa tới là lên ầm ầm, thì bạn phải phun thuốc diệt cỏ toàn vườn (điều trị toàn thân).

Phẫu trị (mổ – Surgery)
Phẫu trị là phương pháp mổ để loại bỏ khối u ung thư nên chỉ thích hợp khi ung thư ở giai đoạn đầu, còn khu trú. Nếu ung thư đã di căn thì phẫu trị chỉ có hiệu lực tạm thời, thậm chí không có hiệu lực.

Quay lại ví dụ triệt cỏ ở trên, nếu bạn đào cái lỗ nhỏ xung quanh cây cỏ thì có thể lấy hết phần rễ chính, nhưng rất có thể để sót vài mẩu rễ nhỏ. Cẩn thận thì phải đào cái hố to ra một chút, và xem xét các vùng đất xung quanh xem có còn sót cái rễ nào không. Tương tự như vậy, trong phẫu trị các bác sĩ thường sẽ phải cắt bỏ cả các mô xung quanh khối u để đảm bảo lấy hết toàn bộ các tế bào ung thư. Đó là lí do tại sao một số bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm được phẫu thuật đoạn nhũ (cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ bầu ngực).

Xạ trị (Radiotherapy)
Xạ trị là phương pháp dùng tia phóng xạ để diệt tế bào ung thư và làm teo nhỏ khối u. Xạ trị làm tổn thương hay hủy hoại các tế bào được điều trị bằng cách khiến chúng không thể phát triển và nhân lên.

Hóa trị (Chemotherapy)
Hóa trị là phương pháp truyền thuốc có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư vào cơ thế người bệnh. Các loại thuốc này có khả năng ngăn cản quá trình phân chia của các tế bào bệnh, từ đó làm giảm các tế bào ung thư mới hình thành. Phương pháp hóa trị nhắm vào các tế bào tăng trưởng và sinh sôi nhanh, do đó cũng ảnh thưởng tới các tế bào thường sinh sôi nhanh như tế bào nang tóc, tế bào đường ruột, tế bào máu v.v. Đó là lí do tại sao bệnh nhân điều trị hóa trị thường gặp nhiều tác dụng phụ, hay bị rụng tóc, thiếu máu, gặp vấn đề về đường tiêu hóa, v.v.

Mỗi hóa chất có một cơ chế hoạt động khác nhau nên hiện nay đa số các liệu pháp hóa trị sử dụng nhiều thuốc cũng một lúc (hóa trị liệu kết hợp) thay vì sử dụng một thuốc (đơn trị) để tránh nhờn thuốc (resistance). Kiểu như ra trận sử dụng bộ binh, pháo binh, không quân, hải quân cùng lúc thì sẽ dễ thắng hơn là chỉ dùng một quân chủng.

Hóa trị có thể được dùng để làm nhỏ một bướu ung thư trước khi mổ hoặc xạ trị. Hóa trị cũng có thể được dùng sau phẫu thuật hoặc xạ trị để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể. Việc có dùng hóa trị hay không, dùng lúc nào, và như thế nào sẽ do các bác sĩ điều trị quyết định tùy thuộc vào đặc điểm của bệnh nhân, và mục đích điều trị.

Điều trị nhắm trúng đích (Targeted therapy)
Đúng như cái tên của nó, điều trị nhắm trúng đích nhắm vào một mục tiêu cụ thể – tế bào ung thư, hoặc các tế bào/protein khác trong cơ thể giúp tế bào ung thư phát triển – dựa trên một số ‘dấu ấn sinh học’ (biomarker) có trên các tế bào này. Cơ chế hoạt động này rất khác với hóa trị. Nếu như hóa trị giống như một quả bomb thả vào giữa làng, cho nổ banh xác cả người tốt lẫn kẻ xấu (thà giết nhầm còn hơn bỏ sót), thì điều trị nhắm trúng đích như một dạng bomb thông minh, hay một tay súng bắn tỉa lão luyện, chỉ nhắm vào kẻ nào có sẹo chữ thập trên mặt chứ không đụng tới người thường. Nói như thế không có nghĩa là thuốc điều trị nhắm trúng đích không có tác dụng phụ, tuy nhiên các tác dụng phụ này sẽ khác với tác dụng phụ của hóa trị, tùy thuộc vào mục tiêu mà thuốc nhắm tới.

Liệu pháp miễn dịch (Cancer Immunotherapy)
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị ung thư mới nhất hiện nay, sử dụng bản thân hệ miễn dịch của mỗi cá nhân để điều trị ung thư. Hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại các vi sinh vật lạ, các tế bào bất thường. Nhưng các tế bào ung thư rất thông mình và có khả năng qua mặt hệ miễn dịch. Bằng cách giúp các tế bào miễn dịch nhận ra tế bào ung thư (tìm ra tội phạm ẩn náu trong dân), và tăng khả năng hoạt động của tế bào miễn dịch (cấp cho vũ khí tốt hơn), các thuốc này sẽ giúp hệ miễn dịch của bản thân người bệnh tiêu diệt tế bào ung thư. Lĩnh vực này còn khá mới mẻ nên số lượng thuốc đã được cấp phép trên thế giới mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, và giá thành thuốc khá cao. Nếu mình không nhầm thì một số thuốc này cũng sắp được đưa vào thị trường Việt Nam.

Liệu pháp hormone (hormone therapy)
Một số bệnh ung thư có thể được điều trị bằng liệu pháp hormone, ví dụ như một số dạng ung thư vú hay ung thư tuyến tiền liệt.

Các liệu pháp điều trị thay thế
Có rất nhiều bệnh nhân đi theo con đường điều trị thay thế vì tin rằng các liệu pháp này có nguồn gốc thiên nhiên, đơn giản, hiểu quả, không gây tác dụng phụ, không gây hại. Mình không nói rằng tất cả các liệu pháp này đều không hiệu quả, vì những gì chúng ta biết chỉ là hạt cát so với những gì chúng ta chưa biết. Tuy nhiên, mình mong mọi người cân nhắc khi sử dụng các liệu pháp điều trị thay thế.

Với bất kì loại dược phẩm nào muốn được lưu hành trên thị trường cũng cần phải thông qua các bước kiểm duyệt và thử nghiệm chặt chẽ, từ Pha I (trên một nhóm nhỏ các tình nguyện viên khỏe mạnh) qua Pha II (trên một nhóm nhỏ bệnh nhân, so với giả dược) và Pha III (trên một số lượng lớn bệnh nhân, đa trung tâm, so sánh với điều trị tiêu chuẩn) để xác lập tính an toàn và hiệu quả của thuốc. Các kết quả nghiên cứu đều được công bố rộng rãi trên các tạp chí chuyên ngành uy tín và được các cơ quan chức năng kiểm duyệt, phê chuẩn theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Đối với các phương pháp điều trị thay thế, rất khó để tìm ra các bằng chứng khoa học về tính hiệu quả và an toàn của các phương pháp này vì gần như không có các công trình khoa học nào được kiểm chứng và công bố rộng rãi. Do đó, việc dùng các phương pháp điều trị thay thế thay vì dùng các phương pháp điều trị chính thống có thể đem lại ảo vọng, gây tốn tiền, thậm chí gây hại cho bệnh nhân. Nếu bạn quyết định dùng phương pháp điều trị thay thế, hãy hỏi người kê toa thuốc này cho bạn (và Google) một số câu hỏi trước khi quyết định:
Phương pháp điều trị thay thế này tiêu diệt tế bào ung thư như thế nào (cơ chế hoạt động)?
Phương pháp điều trị thay thế này đã được thử nghiệm lâm sàng ở người chưa? Nếu có, thử nghiệm đó được thực hiện như thế nào? Ở đâu? Trên bao nhiêu bệnh nhân? Được so sánh với thuốc nào khác? Kết quả ra sao và đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành nào?
Cơ quan chức năng nào đã phê duyệt việc sử dụng phương pháp điều trị thay thế này? Đối với dược phẩm, hai cơ quan có uy tín nhất là FDA của Mỹ và EMA của châu Âu.
Thuốc này đã có mặt trên thị trường Việt Nam được bao lâu? Ngoài ở Việt Nam, thuốc này còn được dùng ở thị trường nào khác hay không?

Nếu như câu trả lời xác đáng, có bằng chứng xác thực đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành, trong hướng dẫn điều trị của Bộ Y Tế Việt Nam và các nước khác thì bạn cứ an tâm sử dụng.

Còn nếu như câu trả lời cho những câu hỏi trên hết sức mơ hồ, kiểu thuốc này có nguồn gốc tự nhiên, đảm bảo, đã dùng cho cả nghìn người, bao nhiêu người khỏi bệnh, v.v nhưng không đưa ra được bằng chứng cụ thể như ai cấp phép và đảm bảo cho chất lượng của thuốc, tính hiệu quả và an toàn của thuốc như thế nào, đã qua những thử nghiệm lâm sàng nào, v.v, thì bạn nên suy nghĩ lại. Nếu lang băm nào nói ông ý đảm bảo chất lượng thuốc, nói 100% bệnh nhân của ổng khỏi bệnh ung thư và không có tác dụng phụ thì các bạn cứ băm xác ông ý ra còn chắc chắn hơn. Thuốc mà tốt như thuốc tiên thế thì lại chả mang đi xin giấy phép bản quyền, bán cho các công ty dược đa quốc gia hoặc lập công ty hoành tráng mà giúp hàng nghìn, hàng triệu bệnh nhân, thu hàng chục, hàng trăm triệu đô, thậm chí hàng tỉ đô mỗi năm, ăn chơi tẹt ga chứ ngồi mốc đít ra đấy mà bốc thuốc hàng ngày cho vài chục ca bệnh.

Nếu bạn vẫn muốn thử thì mình chỉ có thể nói rằng bạn đã trở thành một trong những tình nguyện viên tự nguyện đóng góp thân thể và tiền bạc cho một trong những cuộc thử nghiệm lâm sàng đặc biệt nhất trong lịch sử y học:
  • Không có điểm đầu và không có điểm cuối
  • Không có thống kê số lượng và đặc điểm bệnh nhân
  • Không có thống kê về hiệu quả điều trị và tính an toàn
  • Không được bảo đảm về nguồn gốc và chất lượng thuốc
  • Không được kiểm duyệt tại từng bước bởi các cơ quan chức năng

Nói túm lại ‘You are free to choose, but you are not free from the consequences of your choice’.

PHẦN 4 – NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ UNG THƯ


Thực ra nai lưng ra viết 3 phần trước cũng chỉ để làm mồi cho phần 4 là phần mà mình muốn viết nhất khi suy nghĩ về series này. Hi vọng các bạn đã hiểu cục shit ung thư nó như thế nào rồi, giờ đến phần dọn shit. Yeahhh!!!


⁉️⁉️…Ung thư ở Việt Nam nhiều nhất thế giới??
Dù mình rất đồng cảm với ước mơ Việt Nam trở thành số 1 thế giới về bất kỳ thứ gì, kể cả về ung thư cũng được, nhưng rất tiếc phải xin lỗi các bạn là Việt Nam còn mút chỉ mới được gọi là ‘cường quốc ung thư’. Theo số liệu 2012 của Cơ Quan Quốc Tế về Nghiên Cứu Ung Thư (International Agency for Research on Cancer hay còn gọi là Globocan) thuộc tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO)
Việt Nam có ~125,000 ca ung thư mới mỗi năm, đứng thứ 20 trên thế giới. Nghe cũng hoành tráng, nhưng là #20 chứ không phải #1!
Tuy nhiên, so sánh theo số liệu tuyệt đối như vậy là không ổn bởi 2 lí do: dân số mỗi nước khác nhau, và đặc điểm nhân khẩu học của các nước cũng khác nhau. Thế nên các nhà khoa học thường phải chuẩn hóa các dữ liệu này, và tính theo tỉ lệ mắc mới trên 100,000 dân (để có thể so sánh những nước đông dân như Trung Quốc hay Ấn Độ, với những nước bé hạt tiêu như Liechtenstein hay Monaco), và chuẩn hóa theo độ tuổi (để có thể so sánh những nước nhiều người già như Nhật Bản với những nước có dân số trẻ như Niger hay Uganda). Khi so sánh các nước/vùng, các nhà khoa học sẽ dùng một chỉ số gọi là tỉ lệ mới mắc chuẩn theo tuổi (Age-standardized incidence) thay vì tỉ lệ mới mắc theo số ca tuyệt đối. Tỉ lệ mới mắc chuẩn theo tuổi (Age standardized incidence – ASI) của Việt Nam là 140.4 ca mới trên 100,000 dân, đứng thứ 106 (trong tổng số 184 nước được xếp hạng). Tỉ lệ này chưa bằng một nửa so với bất cứ nước nào trong Top 19. Một số bạn có chia sẻ với mình một số bài báo viết về dữ liệu WHO 2014, Việt Nam đứng thứ 78/172 nước về ung thư. Mình không tìm được data gốc cho các bài viết này nên không biết xếp hạng này dựa trên chỉ số nào, nhưng dù kiểu gì thì Việt Nam còn xa mới vào top đầu.
Các nước đứng ở trên Top về age-standardized incidence đầu đều là các nước phát triển (Đan Mạch, Australia, Bỉ, Na Uy, Mỹ, v.v). Nhiều bạn thắc mắc tại sao giàu thế, văn minh thế, sạch sẽ thế, phát triển thế mà ung thư nhiều vậy, trong khi mấy nước châu Phi nghèo đói, phơi nắng suốt ngày, hay Việt Nam ô nhiễm bẩn thỉu thì lại ít ung thư hơn? Nếu các bạn đọc kĩ phần 2 của series này thì yếu tố nguy cơ hàng đầu của ung thư là tuổi tác chứ không phải ô nhiễm hay nghèo đói. Các nước phát triển đều có dân số già (cách đây mấy tháng mình đi công tác Thụy Sỹ, và đã rất shock khi bước vào một nhà hàng mà 90% khách là các bô lão), trong khi rất nhiều nước đang phát triển có dân số trẻ (Việt Nam lại chả suốt ngày tự hào dân số vàng là gì). Thế nên mấy nước giàu mà già đứng top đầu là đúng rồi.
Vấn đề của chúng ta không phải ở tỉ lệ mới mắc mà là ở tỉ lệ tử vong. Việt Nam có tỉ lệ tử vong chuẩn theo tuổi (Age standardized mortality) ở mức 108.7 trên 100,000 dân, đứng thứ 49 trên thế giới. Nếu dùng tỉ lệ tử vong trên tỉ lệ mắc mới (mortality/incidence ratio – MIR), con số này cho Việt Nam là 77%, đứng thứ 38 thế giới, và nhiều hơn gấp đôi tỉ lệ của các nước đứng cuối bảng. Sở dĩ tỉ lệ tử vong của Việt Nam (và của rất nhiều các nước đang phát triển khác) cao vì đa số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư khi đã ở giai đoạn muộn, và nhiều bệnh nhân không có điều kiện để được điều trị tốt nhất. Một nghiên cứu gần đây trên hơn 9,500 bệnh nhân ung thư ở 8 nước Đông Nam Á, bao gồm hơn 1,900 bệnh nhân ung thư Việt Nam cho thấy 75% bệnh nhân hoặc tử vong hoặc rơi vào tình trạng khánh kiệt vì chi phí điều trị trong vòng 1 năm sau khi chẩn đoán.
Nghịch lý là ở chỗ các nước đứng đầu bảng về tỉ lệ mắc mới như Đan Mạch, Australia, Bỉ, Na Uy, Mỹ, v.v lại có MIR thấp nhất thế giới. Đó là vì các nước này có dân số già (nhắc lại) nhưng lại có hệ thống y tế phát triển, do đó việc chẩn đoán và điều trị ung thư tốt hơn nhiều so với các nước đang phát triển như Việt Nam. Thế nên dù có tỉ lệ người bị ung thư cao hơn, nhưng tỉ lệ tử vong do ung thư của họ thấp hơn nhiều.
Một điều nữa – nguyên nhân gây tử vong số 1 ở Việt Nam không phải là ung thư mà là bệnh tim mạch (dữ liệu WHO, JAHR). Vậy mà không thấy ai la làng lên cả, trong khi người người nhà nhà đều suốt ngày lo lắng về ung thư. Đáng để suy nghĩ.

⁉️⁉️…Tỉ lệ mắc bệnh ung thư đang tăng nhanh chóng mặt?
Bây giờ cảm giác đi đâu cũng nhìn thấy ung thư, ai cũng có người nhà hay bạn bè bị ung thư. Nhưng có thực sự là tỉ lệ mắc bệnh ung thư đang tăng nhanh chóng mặt như mọi người nghĩ hay không? Hiện nay Việt Nam chưa có một database hoàn chỉnh về bệnh nhân nên rất khó để nói chính xác một năm có bao nhiêu bệnh nhân mới. Nhưng theo ước tính của Globocan, số bệnh ung thư mới ở Việt Nam sẽ tăng từ khoảng 125,000 vào năm 2012 lên khoảng 229,000 vào năm 2035. Mình mà làm PR mình cũng giật tít ‘Tỉ lệ ung thư ở Việt Nam được dự báo tăng gần gấp đôi’. Nghe thì thất kinh, nhưng mà nhìn kĩ thì là trong vòng hơn 20 năm. Chia ra thì chỉ tăng 2.67% mỗi năm thôi các bạn. Dù tỉ lệ này cao hơn so với tỉ lệ tăng dân số (hơn 1% theo dự báo của tổng cục thống kê), nhưng phải nhớ rằng dân số Việt Nam đang già đi, nên số người bị ung thư cũng sẽ tăng lên (lại nhớ lại yếu tố nguy cơ lớn nhất cho ung thư là tuổi tác). Cộng thêm vào đó là khả năng chẩn đoán và điều trị ung thư giờ càng ngày càng tốt nên mới có cảm giác tự dưng đẻ đâu ra nhiều ung thư thế.

Sao bây giờ nhiều ung thư thế, hồi xưa có thấy ai bị ung thư đâu?
Ờ…hồi xưa là hồi nào? Nếu là cách đây vài triệu năm thì không biết, chứ các nhà khoa học đã tìm ra một mẫu phẩm ung thư xương của tổ tiên loài người từ cách đây cỡ ~1.7 triệu năm rồi . Cái loài mà chúng ta gọi là loài người hiện nay mới chỉ có mặt trên trái đất này khoảng 200,000 năm thôi. Nên đảm bảo là ung thư đã có từ rất lâu, chỉ là hồi xưa xửa xừa xưa chả ai biết nó là bệnh gì mà thôi. Tính gần hơn là hồi thế kỉ trước thời ông bà cụ kị nhà mình, hay là hồi chiến tranh chết đói thì câu trả lời đơn giản là:
Chưa kịp ung thư đã …chết xừ mất rồi. Lại vụ tuổi tác là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư, nhớ chứ? Theo dữ liệu của World Bank thì hồi năm 1960, tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới chỉ có 52.59, đến năm 2015 tăng lên là 71.89. Con số này cho người Việt Nam là 59.07 năm 1960, và 75.89 năm 2015. Lùi về xa hơn nữa thì không phải nước nào cũng có số liệu, nhưng nhìn chung thì trước năm 1900, tuổi thọ trung bình trên thế giới chỉ xấp xỉ 40 là giỏi. Có một công trình nghiên cứu đã dùng dữ liệu có sẵn để xây dựng một model về tuổi thọ của người Việt Nam từ năm 1880 trở lại đây. Nếu cái model này đúng, hồi trước năm 1940, các ‘cụ’ nhà ta chỉ sống cỡ trên dưới ba chục là đã ngủm củ tỏi rồi. Chết sớm thế, đa số ung thư còn chưa kịp phát, lấy đâu ra mà thấy. Nếu bạn nghĩ bây giờ ung thư đã nhiều, chờ tới lúc cháu chắt của bạn lớn lên, lúc tuổi thọ trung bình của Việt Nam cỡ 85-90 chẳng hạn, chúng nó cũng sẽ nói câu y chang như câu chúng ta nói bây giờ – ‘Sao bây giờ nhiều ung thư thế, hồi xưa có thấy ai bị ung thư đâu.’
Hồi xưa mà có bị ung thư đi chăng nữa thì cũng chả có cửa mà khám ra bệnh. Âu Mỹ còn phát triển sớm, chứ các bạn cứ nghĩ mà xem, đến giờ là năm 2017 rồi mà cả cái nước Việt Nam này cũng chỉ có 4 bệnh viện lớn điều trị về ung thư (K và Bạch Mai ở Hà Nội, Chợ Rẫy và Ung Bướu ở TP HCM). Các bệnh viện khác, từ tuyến trung ương tới tuyến tỉnh, kể cả có khoa ung bướu thì năng lực cũng có hạn. Chả thế mà bà con ở các tỉnh có ai chữa bệnh ở nhà đâu. Có cái bài báo này đọc thấy rất thú. Sau năm 1954 mới có vài bệnh viện ở Hà Nội, Sài Gòn, và Huế được trang bị những máy chụp X-quang đầu tiên. Cái máy siêu âm đầu tiên được lắp ở bệnh viện Việt Đức năm 1983, còn đến năm 1991 chúng ta mới có máy CT scanner đầu tiên ở bệnh viện Việt Xô. Máy chụp MRI siêu dẫn thì tận năm 1997 mới có, cũng ở Việt Xô. Thế thì hồi xưa, hay nói trắng ra là trước năm 2000, ngoài mấy cụ hoành tráng nằm ở Việt Xô, Việt Đức, đám dân đen còn lại có mà được chẩn đoán ung thư vào mắt (literally là bằng mắt chứ làm đếch gì có máy).

⁉️⁉️Ung thư là bệnh di truyền?
Các bạn đọc lại phần 2 – Nguyên nhân gây ung thư. Câu trả lời ngắn gọn là yếu tố di truyền chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong tổng số các ca ung thư. Nhưng nếu gia đình bạn có nhiều người bị ung thư thì có thể có yếu tố di truyền. Bạn nên tư vấn bác sĩ để khám tầm soát thường xuyên.

⁉️⁉️Ung thư là án tử hình?
Bị ung thư có chết chắc ko? Câu trả lời là tùy vào bệnh ung thư, giai đoạn bệnh, và tùy vào đặc điểm của bệnh nhân. Mình không có thống kê của Việt Nam, nhưng theo thống kê mới nhất của Mỹthì tỉ lệ sống sót sau 5 năm của một số bệnh ung thư thường gặp như sau (xếp từ cao xuống thấp)

Số liệu của Anh cũng tương tự, với ung thư tụy, phổi, não, dạ dày và thực quản là 5 loại ung thư thường gặp có tỉ lệ sống còn sau 5 năm thấp nhất. Trong khi đó ung thư tinh hoàn, da, vú, tuyến tiền liệt, và u lympho Hodgkin có tỉ lệ sống còn sau 5 năm cao nhất.

Tuy nhiên đây chỉ là các con số nói chung.
Mỗi bệnh ung thư ở trên có thế chia thành các nhóm nhỏ, và tỉ lệ sống còn ở các nhóm nhỏ này có thể rất khác nhau. Ví dụ cùng là ung thư tụy giai đoạn 1 nhưng exocrine pancreatic cancer có tỉ lệ sống sót sau 5 năm chỉ là 12-14%, trong khi pancreatic neuroendocrine tumors có tỉ lệ sống sót sau 5 năm lên tới 61%.
Với từng loại ung thư, tỉ lệ sống còn cho các giai đoạn bệnh khác nhau sẽ khác nhau. Nhìn chung các giai đoạn sớm có tỉ lệ sống còn cao hơn nhiều so với các giai đoạn muộn, nhất là khi bệnh đã di căn. Quay lại ví dụ ung thư tụy ở trên, cùng là pancreatic neuroendocrine tumors, nhưng tỉ lệ sống sót sau 5 năm cho bệnh nhân ở giai đoạn 1 là 61%, giai đoạn 2 là 52%, giai đoạn 3 là 41%, đến giai đoạn 4 thì chỉ còn 16%.
Các con số trên dựa trên thống kê một số lượng lớn bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân sẽ có đặc điểm khác nhau, và đáp ứng với điều trị khác nhau. Do đó những con số này chỉ mang tính tham khảo, không thể dùng để tiên đoán kết quả điều trị cho một bệnh nhân cụ thể.

Dù sao thì cũng không có bệnh ung thư nào có tỉ lệ sống sót sau 5 năm là 0%, nghĩa là ko có bệnh ung thư nào mà bệnh nhân chết sạch trong vòng 5 năm cả. Thế nên kết luận nhanh là ung thư không phải chắc chắn 100% là án tử hình.

Vậy hỏi ngược lại, ung thư có chữa khỏi được không? Trước hết phải hiểu chữa khỏi là như thế nào đã.

  • Khỏi hoàn toàn (‘cure’ trong tiếng Anh) được định nghĩa là không còn bất kì dấu hiệu nào của ung thư, và ung thư sẽ không bao giờ quay trở lại.
  • Có một từ nữa là ‘remission’ (tạm dịch là lui bệnh) nghĩa là các dấu hiệu của bệnh được thuyên giảm, có thể là một phần hoặc toàn phần. Lui bệnh toàn phần nghĩa là các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư hoàn toàn biến mất.
  • Đa số ung thư nếu có tái phát sẽ tái phát trong vòng 5 năm sau khi điều trị, nên một số bác sĩ nói nếu một người lui bệnh hoàn toàn từ 5 năm trở lên thì có thể coi là khỏi bệnh ung thư. Đa số rất e ngại dùng từ ‘khỏi bệnh’ vì có thể vẫn còn một vài tế bào ung thư trong cơ thể, và ung thư có thể quay trở lại sau nhiều (>5) năm. Đó là lí do tại sao các bệnh nhân ung thư sẽ được bác sĩ khuyên đi tái khám định kì trong vòng nhiều năm sau khi điều trị để đảm bảo nếu ung thư tái phát thì sẽ được phát hiện sớm.

Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter gần đây được điều trị ung thư da đã di căn lên não và gan. Kết quả điều trị tốt, và ông phát biểu rằng ‘Hình ảnh chụp MRI gần đây của tôi không cho thấy có dấu hiệu nào của khối u ung thư cũ hay bất kì khối u nào mới’. Ngay lập tức một loạt báo chí rầm rầm đưa tin ông đã ‘cancer-free’ (ví dụ CNN, The New York Times), thậm chí còn dùng từ khỏi bệnh ‘cure’ (ví dụ The Guardian, Philstar, The times of Israel). Điều này không chính xác 100% vì Carter mới chỉ được coi là ở giai đoạn lui bệnh chứ không thể nói là khỏi bệnh được. Nói lan man một tí để các bạn khi đọc báo thì cẩn thận.

⁉️⁉️Thuốc nam/ bắc, thuốc lá hay các loại thuốc làm từ thảo dược chữa ung thư tốt hơn hóa trị/ xạ trị vì có nguồn gốc thiên nhiên?
Trong một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí JNCI, việc sử dụng các liệu pháp điều trị thay thế giảm tỉ lệ sống sót sau 5 năm (cũng có nghĩa là tăng nguy cơ tử vong) ở bệnh nhân ung thư gấp 2.5 lần so với việc dùng các liệu pháp điều trị chính thống. Ở một số loại ung thư, tỉ lệ này còn cao hơn. Ví dụ các bệnh nhân ung thư vú dùng liệu pháp điều trị thay thế có tỉ lệ sống sót sau 5 năm thấp hơn 5.68 lần so với các bệnh nhân dùng phương pháp điều trị chính thống. Ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng, tỉ lệ này là 4.57 lần. Ở ung thư phổi là 2.17 lần. Mọi người tự rút ra kết luận nhé.


⁉️⁉️ Ăn các siêu thực phẩm (superfood) có thể phòng chống ung thư?
Ngành thực phẩm đã có một chiến dịch PR thành công ngoạn mục khi ‘nâng tầm’ được một số loại thực phẩm lên làm ‘siêu thực phẩm’ (superfood). Danh sách này bao gồm quả việt quất, rau chân vịt, củ cải đỏ, xúp lơ xanh, tỏi, trà xanh, v.v. Mình nói thẳng luôn là trong khoa học không có khái niệm ‘siêu thực phẩm’. Từ năm 2007, EU đã cấm tất cả các thể loại quảng cáo liên quan tới dinh dưỡng và sức khỏe có thể gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, bao gồm cả việc dùng từ superfood mà không có chứng cứ khoa học đáng tin cậy. Ở Anh, cả NHSCancer Research UK đều đã khuyến cáo mọi người không nên tin tưởng vào chuyện một loại đồ ăn nào đó có thể giúp phòng chống ung thư hay có các lợi ích về mặt y khoa khác.

Tất nhiên, một số thực phẩm lành mạnh hơn các thực phẩm khác. Một chế độ ăn cân bằng, nhiều rau quả đa dạng sẽ tốt cho bạn hơn, không quan trọng là ăn rau chân vịt, xúp lơ xanh, quả việt quất hay là ăn rau muống, rau cải, dưa hấu, cam quýt thông thường.

Nói thế nhưng vẫn có rất nhiều bài báo lá cải đưa ra các thông tin không chính xác, và rất nhiều người vẫn nghĩ rằng ăn siêu thực phẩm sẽ giúp chống lại tất cả các loại bệnh tật, bao gồm cả ung thư. Lí do đưa ra là vì các thực phẩm này rất giàu chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác hại của gốc tự do. Nghe cũng hơi logic. Vấn đề là:
Gốc tự do đóng cả hai vai thiện và ác, chứ không phải ác 100%. Đây là các hóa chất do các tế bào sản sinh ra trong quá trình trao đổi chất bình thường hoặc do các tác nhân bên ngoài (ví dụ: ô nhiễm, khói thuốc, phóng xạ, v.v.). Ở nồng độ thấp, gốc tự do có lợi cho các phản ứng của tế bào và chức năng miễn dịch của cơ thể. Khi ở nồng độ cao, gốc tự do có thể dẫn tới phản ứng domino gây hại cho tế bào.
Đúng là các chất chống oxy hóa có thể trung hòa được gốc tự do, nhưng cơ thể con người rất phức tạp, ung thư lại càng phức tạp. Việc một chất chống oxy hóa có tác dụng trong phòng thí nghiệm hay trên động vật không có nghĩa là nó sẽ có tác dụng trên người. Nếu cái gì làm trên tế bào hay trên chuột mà cũng áp dụng ngay được cho người thì các công ty dược phẩm đã chả mất bao nhiêu thời gian cho việc nghiên cứu thuốc và tốn bao nhiêu tỉ đô mỗi năm cho việc tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người.
Không có bằng chứng thuyết phục về tác dụng của các chất chống oxy hóa cho sức khỏe. Năm 2011, Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) đã xuất bản một báo cáo cho thấy tác dụng của chất chống oxy hóa lên gốc tự do quan sát được trong phòng thí nghiệm hoàn toàn không có tác dụng gì lên sức khỏe của con người cả. Viện Nghiên Cứu Ung Thư Quốc Gia của Mỹ (National Cancer Institute) thậm chí còn tài trợ một số thử nghiệm lâm sàng về tác dụng của các chất chống oxy hóa trong việc phòng chống ung thư và kết quả là không có bằng chứng nào cho thấy bổ sung chất chống oxy hóa trong chế độ ăn có lợi trong phòng ngừa ung thư. Ngoài ra, một nghiên cứu tổng hợp cho US Preventive Services Task Force cũng cho thấy việc bổ sung vitamin và khoáng chất không có tác dụng đáng kể trong việc phòng chống ung thư.
Thậm chí có một số nghiên cứu còn cho thấy ở một số trường hợp, một số chất chống oxy hóa có thể gây hại, và giúp tế bào ung thư sống sót.

Đến đây thì các bạn tự rút ra kết luận cho mình nhé. Bạn nào thích đọc thêm về chủ đề này có thể tham khảo series về chất chống oxy hóa của Cancer Research UK (phần 1, phần 2, phần 3), khá dễ đọc.

⁉️⁉️Kiềm hóa cơ thể để chống/chữa ung thư?
Một trong những quan niệm sai lầm nhưng được các phóng viên báo lá cải thiếu hiểu biết viết tràn lan và sau đấy được dân tình share đầy trên mạng là vụ kiềm hóa cơ thể để chữa ung thư. Đại loại khái niệm của các bạn như sau: chế độ ăn gồm nhiều thực phẩm nhiều tính acid thì sẽ khiến cho cơ thể hay máu trong cơ thể trở nên có tính acid. Khi các tế bào liên tục tiếp xúc với môi trường acid, chức năng hoạt động sẽ suy giảm, dẫn đến suy thoái, hư hỏng, và gây ra ung thư. Các tế bào ung thư cũng phát triển mạnh trong môi trường acid, do đó nên ăn nhiều đồ ăn có chất kiềm để phóng chống ung thư. BULLSHIT!!!
Đầu tiên là hóa học cơ bản 101: trong hóa học, người ta dùng độ pH để biểu thị tính acid hoặc tính kiềm. pH bằng 7 là trung tính, lớn hơn 7 là có tính kiềm, nhỏ hơn 7 là có tính acid.
Sinh học cơ bản 101: Để có thể sống và hoạt động bình thường, cơ thể con người duy trì một mức pH trong huyết thanh ổn định xung quanh 7.4 (với mức xê dịch rất nhỏ từ 7.35-7.45), tức là hơi có tính kiềm.
Nếu độ pH trong máu xuống dưới mức 7 (tức là có tính acid) hay trên 7.7 (có tính kiềm mạnh hơn mức bình thường) thì chắc chắn là bạn sẽ … ngủm củ tỏi, khỏi lo ung thư hay không. Mà thực ra cũng chả cần tới mức đó. Chỉ cần độ pH trong máu xuống dưới 7.35 là trong y học đã có một từ cho nó rồi – metabolic acidosis, thường xảy ra ở các ca bệnh nặng do nhiễm độc, suy tim, biến chứng tiểu đường, chết đói, tiêu thụ cồn quá nhiều, hay rối loạn chuyển hóa chất do di truyền. Khi này thận và phổi không thể giữ pH cơ thể ở mức cân bằng, và có thể nguy kịch cho tính mạng.
Tuy nhiên, nồng độ pH ở các bộ phận/ tế bào khác nhau có thể rất khác nhau. Ví dụ dạ dày có độ acid cao nhất (pH 1.35-3.5) để giúp tiêu hóa đồ ăn và chống nhiễm khuẩn. Da của chúng ta có tính acid (pH 4-6.5), âm đạo ở nữ giới cũng có tính acid (pH<4.7) để chống sự phát triển quá mức của vi khuẩn. Các tế bào ở các bộ phận này có các đặc điểm riêng để có thể sống sót trong môi trường acid.
Đúng là môi trường xung quanh tế bào ung thư có thể có tính acid do cách các tế bào ung thư tạo ra năng lượng khác với tế bào thường. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là ăn đồ ăn nhiều tính kiềm có thể thay đổi được pH trong cơ thể và trung hòa được môi trường acid quanh tế bào ung thư. Đó là vì…
Dù bạn có ăn đồ ăn có tính acid hay kiềm đi chăng nữa thì cuối cùng cũng …đi tè ra hết thôi vì thận của chúng ta sẽ giúp đảm bảo mức pH ổn định trong huyết thanh.Nước tiểu có thể thay đổi pH tùy theo bạn ăn cái gì. Không tin mai mua hộp giấy quỳ tím, mỗi bữa ăn một loại đồ ăn rồi test thử mà xem. Độ pH trong nước tiểu của bạn thay đổi không có nghĩa là pH trong máu và cơ thể thay đổi. Đọc xong bài này rồi, từ giờ gặp đứa nào to mồm cố cãi rằng ăn đồ ăn nhiều tính acid hay tính kiềm có thể thay đổi pH trong máu thì bạn cứ mạnh dạn …tè vào đầu nó một bãi cho bớt ngu.
Còn một điểm cuối cùng mình miễn bình luận. Theo một ‘chuyên gia’ trường phái kiềm hóa cơ thể để phòng chống ung thư thì một trong những loại đồ ăn có tính kiềm cao nhất là …chanh. Lạy anh chuyên gia và lạy cả cái bạn nhà báo viết bài này luôn.

Có một bài báo gần đây đã tổng hợp kết quả từ nhiều nghiên cứu khác nhau trong lĩnh vực này và kết luận là chế độ ăn uống giàu chất kiềm không cho thấy có bằng chứng nào về lợi ích phòng chống ung thư. Bạn nào hứng thú có thể đọc.

⁉️⁉️Thực dưỡng chữa ung thư?
Một trong những tin vịt được lan truyền đầy trên mạng trong thời gian gần đây là thực dưỡng chữa ung thư.

Đầu tiên thực dưỡng là gì đã? Ngồi tra mãi mới ra từ tiếng Anh của nó là macrobiotic diet do nhà triết học người Nhật George Ohsawa phát triển ra vào những năm 1920. Thực chất thì nó là một phần của macrobiotic lifestyle/living (chả biết dịch là gì). Có một cái website George Ohsawa Macrobiotic Foundation nhiều sản phẩm thương mại hóa phết. Sách, công thức nấu nướng, tạp chí, trại hè, v.v. đủ cả. Rồi các học trò của Ohsawa cũng lập ra mấy tổ chức khác nhau về thực dưỡng như Kushi Institute, rồi viết sách các kiểu.

Nói chung là xem một lúc thì hoa mắt, nhưng túm lại thì mục đích là hướng đến một chế độ ăn và lối sống hòa hợp với thiên nhiên. Do đó, thực dưỡng tập trung chủ yếu vào ăn các loại ngũ cốc (whole grains) và rau với mục đích cung cấp cho cơ thể chỉ vừa đủ chất để có thể hoạt động bình thường chứ ko ăn quá nhiều dẫn đến thừa chất, và khuyến khích cơ thể tự lành. Thường chế độ ăn của họ sẽ gồm một nửa là các loại ngũ cốc, ¼ là các loại rau, và ¼ là súp làm từ rau, tảo biển, đậu, chick peas, đậu lawg (lentil) và đậu tương lên men (miso) (có thể coi là high-carb, low fat diet). Những người theo trường phái này thường hạn chế ăn cá, và được khuyến khích không ăn thịt, trứng, và các sản phẩm từ sữa, không uống rượu mạnh, chỉ ăn khi đói, uống khi khát, ăn chậm nhai kĩ, v.v. Họ cũng nhấn mạnh việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ, tránh các chất tạo màu nhân tạo, các chất bảo quản, các đồ hộp, v.v. Nhưng tuyệt nhiên ko thấy ai nói là chỉ được ăn gạo lứt, muối mè sống qua ngày để chữa ung thư như một số bài báo ở Việt Nam đã viết cả.

Nếu áp dụng common sense thì một chế độ ăn cân bằng và một lối sống lành mạnh chắc chắn là tốt cho sức khỏe. Nhưng chế độ ăn chưa bao giờ được dùng để điều trị ung thư. Chưa kể nếu một chế độ ăn không đầy đủ dinh dưỡng sẽ không cung cấp đủ dưỡng chất và năng lượng cho cơ thể. Với người thường đã khó, với bệnh nhân ung thư điều này càng nguy hiểm vì cơ thể không đủ sức để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được các phương pháp điều trị đặc hiệu. Tế bào ung thư chưa kịp chết thì người bệnh đã chết trước rồi.

Cho tới nay, không có bằng chứng nào chứng tỏ thực dưỡng có tác dụng điều trị ung thư hay các bệnh mạn tính khác như tim mạch, tiểu đường. Điều này đã được các nhà khoa học đưa ra từ cách đây mấy chục năm (các bạn có thể đọc ở đây, đây, và đây). Chưa có một báo cáo nào về tác dụng của thực dưỡng tới việc điều trị ung thư được xuất bản trên các tạp chí khoa học uy tín. Cũng chưa có thử nghiệm lâm sàng hay một công trình nghiên cứu quan sát (observational studies) được tiến hành. Cả USUKđều không khuyến khích sử dụng thực dưỡng như một liệu pháp bổ trợ (complementary therapy) chứ chưa nói đến việc dùng thực dưỡng như một liệu pháp thay thế (alternative therapy) cho điều trị ung thư. Chả hiểu thánh PR nào khai quật ra quả thực dưỡng này và đã cho nó sống lại một cách thần kỳ nhờ các con chiên cả tin share đầy trên mạng.

⁉️⁉️ Ăn low-carb/ ketogenic diet để chữa ung thư?
Một xu hướng khác dạo này cũng thấy một số người share trên mạng là ăn kiêng đường, low carb/ ketogenic diet để chữa ung thư. Nếu được, mình rất muốn mời 2 chuyên gia về thực dưỡng và low carb/ ketogenic diet ngồi đấu khẩu với nhau xem như thế nào vì 2 chế độ ăn này khác nhau một trời một vực. Trong khi thực dưỡng là high-carb, low-fat thì ketogenic lại là low-carb, high-fat. Điều này chỉ có nghĩa là một trong 2 trường phái này sai, hoặc cả hai đều sai.

Trường phái low carb dựa trên giả thuyết rằng khối u ung thư sử dụng glucose làm nhiên liệu chính để tăng sinh. Do đó, giải pháp để tiêu diệt khối u là ăn theo chế độ low carb & high good fat (Ketogenic diet) để buộc cơ thể sử dụng nguồn nguyên liệu khác (ketones) và cắt đi nguồn nhiên liệu chính của khối u. Theo National Cancer Institute của US thì hiện nay các nghiên cứu về ketogenic diet mới chủ yếu tập trung vào độ an toàn và khả năng chịu đựng của bệnh nhân, và mới chỉ thực hiện trên một số ít bệnh nhân glioblastoma (một dạng ung thư não). Chưa có các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn, hay trên các bệnh nhân ung thư khác nên không thể kết luận liệu ketogenic có tác dụng điều trị ung thư hay không. Cancer Research UK cũng ghi rõ hiện không có bằng chứng gì cho thấy việc cắt giảm carb giúp điều trị ung thư cả.

Một biến thể của trường phái low-carb/ketogenic diet là không ăn đường để chữa ung thư. Cái này thì khẳng định là sai 100%.
Lại hóa sinh cơ bản 101. ‘Đường’ là một từ rất chung chung, chỉ một nhóm các hợp chất carbohydrate hòa tan. Một số loại đường phổ biến nhất bao gồm:
Tất cả các tế bào trong cơ thể, dù là tế bào ung thư hay không, cũng đều dùng glucose làm năng lượng. Sở dĩ người ta thấy khối u ung thư dùng nhiều glucose hơn vì các tế bào ung thư phát triển nhanh hơn, nên cần nhiều năng lượng.
Vấn đề là tất cả các thể loại carb bao gồm polysaccharide và oligosaccharide (tinh bột như pasta, bánh mì, cơm, v.v.), khi vào cơ thể chúng ta đều được chuyển hóa thành đường glucose, và được thẩm thấu vào máu để làm nguồn năng lượng cho cơ thể. Các tế bào sẽ không phân biệt được phân tử glucose này là đến từ thìa đường bạn cho vào cốc café, hay đến từ bát phở mới ăn. Thế nên kêu ăn đường nuôi tế bào ung thư, hay không ăn đường có thể chữa ung thư là hoàn toàn vớ vẩn.
Nếu cắt giảm tinh bột nói chung thì chúng ta quay lại ketogenic diet ở trên.
Monosaccharides: đường đơn giản như glucose và fructose trong rau quả.
Disaccharide: đường phức tạp hơn một chút, ví dụ sucrose hay đường trắng mà các bạn thường ăn (cấu tạo từ 2 phân tử glucose và fructose nối với nhau), lactose trong sữa (cấu tạo từ 2 phân tử glucose và galactose nối với nhau), và maltose thường được tạo ra khi lên men một số loại hạt (cấu tạo từ 2 phân tử glucose nối với nhau)

Túm lại là cho tới thời điểm này chưa có một chế độ ăn nào, dù là giàu thực phẩm chống oxy hóa, thực dưỡng, ketogenic, thực phẩm giàu chất kiềm, hay bất cứ thứ gì khác, đã được chứng minh là có tác dụng điều trị ung thư. Nên mong các bạn đừng bao giờ share mấy bài báo linh tinh về mấy vụ này lên mạng xã hội nhé.

⁉️⁉️Tiếp xúc nhiều với các loại bức xạ sóng vô tuyến (ví dụ vi sóng, sóng điện thoại di động, v.v) gây ung thư?
Hồi xưa có một nhà trong khu tập thể mình muốn cho một công ty viễn thông thuê chỗ lắp cột thu phát sóng di động, bị cả khu phản đối quá trời vì sợ ung thư. Nhiều người tránh dùng lò vi sóng cũng vì sợ ung thư. Nhiều người sợ các thiết bị di động vì cũng lo ung thư. Vậy các loại sóng này có gây ung thư không?

Nói đơn giản, bức xạ là năng lượng truyền dưới hình thức sóng. Có nhiều loại bức xạ khác nhau, từ bức xạ năng lượng cao (tần số cao) cho tới bức xạ năng lượng thấp (tần số thấp), tạo thành phổ điện từ.

(Source: https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/radiation/electromagnetic-fields-fact-sheet)

Tia X-quang và tia gamma là ví dụ điển hình của bức xạ năng lượng cao, và thường được gọi là bức xạ ion hóa vì các loại bức xạ này có đủ năng lượng để lấy đi electron (ion hóa) từ một nguyên tử hay phân tử, có thể gây hư hại cho DNA trong tế bào, và dẫn đến ung thư.

Bức xạ sóng vô tuyến (radiofrequency radiation) bao gồm vi sóng và sóng vô tuyến là bức xạ ở nằm ở phía năng lượng thấp của phổ điện từ. Đây là các loại bức xạ không gây ion hóa. Chúng có khả năng làm rung hoặc di chuyển các phân tử nhưng không đủ năng lượng để lấy đi electron (ion hóa). Các vật liệu có chứa nước nếu hấp thụ một lượng lớn các bức xạ này sẽ tạo ra nhiệt, và có khả năng gây bỏng hoặc phá hủy mô. Lò vi sóng làm nóng được thức ăn chính là nhờ cơ chế này.

  • Con người tiếp xúc với cả bức xạ sóng vô tuyến tự nhiên và nhân tạo.
  • Nguồn bức xạ sóng vô tuyến tự nhiên bao gồm:
  • Nguồn bức xạ sóng vô tuyến nhân tạo (ví dụ)
  • Ngoài vũ trụ và mặt trời
  • Bầu trời – bao gồm cả chớp
  • Trái đất – đa số bức xạ từ trái đất là tia hồng ngoại, nhưng có một lượng nhỏ là sóng vô tuyến
  • Sóng tín hiệu radio và truyền hình
  • Sóng tín hiệu các thiết bị không dây như điện thoại di động, điện thoại vệ tinh, v.v
  • Radar
  • Wifi & Bluetooth
  • Lò vi sóng
  • Máy quét toàn thân để kiểm tra an ninh

Sóng vô tuyến chắc chắn không gây tổn hại DNA bằng cơ chế ion hóa như các bức xạ năng lượng cao, nhưng nhiều người vẫn lo ngại liệu chúng có gây các tác hại khác dẫn đến ung thư không?

  • Vi sóng và lò vi sóng: như đã nói ở trên, lò vi sóng làm nóng, thậm chí nấu chín thức ăn bằng cách làm rung các phân tử nước và sinh ra nhiệt. Lò vi sóng không chứa tia X quang hay tia gamma, và không làm thức ăn nhiễm phóng xạ. Lò vi sóng cũng không làm thay đổi cấu trúc hóa học của đồ ăn. Lò vi sóng được thiết kế để đảm bảo vi sóng chỉ ở trong lò, lượng vi sóng có thể rò rỉ ra ngoài nếu có sẽ ở mức thấp hơn nhiều so với mức có thể gây hại cho con người. Thế nên nếu lò vi sóng của các bạn của các hãng uy tín, không bị hỏng hóc gì thì bạn yên tâm. Nguy cơ thực sự không phải ở cái lò vi sóng, mà là ở các đồ đựng thức ăn bạn cho vào lò. Một số đồ đựng thức ăn bằng nhựa khi bị nung nóng có thể sản sinh ra các hóa chất có khả năng gây ung thư. Các bạn lưu ý chọn đồ đựng thức ăn phù hợp khi dùng lò vi sóng.
  • Máy quét an ninh: có 2 loại chính. Một là các máy dùng sóng milimet (millimeter wave) chứ không dùng tia X-quang hay các loại bức xạ năng lượng cao khác. Theo cơ quan FDA của Mỹ thì các máy scan này không có ảnh hưởng nào tới sức khỏe. Hai là các máy quét dùng tia X-quang, nhưng ở liều rất thấp. Cũng theo ước tính của FDA thì trừ phi bạn bay nhiều tới nỗi bị screen trên 1,000 lần/năm thì may ra mới tới vượt ngưỡng an toàn.
  • Sóng di động và sóng wifi: đã có khá nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa sóng di động/ wifi với ung thư ở cả người lớn và trẻ em. Đa số các nghiên cứu không cho thấy có mối liên hệ nào, chỉ có một số rất ít đưa ra kết luận là các loại sóng này làm tăng nguy cơ ung thư. Chính vì các kết quả nghiên cứu không thống nhất nên năm 2013, WHO xếp loại sóng di động vào nhóm ‘có khả năng gây ung thư ở người (Nhóm 2B)’. Thà giết nhầm còn hơn bỏ sót. Trong khi WHO đi theo hướng thận trọng, các cơ quan của Anh (ví dụ Cancer Research UK, NHS) hay Mỹ (ví dụ American Cancer Society, National Cancer Institute) đều không/chưa đưa các sóng vô tuyến bao gồm sóng di động và wifi vào danh sách có khả năng gây ung thư. Kết luận của các cơ quan này là …không có kết luận gì. Không có chứng cứ nhưng cũng không thể nói là hoàn toàn không có nguy cơ vì các thiết bị di động cũng mới chỉ trở nên phổ biến từ khoảng 10-15 năm nay nên hậu quả lâu dài thì chưa ai biết. EU cũng có quan điểm tương tự.


⁉️⁉️Pháp luân công chữa ung thư?
Nói thật là mình cũng chả biết gì về vụ Pháp luân công và ung thư cho tới khi có một bạn hỏi mình trên facebook. Đọc ra thì thấy Pháp luân công là một dạng khí công và thiền định dựa trên các nguyên lý đạo đức. Nghĩ nát óc cũng không ra cơ chế làm thế nào để Pháp luân công có thể chữa ung thư. Tìm trên Pubmed(database về các nghiên cứu liên quan tới y sinh) cả ngày cũng chả thấy bài báo nào về chủ đề này. Một bạn trên Quora có nhắc tới một nghiên cứu trên ASCO library về việc các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tập Pháp luân công có thể sống lâu hơn, triệu chứng cũng được cải thiện. Tuy nhiên, đọc kĩ thì thấy có một số vấn đề:
Đây là một observational cohort study sử dụng web database chứ không phải là một thử nghiệm lâm sàng mù đôi, có đối chứng với nhóm control. Mình sẽ không đi vào chi tiết nhưng một phương pháp điều trị chỉ được công nhận nếu được thử nghiệm lâm sàng chặt chẽ, được công bố kết quả rộng rãi trên các tạp chí khoa học peer-review (không biết dịch tiếng Việt là gì), và được các cơ quan chức năng phê duyệt. Công trình này không đạt cả 3 yếu tố trên.
Đọc kĩ hơn thì thấy trong số 406 trường hợp đưa vào nghiên cứu, chỉ có 13 trường hợp là tập Pháp luân công trong thời gian điều trị. Con số này quá nhỏ để có ý nghĩa về mặt thống kê. Mình làm nghiên cứu thị trường vớ vẩn mà muốn có ý nghĩa thống kê cũng cần ít nhất 30 mẫu. Huống hồ đây lại là chuyện liên quan tới sức khỏe và tính mạng con người.

Thế nên kết luận ngắn gọn là không có bằng chứng nào cho thấy Pháp luân công có thể điều trị ung thư cả. Các biện pháp khí công, thiền định, yoga cũng không có tác dụng điều trị ung thư. Tuy nhiên, việc tập luyện các môn này có thể giúp giảm stress/trầm cảm, tăng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, giúp cho quá trình điều trị được tốt hơn. Bệnh nhân nên tư vấn bác sĩ để có thể xem xét dùng như một liệu pháp điều trị bổ trợ.

⁉️⁉️Mật gấu, sừng tê giác, rùa núi vàng, cao hổ cốt, v.v. là những ‘thần dược’ chữa ung thư?
Mình không biết tại sao nhiều người tin rằng các thể loại mật gấu, tay gấu, sừng tê giác, vi cá mập, rùa núi vàng, cao hổ cốt, v.v. có tác dụng chữa bách bệnh, bao gồm cả ung thư. Có thể coi các thể loại này là ‘thuốc mồm’, một liệu pháp thay thế (Các bạn đọc lại đoạn alternative medicine ở phần 3) hoàn toàn không có dữ liệu khoa học được kiểm chứng đầy đủ mà chỉ dựa vào ‘tao nghe người ta mách thế’, ‘em đọc trên mạng thấy bảo thế’, ‘nghe nói [người nào đó] dùng thử thấy công hiệu lắm’. Giả thuyết của mình là vì những ‘bài thuốc mồm’ này ra đời từ trí tưởng tượng phong phú của một ai đó, nghĩ mấy con vật này hoặc là to khỏe, hoặc là sống lâu nên chắc chắn là tốt.
Nếu logic này đúng thì mình có một ý tưởng tuyệt vời dành cho các chị em muốn giảm cân. Thôi đừng low carb, Atkin, hay bất kì chế độ ăn kiêng nào làm gì, hãy chuyển sang ăn … kiến hoặc ong. Mấy con đấy ngực nở, eo thon, mông tròn. Nó đẹp thế, mình ăn vào chắc chắn cũng đẹp ‘thắt đáy lưng ong’ luôn. Còn các bạn thể chất ốm yếu thì mình khuyên ăn con …bọ phân có sừng (horned dung beetle). Con này siêu khỏe, có thể nâng/kéo một vật nặng gấp…1,141 lần khối lượng cơ thể nó. Không thích bọ thì ăn …nhện (oribatid mite) cũng được. Con này còn khỏe hơn nữa, có thể nâng một vật nặng gấp 1,180 lần khối lượng cơ thể nó, và kéo một vật nặng gấp 540 lần khối lượng cơ thể.
Có nhiều thứ trông vậy chứ không phải vậy. Cứ tưởng chỉ có con người bị ung thư, ai dè mấy loài động vật, từ vật nuôi cho tới động vật hoang dã, cũng …ung thư chết bỏ. Danh sách các loài thú bị ung thư dài và đa dạng chẳng kém ở người (xem ở đây). Loài thú mặt quỷ Tasmania (the Tasmanian devil) còn có tỉ lệ bị ung thư cao tới mức đang đứng trước nguy cơ diệt vong. Trong một nhóm quần thể cá voi beluga ở vùng cửa sông St Laurence, ung thư là nguyên nhân thứ 2 (chiếm 19% số ca) gây tử vong. Các nhà khoa học tìm được khối u trong 27% số xác cá voi beluga trưởng thành tại thời điểm tử vong. Các con số này khá tương đồng với tỉ lệ ở người (ví dụ ở Mỹ, ung thư cũng là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2, chiếm 22.9% số ca) (xem ở đây)
Có bạn sẽ nghĩ mấy con cá vớ vẩn, với chó mèo bé tí ung thư thì bỏ qua chứ gấu, voi, hổ to khỏe thế, rùa sống lâu thế sao mà ung thư được. Đây nhé, tra con gì cũng ra. Rùa núi vàng bị ung thư máu đấy, các bạn biết ko? Ung thư ở rùa biển thì đã có khá nhiều công trình nghiên cứu được đăng (ví dụ ở đây, đây, và đây). Sư tử, hổ, báo, v.v. nuôi nhốt đều có tỉ lệ bị ung bướu cao (xem ở đâyđây). Voi to xác, dù tế bào có cơ chế đặc biệt để giảm khả năng bị ung thư vẫn có khoảng 5% cá thể chết do ung thư. Số lượng tê giác trên thế giới còn rất ít, nên chỉ có một số case studies tê giác bị ung thư được ghi nhận trên tạp chí khoa học, và một cơ số trường hợp khác chỉ cần google là ra (xem ở đây, đây, và đây). Thậm chí Shiva, chú tê giác của vườn thú Mumbai chết năm 2014 là do ung thư đã di căn từ …sừng lên não. Tương tự, ung thư ở gấu, từ gấu thường tới gấu bắc cực đều đã được ghi nhận trong các case studies được đăng trên các tạp chí khoa học (ví dụ đây, đây, đây, và đây) và trên báo chí (đây, đây, đây, và đây).

Túm lại là mấy loài động vật hoang dã mà nhiều người nghĩ là to khỏe, sống lâu, không bệnh tật, ăn vào như thuốc tiên ý, sự thật là các ẻm cũng chết vì ung thư á, nhiều khi còn ung thư trúng cái bộ phận mà mọi người ăn vào người á. Nên thôi, có tiền thì tới bệnh viện chữa bệnh, không thích chữa bệnh thì lấy tiền đấy đi du lịch, ăn chơi nốt cho sướng, không nữa thì để tiền làm từ thiện hay cho người thân, bạn bè. Đừng mua ba cái thứ linh tinh này về ăn/uống, vừa tốn tiền oan, lại còn mang tiếng là ác, góp phần gây tuyệt chủng cho các loài động vật quý hiếm.

***

📖


bài của MYHAFTCENTBLOG